Hành trang tham gia hội nhập
Mở tư duy để lớn lên | |
Để hội nhập cần đòn bẩy tài chính | |
Hội nhập vướng thách thức sở hữu trí tuệ |
Đó chính là mong muốn, chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh với các DN của Việt Nam khi trả lời câu hỏi của các DN tại Hội nghị: “Đối thoại TPP – Cơ hội cho DN Việt Nam” diễn ra ngày 17/3/2016 tại TP. HCM. DN Việt Nam cần phải làm gì khi tham gia hội nhập TPP, để có thể cạnh tranh với các tập đoàn của nước ngoài với quy mô lớn và tiềm lực tài chính mạnh, trong khi hơn 90% DN trong nước là DNNVV, năng lực, kinh nghiệm còn nhiều hạn chế?
Theo Thứ trưởng Khánh, thay vì trông chờ và mong đợi nhà nước sẽ làm gì, hỗ trợ gì cho các DN tham gia hội nhập thì chính các DN cần phải hành động ngay. Hành động ở đây trước hết là việc thay đổi tư duy, coi việc tham gia hội nhập TPP không phải là công cuộc, sự nghiệp của Chính phủ Việt Nam mà chính là cơ hội, quyền lợi và cả trách nhiệm của mỗi DN cùng tham gia.
Nhiều DN đã chuẩn bị sẵn sàng để hội nhập |
Mặc dù TPP đã kết thúc đàm phán và các quy định đã khá rõ ràng khi DN hợp tác thương mại, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước TPP. Nhưng thực tế hiện nay, không ít DN trong nước còn thờ ơ, thậm chí không biết đến các quy định, cam kết liên quan đến chính ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Về thực tế này, đại diện Hiệp hội Cao su - Nhựa TP. Hồ Chí Minh ông Trần Việt Anh phải “thừa nhận” hơn 60% DN ngành nhựa trên địa bàn còn chưa hiểu gì nhiều về TPP do phần lớn các DN đều có quy mô nhỏ, mới chỉ quan tâm nhiều đến câu chuyện kinh doanh, lời lãi trước mắt chứ chưa có sự tìm hiểu kỹ càng những thuận lợi, khó khăn khi Việt Nam tham gia TPP.
Tuy nhiên, ông Việt Anh cũng cho rằng, các DNNVV trong nước rất cần có sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng nắm bắt tốt hơn quy định từ các cam kết hội nhập để dần trưởng thành, lớn lên và biến cơ hội thành những thuận lợi cho DN trong quá trình mở rộng thị trường sang các nước.
Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch CTCP Thép Việt lại có quan điểm ở một góc độ khác, không phải DN nào của Việt Nam cũng có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ từ Chính phủ. Bản thân Thép Việt xuất phát điểm từ một DN tư nhân quy mô nhỏ nhưng nay đã có năng lực sản xuất 1,5 triệu tấn thép, kim ngạch xuất khẩu hơn 600 triệu USD vì vậy, Thép Việt không thể thờ ơ trước những vấn đề hội nhập diễn ra bởi nó liên quan đến quyền lợi sát sườn.
Chắc chắn các DN trước tiên phải đi bằng chính đôi chân mình nếu không muốn bị tụt hậu, loại bỏ, song để phát triển nhanh, mạnh đuổi kịp các DN, tập đoàn lớn trên thế giới và cạnh tranh sòng phẳng thì các DN không thể đi một mình mà rất cần sự kiến tạo của Chính phủ. Cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp, vì lợi ích chung là tất cả những gì tốt nhất một quốc gia có thể tạo điều kiện hỗ trợ cho các DN trong nước.
Thẳng thắn hơn, ông Lê Hồng Thắng, Tổng giám đốc CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành mạnh dạn đưa ra ý kiến, thị trường rộng mở và luôn có cơ hội cho cả những DN lớn cũng như các DNNVV.
Tuy nhiên, cùng với các cam kết quốc tế, Chính phủ cũng nên có những cam kết mạnh mẽ với các DN trong nước về cải cách thủ tục hành chính, tạo ra cơ chế chính sách thông thoáng nếu không các DN vốn đã yếu lại chậm chân hơn trong cuộc chạy đua thì phần thắng cuộc chắc sẽ nằm trong tay các DN nước ngoài.
Về quan điểm này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, tất cả những gì cần làm Chính phủ và các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho các DN, tuy nhiên “bàn tay không thể tạo thành tiếng vỗ nếu thiếu một bên”. Vì vậy các DN cũng cần nhanh chóng vào cuộc ngay, các chính sách hỗ trợ của nhà nước được đưa ra cũng xuất phát từ chính các đề xuất của DN, vì hơn ai hết các DN là người biết mình cần gì, muốn gì để chính sách hỗ trợ được tốt nhất.
“Một vấn đề quan trọng nữa, các DN cũng đừng nghĩ mình nhỏ và yếu bởi nếu soi vào thị trường hiện nay rất nhiều lĩnh vực quan trọng như thị trường sữa, hàng tiêu dùng, bất động sản... đều có sự xuất hiện của những DN quy mô của các ông chủ Việt, thậm chí lấn át cả những đối thủ ngoại trong việc chi phối thị trường.
Vì vậy, quan trọng là các DN trong nước biết nắm bắt cơ hội, tư duy và hành động thế nào để vượt ra khỏi chiếc áo nhỏ bé, chật chội mình đang mặc và trưởng thành, lớn mạnh hơn chứ không ngồi và chờ đợi”- ông Khánh nhấn mạnh.
TPP không chỉ tạo ra cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho các DN Việt Nam, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, bởi hiện nay Việt Nam là điểm nối giao thoa duy nhất kết nối được nhiều thị trường rộng lớn trên thế giới như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga.... bằng các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký kết. |