Huyết mạch của nền kinh tế ngày càng thông suốt
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao điều hành CSTT của Ngân hàng Nhà nước và hoạt động ngân hàng năm 2018 |
Về thực hiện nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trước những nguy cơ, rủi ro từ kinh tế thế giới, NHNN cần đề cao cảnh giác, luôn theo dõi tình hình, có giải pháp linh hoạt, chặt chẽ để điều hành chính sách. Trách nhiệm của NHNN và các TCTD là phải đóng góp vào sự phát triển của đất nước, để năm 2019 đạt kết quả cao hơn năm 2018, để ngành Ngân hàng có sự bứt phá. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau: Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) linh hoạt, thận trọng, hiệu quả, tăng cường khả năng ứng phó để hạn chế tác động bất lợi từ bên ngoài, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác, kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Đây là mục tiêu kép, nặng nề, đòi hỏi tầm nhìn cùng sự điều hành khoa học, bản lĩnh, trí tuệ và kịp thời… Đồng thời xây dựng trình Thủ tướng phương án tăng vốn điều lệ của các NHTM Nhà nước để đáp ứng đủ vốn theo tiêu chuẩn, chuẩn mực của Basel 2. Nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, sự minh bạch và tuân thủ chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị của hệ thống tín dụng. Kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển. Đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, lộ trình đã đề ra. Ngành Ngân hàng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận dễ dàng với dịch vụ ngân hàng. Cùng với đó, cần áp dụng các công nghệ hiện đại, đồng thời lưu ý cố gắng triển khai hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, tạo ra một văn hóa tiêu dùng thông qua thẻ, không dùng tiền mặt cho nhân dân có bước đi phù hợp… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Hỗ trợ nền kinh tế vượt sóng gió
Hòa chung không khí phấn khởi của cả nước khi mà 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của đất nước đặt ra trong năm 2018 đều đạt được, sáng ngày 9/1, ngành Ngân hàng đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 để nhìn lại kết quả đạt được trong năm qua cũng như sớm đưa ra đường hướng chính sách mới để tiếp tục có thêm những “chỉ số” đẹp. Hội nghị vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo. Tham dự Hội nghị còn có Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an và Thống đốc NHCHDCND Lào Sonexay Sitphaxay…
Điểm lại toàn cảnh bức tranh hoạt động ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thị trường tài chính tiền tệ thế giới biến động bất thường trong năm 2018, cộng thêm những khó khăn nội tại của nền kinh tế đã tạo nhiều thách thức cho điều hành CSTT. Trong bối cảnh đó, bám sát định hướng phát triển kinh tế xã hội năm 2018 và cả giai đoạn 2016-2020, chủ trương, Nghị quyết và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành CSTT và đã đạt được những kết quả tích cực.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019 |
Đánh giá cao về kết quả điều hành hoạt động ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong bối cảnh kinh tế, tài chính toàn cầu diễn biến phức tạp, nhất là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết, nhưng Việt Nam vẫn kiểm soát lạm phát được ở mức 3,54%, và tăng trưởng 7,08% - cao nhất trong 11 năm qua… Đây là những tín hiệu đáng mừng, trong đó công sức đóng góp của hệ thống ngân hàng là rất lớn. “NHNN điều hành CSTT linh hoạt, khéo léo, hiệu quả và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá để vừa duy trì được sự ổn định thị trường tiền tệ, vừa tạo dư địa chủ động cho chính sách vĩ mô khác. Năm qua, chúng ta đã mua thêm 10 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục hơn 60 tỷ USD. Tín dụng tăng thấp nhưng tăng trưởng GDP cao cho thấy chất lượng tín dụng và mô hình tăng trưởng hiệu quả hơn”, Thủ tướng ghi nhận.
Bên cạnh đó, công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai quyết liệt. Tính đến cuối năm 2018, nợ xấu chỉ còn lại 1,89%/tổng dư nợ, toàn ngành Ngân hàng đã xử lý gần 900 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Nhiều TCTD yếu kém trong thời gian trước đã hoạt động an toàn hơn, ổn định, năng lực tài chính được cải thiện. “Tôi đánh giá cao Ban lãnh đạo NHNN, biểu dương Thống đốc Lê Minh Hưng đã bình tĩnh, sáng suốt điều hành đúng đắn chính sách của ngành Ngân hàng”, Thủ tướng ghi nhận.
Lần đầu tiên dự hội nghị ngành Ngân hàng, Thượng tướng Tô Lâm cũng chúc mừng thành quả mà toàn ngành Ngân hàng đã đạt được, đóng góp tích cực vào thành công và sự phát triển đất nước trong năm 2018. Thượng thướng Tô Lâm cho biết, lực lượng công an nhân dân phối hợp tốt với ngành Ngân hàng liên quan đến các lĩnh vực tài chính tiền tệ. Ngành công an xác định vị trí an ninh tiền tệ giữ vai trò quan trọng trong quốc gia, đất nước, phục vụ sự phát triển bền vững. Có thể nói, hoạt động tài chính tiền tệ được ví như hệ tuần hoàn chung của đất nước. Nên hệ thống này phải được đảm bảo thông suốt, không nghẽn mạch, đảm bảo không “đột quỵ”.
Một tin vui nữa được chia sẻ tại Hội nghị, các ngân hàng “đầu tàu” của hệ thống đã cam kết giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh và Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, ngay từ đầu năm 2019, hai ngân hàng này tiếp tục thực hiện giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay cả ngắn, trung và dài hạn đối với 5 đối tượng ưu tiên.
Toàn cảnh Hội nghị |
Còn đó những thách thức...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhận thấy, hệ thống ngân hàng cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, cần có giải pháp ứng phó trong thời gian tới. Việc tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực tài chính và năng lực quản trị tham gia xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém cũng còn khó khăn.
Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị quyết 42 trong thực tiễn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết, như: thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) và việc nộp thuế khi chuyển nhượng TSBĐ áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ và xử lý TSBĐ; hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự… Xử lý nợ xấu thông qua xử lý TSBĐ chiếm tỷ lệ thấp do quá trình xử lý TSBĐ vẫn còn nhiều vướng mắc về hồ sơ, yếu tố pháp lý... Việc tăng vốn điều lệ của NHTM có vốn Nhà nước gặp nhiều khó khăn do vướng mắc liên quan đến khuôn khổ pháp lý.
Là một trong những ngân hàng chịu tác động tương đối lớn đối với vấn đề chậm tăng vốn điều lệ, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ nhấn mạnh, tăng vốn đang là vấn đề đặc biệt cấp bách đối với ngân hàng này khi hệ số CAR sát ngưỡng tối thiểu. Chính vì vậy, từ tháng 9 đến nay, ngân hàng này không thể tăng trưởng tín dụng và kết thúc năm qua với mức tăng trưởng tín dụng 6,1%. Nếu VietinBank không được cấp thêm vốn, sẽ ảnh hưởng lớn tới việc đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tham gia tài trợ một số dự án đặc biệt một số dự án quan trọng của đất nước. Để tháo gỡ khó khăn trên, ông Thọ đề xuất Chính phủ chấp thuận cho phép ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu từ năm 2017 đến năm 2020 để bố trí nguồn vốn tăng vốn điều lệ hoặc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn. Việc chia cổ tức bằng tiền mặt chỉ được thực hiện khi tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng được bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Để tạo điều kiện cho hệ thống TCTD triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 và Đề án 1058, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Đề nghị Quốc hội chỉ đạo Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các toà án địa phương ưu tiên áp dụng thủ tục rút gọn khi giải quyết các vụ án liên quan đến xử lý nợ xấu, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp chỉ đạo việc hoàn trả các TSBĐ là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ. Song song với đó, chỉ đạo các bộ, ngành và các đơn vị, tổ chức có liên quan đẩy mạnh hơn nữa quá trình sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp, nhất là các DNNN, tạo điều kiện cho các TCTD xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính.
Đối với Bộ Tài chính, NHNN kiến nghị sớm chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thuế về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và nghĩa vụ nộp thuế. Bộ Tư pháp sớm chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xây dựng cơ chế, chính sách và hướng dẫn Cơ quan thi hành án các cấp thực hiện có hiệu quả các giải pháp của Nghị quyết 42. NHNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể vấn đề xử lý TSBĐ là dự án bất động sản còn dở dang...
Ngoài các đề xuất trên, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới NHNN trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng NSNN hoặc các nguồn vốn khác của nhà nước để sớm tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước. Bộ Tài chính cần sớm xử lý những khó khăn vướng mắc trong cơ chế hỗ trợ nguồn vốn của nhà nước, cấp bù lãi suất... để các NHTM, NHCSXH triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu tiên, ưu đãi, các dự án trọng điểm, chương trình tín dụng chính sách và an sinh xã hội nhằm hoàn thành mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ giao. Tới đây, NHNN sẽ trình và mong Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt mô hình tổ chức, bộ máy của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng để NHNN sớm có đủ điều kiện phát huy vai trò trách nhiệm và nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng – một yêu cầu đang rất cấp bách hiện nay của NHNN.
Ghi nhận thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong ngành Ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho nguyên Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến; trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể Văn phòng NHNN và Vụ Pháp chế NHNN; trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng; đồng chí Nguyễn Văn Thạnh - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; đồng chí Phạm Huyền Anh – Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng. Trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 6 đồng chí lãnh đạo tại các vụ, cục NHNN. Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã phát động phong trào thi đua năm 2019. |