Gắn kết mục tiêu và hành động
Sẽ có luật riêng để hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu | |
Ngành Ngân hàng 2017: Khẳng định niềm tin | |
Tái cơ cấu kinh tế: Phải bắt đầu từ thể chế và con người |
Kỳ vọng có lẽ là từ đúng nhất để nói về các nhiệm vụ tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Việc Quốc hội Khóa XIV trong Kỳ họp thứ 2 vừa rồi đã thông qua Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 cho thấy quyết tâm rất lớn của Nhà nước và Chính phủ đối với vấn đề TCC trong thời gian tới. Các mục tiêu, nhiệm vụ cũng như lộ trình thực hiện đã rõ ràng và giờ là lúc cần gắn các mục tiêu đặt ra với các hành động triển khai cụ thể.
Có một niềm tin rằng, nếu các rào cản về tư duy lý luận, về thể chế và tổ chức thực hiện chúng ta đã vượt qua được để triển khai thành công công cuộc Đổi mới 1986 thì nay - vẫn với những rào cản đó nhưng trong bối cảnh mới của hội nhập quốc tế sâu rộng, phức tạp hơn - Việt Nam sẽ nỗ lực vượt qua để tiến hành thành công cuộc Đổi mới lần 2.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM):
Phân bổ lại và sử dụng hiệu quả nguồn lực
TS. Nguyễn Đình Cung |
Việc huy động nguồn lực cho TCC đã làm rất tốt. Vấn đề hiện nay là cần phân bổ lại và sử dụng hiệu quả nguồn lực, từ đó khơi dòng chảy cho nền kinh tế. Tức là, chúng ta phải thay đổi tư duy, cách thức phân bổ nguồn lực hành chính xin - cho trong khu vực nhà nước và liên quan đến khu vực nhà nước hiện nay. Cách phân bổ này tạo nên một sự sai lệch trong phân bổ nguồn lực, làm cho nguồn lực được sử dụng một cách kém hiệu quả, lãng phí và thất bại.
Muốn thay đổi cách phân bổ nguồn lực này thì trọng tâm của TCC kinh tế về đột phá thể chế là phải thiết lập thị trường các nhân tố sản xuất, bên cạnh việc tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Trọng tâm thứ hai là cần TCC khu vực nhà nước chứ không phải chỉ DNNN, tức là tất cả các lĩnh vực từ tài chính công, ngân sách Nhà nước, DNNN, khu vực dịch vụ công và cả cách thức bộ máy vận hành nền kinh tế hiện nay. Điểm mấu chốt ở đây là Nhà nước cần rút khỏi kinh doanh để lấy nguồn lực đó đầu tư vào phát triển hạ tầng và làm những nhiệm vụ khác đúng chức năng của Nhà nước.
TCC là thay đổi lại phân bổ nguồn lực. Điều này sẽ dẫn đến những thay đổi cấu trúc quyền lực, quyền lợi cho nên sẽ có những người phản đối không muốn làm bởi muốn cố bảo vệ lợi ích của mình. Như vậy các nhà lãnh đạo, đặc biệt là các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, thành phố… phải vượt qua được chính mình, vượt ra khỏi tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ ngành, địa phương.
Đơn cử với vấn đề chia cắt hành chính giữa các địa phương. Ai cũng đồng ý phải thay đổi nhưng khi thực hiện thì không ai thay đổi được vì nó đụng đến quyền lợi của các địa phương. Tương tự như thế là đụng đến quyền lợi của các bộ, ngành và có một xu hướng là người ta chỉ làm những gì có lợi cho người ta, còn những gì không có lợi thì người ta chưa làm. Thực tế đặt ra yêu cầu cần thay đổi lại tư duy, cấu trúc lại tư duy. Đồng thời với đó phải thay đổi lại cách thức triển khai thực hiện thì mới hy vọng việc TCC, chuyển đổi mô hình tăng trưởng có được thành công.
TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế:
Nội hàm là thể chế, hệ thống động lực
TS. Võ Trí Thành |
Bản chất của tái cấu trúc liên quan đến toàn bộ thể chế và hệ thống động lực đằng sau đó, để các nguồn lực mà mình đang có, hay sẽ có, được phân bổ hiệu quả hơn. Như vậy, có hai vấn đề đặt ra ở đây là một mặt, cần một hệ thống động lực liên quan đến tạo dựng và thực thi đầy đủ cơ chế thị trường. Mặt khác, Nhà nước cần làm đúng chức năng trong cơ chế thị trường, trong hội nhập, tức là cần phải dựa trên một cơ chế là thực tài, chuyên nghiệp, minh bạch và có tính giải trình cao. Muốn vậy, vấn đề cải cách bộ máy Nhà nước cần thúc đẩy mạnh trong thời gian tới.
Khi nói nguồn lực, nó vừa có các vấn đề về nguồn vốn tài chính; vừa có vấn đề tài sản, tài nguyên đất đai; vừa có vấn đề nguồn nhân lực. Gắn với những cái đó thì việc TCC ở 3 lĩnh vực trọng tâm sẽ không chỉ dừng lại ở việc nhìn nhận và xử lý trực tiếp ở mỗi lĩnh vực mà cần quan tâm hơn đến câu chuyện đằng sau đó là các thể chế và hệ thống động lực liên quan.
Đơn cử, liên quan đến đầu tư công và trong một chừng mực nào đó liên quan đến DNNN, tài chính - ngân hàng là ngân sách, phân cấp. Đấy chính là sự liên quan đằng sau của thể chế và hệ thống động lực. Nên không phải ngẫu nhiên mà ngân sách, nợ công, đầu tư công và phân cấp được coi là một trong những vấn đề rất là căn cơ trong những cải cách sắp tới.
Hơn nữa, không chỉ đáp ứng yêu cầu hiệu quả của hiện tại mà đòi hỏi trong một môi trường hội nhập sâu hơn, cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 tiến triển nhanh và ở một cấp độ cao hơn thì còn đòi hỏi về nhân lực. Như vậy rõ ràng ở đây, các vấn đề như cải cách hệ thống giáo dục, hệ thống đại học hay là xây dựng một hệ thống sáng tạo quốc gia mới, trong đó có vai trò của DN… cũng phải là trọng tâm quan trọng của tái cấu trúc trong những năm tới.
Ngoài ra, một vấn đề liên quan nổi cộm là phân bổ hiệu quả gắn với nguồn tài nguyên đất đai. Ở đây, tôi đặc biệt nhấn đến nông nghiệp. Đây vừa là lĩnh vừa có nhiều vấn đề xã hội bức xúc, vừa gắn với nhiều lợi ích của người nông dân và cũng liên quan đến đất đai và cách nhìn nhận nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm sạch, an toàn trong bối cảnh mới… Đấy cũng là một vấn đề phải nhấn mạnh trong tái cấu trúc dù TCC nông nghiệp không phải là mới mà đã đưa ra từ 2- 3 năm qua.
Tóm lại, bên cạnh 3 lĩnh vực tái cấu trúc trọng tâm thì còn nhiều lĩnh vực khác cần phải làm trong giai đoạn tới. Thế nhưng, điều tôi muốn nhấn mạnh là không chỉ tập trung xử lý trực diện các vấn đề này mà yếu tố quan trọng nhất đằng sau là cần cải cách các thể chế liên quan gắn với hệ thống động lực và phân bổ, sử dụng nguồn lực thực sự hiệu quả.
PGS. TS. Trần Thị Thanh Tú, Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN:
Quyết liệt xử lý các NH yếu kém
PGS. TS. Trần Thị Thanh Tú |
Sau 5 năm thực hiện, Đề án 254, TCC hệ thống các TCTD đã đạt được những thành tựu nhất định. Chúng ta đã cơ bản kiểm soát được tình hình của các NHTMCP yếu kém, từng bước giảm bớt số lượng các NHTM. Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động của các NHTM đã được cơ cấu lại có một số chuyển biến tích cực, năng lực tài chính của các TCTD được tăng cường. Khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và NH cũng từng bước được hoàn thiện, qua đó giúp nâng cao vai trò và hiệu quả quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành của NHNN trong lĩnh vực tiền tệ - NH, hỗ trợ cơ cấu lại các NHTM.
Tuy nhiên, quá trình xử lý NH yếu kém theo Đề án 254 cũng còn những hạn chế. Trong đó, đáng chú ý là quá trình M&A các NHTM còn chậm trễ. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các NHTM sau sáp nhập và hợp nhất còn chưa rõ nét. Thiếu sự kết nối giữa TCC các TCTD với TCC đầu tư công và DNNN. Việc xử lý nợ xấu của các NHTM về bản chất vẫn đang là giải pháp tình thế vì VAMC chưa thể bán hoặc xử lý được triệt để nợ xấu đã mua…
Để nâng cao hiệu quả xử lý các TCTD yếu kém trong giai đoạn 2016 – 2020, một mặt cần có một định nghĩa rộng hơn về “xử lý nợ xấu” tại các NH đã bị mua 0 đồng và rộng hơn là “xử lý tài sản xấu” tại các NH yếu kém. Theo đó, nợ xấu ở đây không chỉ là dư nợ tín dụng, mà còn ở loại hình khác của tài sản NH như các khoản phải thu, các khoản cho vay cổ đông, các khoản đầu tư tài sản cố định nhưng chưa quyết toán, các khoản đầu tư vào dự án bất động sản, các khoản ủy thác đầu tư…
Do mỗi loại tài sản có tính đặc thù riêng, đặc biệt các ràng buộc, quy định về pháp lý của các loại hình tài sản xấu này rất phức tạp, chồng chéo, nằm ở các thẩm quyền khác nhau. Do đó, bên cạnh các giải pháp tổng thể, cần các phương án xử lý cụ thể cho từng loại tài sản xấu này.
Đồng thời, cần thống nhất lại liên bộ (NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp) toàn bộ nội dung về mua lại TCTD. Mua lại TCTD cần được hiểu là mua toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của TCTD bị mua lại. Do vậy, các bộ và cơ quan ngang bộ cần phải phối hợp và thống nhất hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện cho việc chuyển nhượng, thanh lý tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, cần tăng cường vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong quá trình TCC các TCTD và trong mạng an toàn tài chính quốc gia. TCC vẫn cần bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của hệ thống NH, hạn chế tối đa những xáo trộn bất lợi cho hệ thống NH cũng như cả nền kinh tế. Quá trình TCC các NHTM giai đoạn 2016-2020 cần phải đảm bảo tính minh bạch cao cùng với những chuẩn mực giám sát chặt chẽ. TCC cần đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những tác động tiêu cực về mặt xã hội, đồng thời cần xác định rõ trách nhiệm của các thành viên trong Mạng an toàn tài chính, trong đó có BHTG Việt Nam, trong quá trình TCC.