Hà Nội tạo cơ chế thu hút FDI
Tận dụng ngoại lực để thúc đẩy kinh tế | |
Tạo thuận lợi thu hút FDI | |
Giải ngân vốn FDI đạt 4,12 tỷ USD trong quý I/2019 |
Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, Nhật Bản luôn giữ vị thế là quốc gia hàng đầu trong đầu tư trực tiếp FDI vào địa phương với trên 10 tỷ USD (chiếm 25,5% tổng giá trị thu hút FDI của Hà Nội) và hỗ trợ ODA với 32 dự án và tổng vốn đã cam kết gần 3 tỷ USD (chiếm 58,8% giá trị vốn ODA cam kết cho Hà Nội).
Các dự án từ nguồn vốn của Nhật Bản đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô như: Tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài; cầu Nhật Tân; Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Khu công nghiệp Thăng Long; Khu đô thị Thành phố thông minh. Các DN Nhật Bản đã đầu tư hàng nghìn dự án và đang hoạt động sản xuất kinh doanh thành công trên địa bàn thành phố chủ yếu trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn 4,5 tỷ USD (chiếm 44%), công nghiệp chế biến chế tạo với 3,95 tỷ USD (chiếm 38,7%), hoạt động thương mại với 570 triệu USD (chiếm 5,6%), dịch vụ lưu trú ăn uống với 221 triệu USD (chiếm 5%) và đa dạng các lĩnh vực khác.
Hà Nội cam kết tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ |
Riêng năm 2018, Nhật Bản đăng ký 131 dự án đầu tư mới với tổng vốn 4,7 tỷ USD, chiếm 89% số vốn đăng ký mới của toàn thành phố Hà Nội; trong đó điển hình là dự án Thành phố thông minh trị giá 4,138 tỷ USD, 2 dự án công nghệ cao của Tập đoàn Nidec với 400 triệu USD, dự án xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn với 90 triệu USD. Các DN Nhật Bản đã đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 6.500 tỷ đồng.
Hiện, có nhiều DN Nhật Bản muốn hợp tác với các DN Việt Nam. Ông Yumito Tojimbara - Giám đốc Công ty Tojinbara Syoten chia sẻ, công ty có thể sản xuất ra than tre chất lượng cao từ phương pháp than điện. Than tre và giấm tre có thể sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Cạnh đó, sản phẩm này còn được sử dụng để cải thiện chất lượng nước và phòng chống dịch bệnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Đáng chú ý, giấm tre làm từ than sinh học có chứa một lượng lớn phenol và axit axetic, có khả năng làm vô hiệu hóa hoạt động virus, tăng khả năng miễn dịch và phòng ngừa virus trong chăn nuôi.
Là tập đoàn chuyên thiết kế sản xuất máy móc, thiết bị xử lý, dây chuyền sản xuất dành cho các DN lớn trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ông Honma Kenichi, Giám đốc Công ty Xây dựng Penta - Ocean Construction cho rằng, thị trường Việt Nam rất nhiều tiềm năng và mong muốn sẽ được hợp tác với các DN Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng trong các lĩnh vực như: Công nghiệp nhôm; Công nghiệp sản xuất ô tô; Xi măng, khoáng sản; Năng lượng; Logistics…
Tuy nhiên, các DN Nhật Bản cũng muốn biết rõ hơn về các thông tin như: cơ chế ưu đãi giá đất để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp; các quy định về thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quy định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh; những ưu đãi về thuế khi đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác thải tại Hà Nội...
Hà Nội hiện đang tập trung kêu gọi các DN Nhật Bản đầu tư phát triển kỹ thuật, hạ tầng, đô thị để tạo ra cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại như lĩnh vực giao thông, đô thị thông minh, hạ tầng thoát nước; các lĩnh vực về sản xuất và gia công ưu tiên những lĩnh vực như chế biến, dịch vụ áp dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng tái tạo… Liên quan đến trình tự cấp thủ tục cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, các quy trình có đăng đầy đủ trên Cổng thông tin của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (http://hapi.gov.vn), các DN có thể truy cập vào website để tham khảo và thực hiện.
Hà Nội cũng đang tập trung rút ngắn thời gian làm thủ tục đăng ký, cấp phép đầu tư xuống còn 30 ngày. Đáng chú ý, từ năm 2018, Hà Nội cũng đã thành lập tổ liên ngành để trực tiếp xem xét đối với các dự án quan trọng, cần thiết qua đó xem xét các yêu cầu của các chủ đầu tư qua đó rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư xuống còn 10 ngày.
“Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho DN; tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư; chú trọng các dự án lớn để tập trung hoàn thành thủ tục đẩy nhanh tiến độ cấp phép và triển khai thực hiện dự án. Đó là những gì Hà Nội sẽ tập trung thực hiện để có thể thu hút FDI năm 2019 đạt trên 5 tỷ USD và tỷ lệ giải ngân đạt trên 2,3 tỷ USD”, ông Quyền nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, dòng chảy FDI từ phía DN Nhật Bản vào thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục mạnh mẽ. Việc hoàn thiện hơn môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là giải pháp quan trọng để Hà Nội thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư Nhật Bản.