Hiệu quả từ mô hình đào tạo nghề cho thanh niên ngoại thành Hà Nội
Dạy nghề trước thách thức hội nhập | |
Đào tạo tại chỗ - giải pháp tối ưu | |
Hướng nghiệp cho người lao động |
Thực trạng đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng tại vùng ven đô khiến cho diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể, người dân bị mất đất canh tác dẫn đến thất nghiệp và có xu hướng đổ xô ra thành thị để kiếm sống. Đặc biệt trong số đó, nam, nữ thanh niên ở nông thôn sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông, bị thất nghiệp chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất và cần được giúp đỡ định hướng nghề nghiệp để giúp các em tránh sa ngã vào các tệ nạn xã hội, cũng như nhằm ổn định cuộc sống gia đình, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Từ thực trạng nhu cầu đào tạo nghề, tạo việc làm cho nam, nữ thanh niên các huyện ngoại thành Hà Nội, cùng với nhu cầu cung ứng lao động của các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp tại địa phương, dự án “Đào tạo nghề cho thanh niên các huyện ngoại thành Hà Nội giúp họ ổn định sinh kế bền vững” đã được Quỹ Citi tài trợ, do Trung tâm Tài chính vi mô và Phát triển (M&D) thực hiện. Giai đoạn I của Dự án được triển khai từ tháng 5/2015 - 4/2016 với mục tiêu cung cấp một số khóa đào tạo nghề và cơ hội nghề nghiệp sau đào tạo cho 270 nam, nữ thanh niên (độ tuổi từ 18 đến 28) trên địa bàn quận Long Biên và các huyện Chương Mỹ, Đan Phượng, Phúc Thọ, Gia Lâm của TP. Hà Nội.
Nhằm thực hiện mục tiêu của dự án, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp ở địa phương, dự án đã tập trung đào tạo 3 nghề chính: Mây tre đan; May xuất khẩu và Kỹ thuật chế biến món ăn.
Nhà tài trợ Quỹ Citi đi thực tế thăm lớp dạy nghề may của dự án |
Trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động của dự án, M&D đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ Việc làm 20/10 – Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội (nay là Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Phụ nữ Hà Nội) – đơn vị đi đầu trong lĩnh vực đào tạo nghề của hệ thống Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Bên cạnh đó, sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp chính quyền và Hội phụ nữ ở cơ sở đóng vai trò quan trọng vào kết quả của dự án. Cho đến nay hoạt động của dự án đã hoàn thành giai đoạn I giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp, an sinh xã hội được cải thiện và ổn định tại địa bàn thực hiện dự án và vùng lân cận.
Dự án đã trang bị cho 270 học viên được lựa chọn tham gia dự án những kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp cần thiết qua 6 lớp đào tạo nghề để họ có đủ năng lực tìm kiếm cơ hội việc làm và áp dụng những kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp đã học được vào công việc của mình, giúp họ từng bước ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình.
Dự án đã tạo công ăn việc làm cho 215 học viên (chiếm 79,63%) trong tổng số 270 học viên sau khi kết thúc khóa đào tạo, tăng 9,5% so với kế hoạch của dự án đề ra. Các học viên sau đào tạo nghề đã có thu nhập tương đối ổn định với mức thu nhập cao nhất là 4 triệu đồng/tháng, mức thấp nhất: 2,2 triệu đồng/tháng tùy theo khả năng và trình độ tay nghề của học viên sau đào tạo. Ngoài ra, 90 % số học viên đã được cung cấp kiến thức cơ bản về giáo dục tài chính như kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh; tiết kiệm để gây dựng tài sản gia đình…
Bên cạnh đó, các hoạt động dự án đã tạo cơ hội việc làm cho thanh niên nông thôn, góp phần phát triển kinh tế gia đình, hạn chế việc di dân ra thành thị kiếm sống. Hoạt động dự án đã góp phần khai thác thế mạnh của Hà Nội về di sản làng nghề truyền thống, góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống và quảng bá tinh hoa nghề truyền thống .
Ngoài ra, các hoạt động của dự án đã tạo dựng mối quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan (cấp chính quyền, Hội Phụ nữ cơ sở, các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất tại địa phương, các trung tâm hỗ trợ hoạt động cộng đồng, trung tâm đào tạo nghề…) cùng chung sức trong cuộc chiến chống đói nghèo, phát triển kinh tế địa phương.
Đơn cử như anh Nguyễn Văn Giang, Phú Vinh, Phú Nghĩa, Chương Mỹ là một thanh niên nông thôn đã tham gia lớp đào tạo nghề mây tre đan của dự án và hiện đã có công việc ổn đinh tại doanh nghiệp Mỹ nghệ Hoa Sơn.
Anh Giang cho biết, sau 3 tháng được đào tạo, bản thân đã nắm được các kỹ năng nghề và đã xác định được việc khởi nghiệp bằng nghề. Qua lao động tại doanh nghiệp, anh đã có được các kỹ năng thực hành tốt, thu nhập ổn định. Anh Giang chia sẻ trước đây anh là lao động nông nghiệp có thu nhập thấp, vùng quê phần thì đô thị hóa, phần thì lấy đất cho khu công nghiệp trong khi chi phí đi học nghề là rất khó khăn. Được dự án đào tạo miễn phí là một bước khởi nghiệp thuận lợi cho anh và các bạn trẻ tại địa phương.
Ông Vương Văn Sơn, Giám đốc Công ty mỹ Nghệ Hoa Sơn cho biết, thông qua các lớp đào tạo nghề của dự án, Công ty của ông đã tuyển dụng được 53 lao động thường xuyên, 14 lao động thời vụ có kỹ năng nghề tốt. Ông Sơn chia sẻ, các thanh niên trong làng nghề tại địa phương qua đào tạo đã nắm vững được các kỹ năng nghề để nối nghiệp và phát triển nghề truyền thống của địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ tổng kết giai đoạn I của dự án, Bà Nguyễn Bích Vượng, Giám đốc M&D cho biết, ngoài việc đào tạo nghề cho các thanh niên trong địa bàn, dự án còn quan tâm việc giới thiệu công ăn việc làm cho học viên. 270 học viên thuộc đối tương Dự án đã được chính quyền địa phương, cấp Hội Phụ nữ cơ sở phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Việc làm 20/10 và M&D tìm được công việc ổn định, tạo thu nhập sau khi tốt nghiệp khóa học. Một kỹ năng nữa mà dự án hướng tới là cung cấp cho học viên những kiến thức về định hướng nghề nghiệp, rèn luyện, tư vấn và hỗ trợ kiến thức về nghề nghiệp, quản lý.
Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc đối ngoại Citibank Việt Nam khẳng định, qua những kết quả thực tiễn mà dự án đã đạt đươc, Quỹ Citi đánh giá cao đối tác Trung tâm Tài chính vi mô và phát triển, Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội. Những kết quả đã đạt được của dự án là một điển hình tốt cần nhân rộng. Citibank Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giai đoạn II của dự án.
Hiện ở các vùng nông thôn Việt Nam, số lượng thanh niên không có việc làm, không có kỹ năng nghề rất cao. Mỗi năm cả nước có vài trăm nghìn học sinh tốt nghiệp phổ thông không vào được đại học và không có kỹ năng nghề và việc làm.
Dạy nghề cho thanh niên tạo việc làm cho họ theo mô hình mà M&D triển khai đã thực sự là một điển hình cần nhân rộng. Thông qua việc đào tạo, ngoài kỹ năng nghề nghiệp đã tạo cho họ sự bình đẳng trong công việc và thu nhập cho phụ nữ, nâng cao trình độ và ý thức lập nghiệp đúng đắn cho các đối tượng trẻ tại các vùng đang trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa.
Quỹ Citi tập trung những khoản tài trợ của mình để hỗ trợ 3 lĩnh vực chính: giáo dục tài chính, giáo dục cho thế hệ trẻ, hỗ trợ cộng đồng và doanh nhân. Citi là một trong những nhà tài trợ lớn nhất thế giới cho ngành tài chính vi mô thông qua việc tài trợ 40 triệu USD nhằm hỗ trợ các chương trình và các tổ chức tài chính vi mô ở trên 50 quốc gia. Riêng ở khu vực châu Á, từ năm 1997, Quỹ Citi cam kết tài trợ trên 13 triệu USD cho các chương trình có liên quan đến tài chính vi mô. |