Giảm lãi suất tác động tích cực đến nền kinh tế
Giảm lãi suất cả nền kinh tế được hưởng lợi | |
Lãi suất giảm và… hành động của chúng ta | |
Giảm lãi suất hỗ trợ cho nền kinh tế |
Mặt bằng lãi suất mới được hình thành
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn (từ 14/11-26/11/2019), một loạt các chính sách, biện pháp điều hành quan trọng đã được ban hành. Trong đó, các quyết định về giảm lãi suất rất thu hút sự quan tâm của thị trường. Cụ thể, ngày 18/11/2019 NHNN đã ban hành Quyết định số 2415/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại TCTD. Theo Quyết định đó trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%năm. Cùng ngày NHNN ban hành Quyết định số 2416/QĐ-NHNN giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Trước đó, NHNN đã nhiều lần kéo giảm lãi suất tín phiếu NHNN. Gần đây nhất, ngày 29/11, NHNN giảm tiếp lãi suất thị trường mở kỳ hạn 1 tuần thêm 0,5%/năm từ mức 4,5%/năm về mức 4,0%/năm. Đây là lần thứ hai trong năm 2019, nhà điều hành giảm lãi suất thị trường mở.
Lãi suất giảm sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh |
Theo đánh giá của các chuyên gia, các động thái liên tiếp trên của Chính phủ, NHNN được cho là các bước chuẩn bị, tạo tiền đề quan trọng cho năm 2020. Trong đó thông qua nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất huy động sẽ tạo tiền đề để giảm lãi suất cho vay năm 2020, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh rủi ro bất định thế giới tăng và lạm phát khá thấp. Bên cạnh đó, các Nghị định và Thông tư của Chính phủ và NHNN vừa qua cũng giúp nâng cao ý thức và năng lực quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng, lành mạnh hóa các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như kinh doanh và đầu cơ bất động sản…
Theo ghi nhận của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra trong báo cáo vừa phát hành, ngay sau khi Quyết định số 2415/QĐ-NHNN được ban hành, các TCTD đã liên tiếp công bố thông tin về giảm lãi suất huy động ở cả khối nhà nước và khối cổ phần với mức giảm từ 0,1-0,4%/năm, tùy kỳ hạn. Thực tế, việc giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất tiền gửi của các NHTM có sở hữu Nhà nước (BIDV, VCB, CTG, Agribank) do từ trước đó (vào tháng 6/2019), lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng của 4 ngân hàng này đã duy trì ở mức dưới 5%/năm.
Trong khi trần lãi suất huy động giảm có tác động tốt trong việc thu hẹp mức chênh lệch lâu nay giữa lãi suất tiền gửi của các NHTM có sở hữu Nhà nước và các NHTMCP. Nếu như trước đây, mặt bằng chung lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng các NHTMCP luôn cao hơn các NHTM Nhà nước từ 0,7-1%/năm; thì nay mức chênh lệch giảm xuống, chỉ còn khoảng 0,1-0,2%/năm (kỳ hạn 3 tháng) và 0,5-0,7%/năm (kỳ hạn 1 tháng).
Mặc dù vậy, báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định, chênh lệch lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên tiếp tục duy trì ở mức cao, phổ biến ở mức 0,8-1,5%/năm. “Căn cứ thị phần huy động vốn của các ngân hàng niêm yết hiện nay, ước tính bình quân, lãi suất toàn thị trường các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm khoảng 0,3%/năm so với thời điểm trước khi điều chỉnh lãi suất”, báo cáo cho biết.
Trong khi đó, theo báo cáo tiền tệ tuần (từ 25-29/11) của Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng Cá nhân thuộc Công ty SSI, các NHTM đã có bước điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài hơn, trong đó giảm nhiều nhất là ở nhóm các NHTM có thị phần nhỏ (giảm 0,2-0,3%), qua đó thu hẹp mức chênh lệch lãi suất với nhóm các NHTM lớn. Báo cáo này cho biết, lãi suất huy động từ 6 đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,5-7,5%/năm và từ 12-13 tháng là 6,4-7,9%/năm.
Nền kinh tế được hưởng lợi
TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, bối cảnh kinh tế thế giới đang có xu hướng giảm tốc tăng trưởng, nhiều nước đã đi vào nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất; trong khi trong nước lạm phát thấp, áp lực tỷ giá không lớn… thì thời điểm hiện tại đã hội tụ đủ các điều kiện để giảm lãi suất. Điều này cũng không gây ra quan ngại tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ vượt 14%. Tuy nhiên, do các áp lực không lớn nên dư địa cho giảm lãi suất trong năm 2020 vẫn có nhưng không nhiều.
“Năm 2020, tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất đối với hệ thống ngân hàng là đáp ứng những chuẩn mới mà NHNN đặt ra, đồng thời tiếp tục lành mạnh hóa, cơ cấu lại mô hình hoạt động, đẩy mạnh tái cấu trúc ngân hàng; dịch chuyển được tín dụng vào những lĩnh vực giúp đảm bảo cho tăng trưởng tốt hơn, giá trị gia tăng cao hơn. Gắn với đó là tăng năng lực chống chịu trước các cú sốc”, TS. Thành nói.
Đồng quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, thời điểm quyết định giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn như vậy là phù hợp trong bối cảnh lạm phát trong nước được kiểm soát ở mức thấp và xu hướng cắt giảm lãi suất đang diễn ra trên diện rộng. Trong thời vừa qua, NHNN đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2). Tuy nhiên, lãi suất huy động trên thị trường dân cư (thị trường 1) vẫn không có dấu hiệu giảm, lãi suất thị trường 1 và 2 vẫn có sự chênh lệch lớn. Việc giảm trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn là biện pháp để thu hẹp khoảng cách này từ đó tạo điều kiện và cơ sở giúp các ngân hàng giảm giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Các quyết định vừa qua sẽ tác động đến các chủ thể trong nền kinh tế như thế nào đang là câu hỏi được đặt ra. Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đối với người gửi tiền, lãi suất thấp hơn sễ có thể điều chỉnh hành vi người gửi tiền như: chuyển sang chi tiêu nhiều hơn thay vì tiết kiệm; chuyển sang các kênh đầu tư khác có tính hấp dẫn hơn như chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ... Tuy nhiên, do mức giảm lãi suất ít, lại chỉ đối với các kỳ hạn ngắn nên dự kiến tác động này không lớn. Hơn nữa tiết kiệm hiện vẫn là một trong những kênh đầu tư ưa thích của 73% người dân Việt Nam (theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường AC Nielsen, 2018). Mặc dù vậy, người gửi tiền có thể sẽ chuyển sang kỳ dài hạn hơn hoặc có thể có hiện tượng chuyển dịch tiền gửi sang các ngân hàng lớn có uy tín cao hơn.
Trong khi đó đối với người vay tiền, chi phí vay rẻ hơn sẽ khuyến khích tiêu dùng và các DN vay vốn để tài trợ cho chi tiêu và đầu tư. Như vậy, người vay tiền sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên từ việc giảm lãi suất, nhất là đối với các khoản vay ngắn hạn và 5 lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, đối với các khoản cho vay thông thường, khả năng giảm không cao do lãi suất huy động vốn trung dài hạn chưa thể giảm và chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra đã ở mức tương đối thấp (khoảng 2,7%) so với bình quân khu vực Đông Nam Á (khoảng 3-3,2%).
Nhìn lại có thể thấy, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm rất mạnh so với giai đoạn 2011-2015 và không còn là điểm nghẽn đối với tăng trưởng tín dụng. Nguồn cung vốn cho nền kinh tế không còn phụ thuộc lớn vào tín dụng như hiện nay. Năng lực tài chính trong hệ thống các TCTD đã có sự đồng đều hơn về năng lực. Mức độ rủi ro của nền kinh tế và doanh nghiệp được cải thiện. Và chi phí giao dịch của nền kinh tế đã giảm xuống…