Hội nhập vướng thách thức sở hữu trí tuệ
Liên kết và khoảng trống thông tin | |
Cần lưu ý rào cản thương mại | |
FTA Việt Nam – EU: Khi cơ hội là bình đẳng |
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ tạo ra những tác động lớn tới hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời gian tới, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT). Trong khi các DN, người tiêu dùng Việt Nam còn khá thờ ơ với SHTT, thì đây lại là yêu cầu đặt lên hàng đầu của NĐT EU khi đặt vấn đề hợp tác với Việt Nam.
Các chuyên gia đã nhấn mạnh tới vấn đề này, cùng với các khuyến nghị sửa đổi luật, tại hội thảo “Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA về sở hữu trí tuệ”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 1/3.
Hoàn chỉnh trên… giấy tờ
EU là đối tác có thế mạnh trong sáng tạo và là một trong các nguồn xuất khẩu sản phẩm SHTT hàng đầu thế giới, do đó họ có yêu cầu rất cao trong bảo hộ quyền SHTT của các chủ thể quyền khi đầu tư kinh doanh với các đối tác như Việt Nam. Thậm chí, đòi hỏi về bảo hộ SHTT của NĐT EU còn cao hơn đòi hỏi về quyền SHTT trong WTO.
Trong khi đó sau khi Việt Nam gia nhập WTO thì chúng ta đã và đang thực hiện hoàn thiện pháp luật SHTT theo các cam kết trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT của WTO (TRIPS). Như vậy, có thể thấy sự vênh trong pháp luật Việt Nam với EU trong bảo hộ quyền SHTT.
Những quy định về SHTT chưa đủ chặt chẽ khiến NĐT lo ngại rằng quyền của mình chưa được bảo vệ đầy đủ |
Để kéo gần sự vênh nhau này, việc rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam về SHTT với các cam kết tại EVFTA là rất cần thiết. Từ đó có thể đưa ra các đề xuất sửa đổi phù hợp với lợi ích của DN Việt Nam, vừa nâng cao việc bảo hộ quyền của các chủ thể sáng tạo, vừa không tạo ra cú sốc quá lớn cho các chủ thể sử dụng hay hưởng lợi từ các sản phẩm SHTT. Quan trọng hơn là tăng cường ý thức tôn trọng các quyền SHTT ở Việt Nam trong bối cảnh mới.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) cho biết, rà soát cho thấy pháp luật Việt Nam hiện hành đã tương thích với đa số các cam kết về SHTT trong EVFTA ở cả 3 chế định lớn của chương này, đó là các nguyên tắc chung về bảo hộ SHTT, các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT và các yêu cầu về biện pháp thực thi tại biên giới. Đối với các nghĩa vụ đã tương thích này, khi thực thi EVFTA, về nguyên tắc Việt Nam sẽ không phải điều chỉnh, sửa đổi hay bổ sung bất kỳ nội dung nào của các văn bản pháp luật hiện hành.
Dù vậy, VCCI cũng lưu ý rằng rất nhiều nghĩa vụ trong EVFTA không chỉ bao gồm nghĩa vụ bảo hộ mà còn là yêu cầu bảo hộ đầy đủ, hiệu quả. Ở khía cạnh này, thực tế thì bảo hộ SHTT ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Do đó, nghiên cứu rà soát khuyến nghị các cơ quan có thẩm quyền tập trung vào công tác thực thi trên thực tiễn để đảm bảo thi hành hiệu quả các nghĩa vụ mà pháp luật Việt Nam đã tương thích.
Bên cạnh đó, rà soát cũng cho thấy hiện có 4 cam kết mà pháp luật Việt Nam chưa tuân thủ, bao gồm: quyền độc quyền công bố đến công chúng của người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; quy trình và cách thức bảo hộ đối với 169 chỉ dẫn địa lý của EU liệt kê trong EVFTA; cam kết bù đắp thời hạn sáng chế dược phẩm cho những chậm trễ trong cấp phép lưu hành; và nguyên tắc suy đoán về quyền của người có tên trên tác phẩm. Đây là các quy định rất chi tiết mà pháp luật Việt Nam hiện chưa ghi nhận.
Lỏng lẻo thực thi
Ngoài chuyện danh nghĩa, pháp luật về SHTT của Việt Nam thực chất chỉ là trên giấy tờ, thì thực thi mới thực sự là điều đáng lo ngại. Ông Phạm Vũ Khánh Toán, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm và liên danh lưu ý, EU đòi hỏi cao hơn cả WTO về tiêu chuẩn bảo hộ cũng như các biện pháp thực thi quyền SHTT, đặc biệt là liên quan tới các sản phẩm nhạy cảm như dược phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định việc thực thi quyền SHTT về chỉ dẫn địa lý bằng các biện pháp dân sự, hình sự, và biện pháp kiểm soát tại biên giới. Tuy nhiên trên thực tế, việc thực thi bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng và quản lý việc sử dụng, ghi nhãn nguồn gốc xuất xứ chưa thật hiệu quả. Hầu như chỉ có biện pháp hành chính là được áp dụng chủ yếu.
Hiệu quả các biện pháp hành chính cũng tương đối hạn chế do có nhiều lực lượng tham gia như thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường và công an kinh tế, nhưng không có cơ quan nào đứng ra làm đầu mối và chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan với nhau. Trong khi đó, biện pháp dân sự theo yêu cầu của các bên liên quan còn hạn chế. Việc thực thi liên quan tới nguồn gốc thực phẩm cũng còn rất hạn chế.
Một vấn đề khác là pháp luật Việt Nam đã bảo hộ dữ liệu thử nghiệm và dữ liệu khác được người nộp đơn xuất trình khi đăng ký lưu hành dược phẩm hoặc nông hoá phẩm theo hướng phù hợp với EVFTA về thời hạn bảo hộ độc quyền dữ liệu, phương thức bảo vệ (chống lại việc sử dụng vì mục đích thương mại)... Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam lại chưa đáp ứng được đủ các yêu cầu của EVFTA.
Cụ thể, luật chỉ quy định bảo mật dữ liệu thử nghiệm trong khi EVFTA bảo hộ cả dữ liệu thử nghiệm và dữ liệu khác. Luật Việt Nam cũng chỉ bảo hộ trong trường hợp đó là bí mật kinh doanh và nếu người nộp đơn có yêu cầu. Trong khi theo EVFTA thì việc bảo mật này là đương nhiên, dữ liệu được bảo mật mà không nhất thiết phải là bí mật kinh doanh, cũng không cần có yêu cầu của người nộp đơn mà chỉ cần là dữ liệu, thông tin chưa công bố.
Về nội dung suy đoán quyền tác giả và quyền sở hữu, hiện pháp luật Việt Nam chưa quy định về suy đoán giả định về chủ thể quyền. Cụ thể, để chứng minh được mình là người có quyền, các chủ thể phải xuất trình các bằng chứng cụ thể về quyền (phần lớn bằng văn bản). Trong khi đó theo EVFTA, nếu không có bằng chứng ngược lại thì người có tên trên đối tượng SHTT liên quan được mặc định suy đoán là chủ thể quyền mà không cần bằng chứng nào khác.
“Những quy định thực thi chưa đủ chặt chẽ như vậy khiến NĐT lo ngại rằng quyền của mình chưa được bảo vệ đầy đủ, và dường như cơ quan quản lý vẫn rất bị động, trong khi đáng ra chúng tôi phải được chủ động bảo vệ những nội dung liên quan tới SHTT”, một DN EU lo ngại.