Giày da xuất khẩu có cơ hội mới
Da giày Việt chật vật ở thị trường nội | |
Giúp DN da giày Việt Nam “vượt rào” vào châu Âu |
Cụ thể là các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) dự kiến sẽ ký vào giữa năm 2018. So với đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc, sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5% - 4,2% khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU), tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Ngành da giày Việt Nam trong năm 2018 được dự báo có sức bật tốt hơn năm 2017 |
Khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất giảm về 0%, đặc biệt là mức thuế sản phẩm chủ lực giày thể thao, chiếm tới 2/3 tổng lượng giày xuất khẩu vào EU sẽ giảm ngay, mà không chịu mức bảo hộ 7 năm như giày da. Tương tự, mặt hàng túi xách không bảo hộ nên thuế suất cũng sẽ về 0% ngay.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, về tổng thể hai thị trường nhập khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ (chiếm 35%), EU (chiếm 31,5% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam) đều có triển vọng tốt trong năm 2018. Trong đó, một số thị trường riêng lẻ tại EU thời gian qua bị gián đoạn hay sụt giảm đơn hàng như, Vương quốc Anh do sự kiện Brexit đã khiến năm 2017 sụt giảm đơn hàng da giày nhập khẩu từ Việt Nam đến 50%.
Hiện nay, sự kiện Brexit đã dần ổn định, các nhà nhập khẩu Anh cũng có thời gian đánh giá tác động thị trường trong nước và đang quay lại đặt hàng. Điều này rất quan trọng, bởi Anh là một trong những thị trường lớn của giày dép Việt trong khối EU. Cộng hòa Liên bang Đức, Bỉ cũng là những thị trường nổi bật, tiêu thụ da giày từ Việt Nam, khi chiếm tỷ lệ 6,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu da giày.
Bên cạnh đó, một số thị trường tuy kim ngạch không lớn, nhưng so với những năm trước, xuất khẩu năm 2017 lại tăng rất mạnh, như Indonesia tăng 53,2%, Singapore tăng 43%, Ba Lan tăng 42%.
Đặc biệt, từ giữa năm 2017 đến nay, nhiều DN trong ngành đã chủ động lựa chọn những thị trường ngách có quy mô nhỏ, nhưng mức thu nhập của người dân cao, xu hướng tiêu thụ nhiều sản phẩm da giày có đặc thù riêng như Nhật Bản, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất. Đây chính là hướng phát triển dài hơi của ngành da giày Việt đến năm 2020.
Về phía DN sản xuất và xuất khẩu, năm 2018 có khả năng tăng trưởng tốt hơn năm 2017, bởi những yếu tố thuận lợi trên, cũng như cơ hội thu hút đơn hàng. Đặc biệt, việc các nhãn hàng lớn đến Việt Nam (như 70 nhà máy sản xuất giày Nike của Hoa Kỳ), đang kéo theo dòng luân chuyển vốn và công nghệ. Đây là cơ hội và thách thức, buộc DN Việt phải có sự đầu tư tương ứng, đủ khả năng tiếp nhận đơn hàng lớn, đáp ứng tốt tiêu chuẩn kỹ thuật và thời gian giao hàng của đối tác nước ngoài.
Ở thị trường lớn và quan trọng như Hoa Kỳ, hiện nay Hiệp hội các Nhà sản xuất Hoa Kỳ đang thúc đẩy thông qua một dự luật về thuế quan. Dự luật này khi thực thi sẽ cắt giảm thuế quan đối với một số dòng sản phẩm nhập khẩu, trong đó có đến vài chục loại sản phẩm giày dép nhập khẩu từ Việt Nam cũng là một thuận lợi đáng kể.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso cho rằng, ngành da giày tuy vẫn còn nhiều khó khăn, bởi phần lớn DN trong ngành là DNNVV, với trên 70% DN còn rất khó trong việc đầu tư, ứng dụng tự động hoá, chỉ 25% bắt đầu ở quy mô nhỏ và dưới 5% có kế hoạch xây dựng tự động hóa trong sản xuất. Ngoài ra, so với một số quốc gia cạnh tranh xuất khẩu da giày của Việt Nam (Myanmar, Bangladesh…) thì phí nhân công còn cao.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ nội địa hóa của ngành đã được cải thiện, nhiều sản phẩm giày vải, thể thao đã chủ động 90% nguyên phụ liệu. Tạo điều kiện tốt cho DN trong nước đáp ứng quy tắc xuất xứ và hưởng ưu đãi thuế quan từ thị trường xuất khẩu. So với năm 2017 vừa qua, thì năm 2018 dự báo xuất khẩu của ngành sẽ tăng trưởng tốt hơn từ những thuận lợi trên. Và mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD/năm 2018 là không khó.