EVFTA: Khó tận dụng nếu tiếp tục tư duy và nền sản xuất cũ
Hỗ trợ DN ngành nông nghiệp tận dụng tốt các ưu đãi từ EVFTA | |
Việt Nam muốn trở thành một người chơi lớn |
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, lần đầu tiên một nước có trình độ phát triển thấp như Việt Nam đã thành một đối tác trong một hiệp định tương đối toàn diện và với đòi hỏi rất cao với Liên minh châu Âu (EU). Không chỉ trong lĩnh vực truyền thống về mở cửa thị trường thông qua hàng rào thuế quan cho thương mại hàng hóa, dịch vụ mà những nội dung của chương phi truyền thống kể cả SHTT chiếm nội dung rất lớn trong FTA. Vì vậy bên cạnh những cơ hội, thuận lợi để chúng ta có điều kiện mở rộng thị trường, phát triển thương mại và nâng cao năng lực của nền kinh tế, sẽ đi kèm với thách thức và những nội dung công việc rất nặng nề.
Một trong những thách thức theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là áp lực cạnh tranh với cộng đồng DN rất lớn, cạnh tranh không chỉ tại thị trường nội địa mà cạnh tranh ngay cả với thị trường ngoài nước. Cắt giảm thuế quan ưu đãi để tiếp cận thị trường bên ngoài nhưng không có nghĩa là những sản phẩm không có thương hiệu, không có những nền tảng liên quan đến bảo vệ SHTT, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu sẽ khó có thể thâm nhập được thị trường.
“Thị trường nội địa cũng có áp lực rất lớn khi chúng ta phải mở cửa thị trường rất sâu rộng. Bên cạnh đó, những sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa của chúng ta cũng phải chịu sự điều chỉnh bổ sung hoàn thiện theo quy định… vì liên quan đến bảo vệ quyền SHTT và bảo hộ quyền tác giả”, Bộ trưởng cho biết.
Thách thức lớn thứ 2 là liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi, tổ chức nội lực hóa những cam kết hội nhập. Chúng ta đã có chương trình hành động và bước đi rất kịp thời trong hàng loạt các FTA khác, mới đây Quốc hội thông qua Luật SHTT (sửa đổi, bổ sung) và Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng chính là bước đi liên quan đến cam kết hội nhập của CPTPP của Việt Nam.
Tuy nhiên trong EVFTA, các nội dung sẽ còn rộng hơn nữa, nếu các cơ quan không xây dựng và tổ chức các chương trình hành động, nhất là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và thực thi các cam kết hội nhập, chúng ta sẽ trở thành đối tượng chế tài của các nước tham gia cam kết hội nhập. Đây không còn là câu chuyện đơn phương của Việt Nam có muốn làm hay không.
Đặc biệt, nội dung liên quan đến phát triển bền vững đòi hỏi không chỉ Bộ Bộ Khoa học - Công nghệ hay Bộ Công thương phải có trách nhiệm mà còn liên quan đến nhiều bộ, ngành khác phải chung tay mới có thể đạt được hiệu quả, như vấn đề về môi trường lao động, các vấn đề liên quan đến đánh bắt cá bất hợp pháp hay sản xuất đồ gỗ có phép hay không…
“Rõ ràng bên cạnh thuận lợi và cơ hội, chúng ta không thể tiếp tục tư duy cũ trong nền sản xuất cũ với trình độ thấp mà có thể tồn tại và hội nhập thành công. Rõ ràng các cơ quan phải vào cuộc để tạo ra nền tảng, bên cạnh việc thực thi nghiêm túc và đầy đủ cam kết hội nhập thì phải tranh thủ tái cơ cấu lại ngành sản xuất. Cùng với đó, các DN cũng khẩn trương đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu hội nhập”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh thêm, các cam kết của EU với Việt Nam cao hơn cam kết của EU trong WTO. Đồng thời cam kết của Việt Nam với EU cũng cao hơn cam kết của Việt Nam với WTO. Riêng về SHTT những cam kết cụ thể về mức độ bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong FTA này cùng với các cam kết về nguyên tắc tối huệ quốc nhằm đảm bảo quyền lợi cho DN hai bên được hưởng sự bảo hộ cao nhất mà mỗi bên giành cho bên thứ ba được cho là đã đặt ra tiêu chuẩn mới cho bảo hộ và thực thi quyền SHTT.
Điều này chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh của DN hai bên và là động lực thúc đẩy hoạt động công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghệ chế biến, sản xuất hàng nông sản thực phẩm, công nghệ, năng lượng, điện tái tạo, dược phẩm, chế tạo máy móc thiết bị và nhiều lĩnh vực khác từ EU vào Việt Nam.
Không chỉ bảo đảm quyền với các chỉ dẫn địa lý dùng cho nông sản của nước ta vốn đã có mặt trên thị trường này từ lâu như nước mắm Phú Quốc, Cafe Buôn Mê Thuật… Hiệp định này mở ra cơ hội tiếp cận thị trường EU cho nhiều sản phẩm khác như Trà Mộc Châu, Chè Tân Cương hay Vải Thanh Hà…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho rằng, các cam kết về SHTT cũng mang lại những thách thức nhất định cho tổ chức và cá nhân Việt Nam. Việc chống xâm phạm quyền SHTT chắc chắn sẽ nghiêm minh hơn hay nói cách khác chế độ thực thi quyền SHTT hà khắc hơn và có thể sẽ khiến DN Việt Nam nếu không nhận thức đầy đủ nguy cơ sẽ phải chịu gánh nặng với các thủ tục kiểm soát ví như kiểm soát tại biên giới khi rơi vào tranh chấp và kiện tụng.