Khai mạc Hội nghị APEC 2017: Nhiều vấn đề “nóng” được bàn thảo
Bồi dưỡng báo chí đưa tin Apec 2017 |
Các cuộc họp với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy triển khai các chương trình, kế hoạch hợp tác dài hạn trên các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế hướng tới triển khai các nhiệm vụ cụ thể, cũng như mục tiêu dài hạn của APEC về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực.
Tại Hội thảo “Chia sẻ thực hành tốt về tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực đô thị thông minh” do Tiểu ban APEC về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC) tổ chức, có sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh vai trò và sự tham gia tích cực của các đại biểu trong việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh. Các báo cáo viên đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp và các Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO, IEC… tập trung vào chủ đề định hướng phát triển, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế (ISO, IEC) về đô thị thông minh.
Trong đó, nhiều bài học từ các nước phát triển về hoạch định chính sách, định hướng phát triển đô thị thông minh phù hợp với tiêu chí, chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ khu vực APEC như giao thông thông minh, tòa nhà thông minh, quản lý nguồn nước, phương tiện giao thông thế hệ mới tiết kiệm năng lượng, hạ tầng công nghệ thông tin và các ứng dụng thông minh áp dụng vào đời sống,…
Theo Trung tâm Chứng nhận phù hợp thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Việt Nam đang trong tiến trình phát triển thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng đã có nền tảng phát triển kinh tế vững chắc, số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại đang tăng mạnh hơn. Hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật các đô thị đã được tăng cường, nâng cấp, cải thiện điện, đường, trường, trạm, môi trường nước… nhờ các khoản đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Phạm Lê Cường, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Việt Nam cho biết, dự án "Các hoạt động chuẩn hóa của Việt Nam trong thành phố thông minh" là một trong 31 dự án đã được SOM 1 phê duyệt tại Đà Nẵng. Hướng tới xây dựng các thành phố thông minh, Hội nghị APEC 2017 là cơ hội lớn để Việt Nam cập nhật nội dung đầy đủ về những tiêu chuẩn của thành phố thông minh, kinh nghiệm thực tiễn của các nước trong giải quyết các vấn đề thách thức khi triển khai.
Bàn về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định, Hội nghị APEC lần này là cơ hội tốt để các nền kinh tế thành viên, các tổ chức quốc tế liên quan cùng nhau chia sẻ, trao đổi, thảo luận những biện pháp cải tiến và thúc đẩy xây dựng, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động tiêu chuẩn, chứng nhận hướng tới phát triển bền vững mô hình đô thị thông minh trong khu vực. Đây cũng là cơ hội tốt để các nền kinh tế đang phát triển có cơ hội học hỏi những mô hình điểm, kinh nghiệm tốt về nghiên cứu, triển khai, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về phát triển đô thị thông minh từ các nền kinh tế có trình độ khoa học công nghệ cao hơn.
Cùng ngày, Mạng lưới các cơ quan chống tham nhũng và thực thi pháp luật APEC (ACT - NET) cũng đã thảo luận về vấn đề tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong thu hồi tài sản. Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay tham nhũng đang là vấn nạn tại nhiều nước, kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, cả khu vực công và tư từ các nước sẽ là bài học lớn cho Việt Nam trong thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng. Trong đó, sự hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong và ngoài nước nhằm thu hồi tài sản là vô cùng quan trọng.
Việt Nam đang có sự hội nhập kinh tế sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, tuy nhiên cũng ẩn chứa những điều kiện để tham nhũng phát triển mạnh mẽ hơn. Tham nhũng đã làm thất thoát các nguồn lực của đất nước, của xã hội, làm giảm hiệu quả đầu tư công, xói mòn niềm tin của doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài và làm giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia. Việc thu hồi tài sản tham nhũng là một yếu tố quan trọng đánh giá mức độ thành công và là một trong những mục đích chủ yếu của việc xử lý tham nhũng.
Mục tiêu cao nhất là tìm ra giải pháp nhằm đảm bảo minh bạch các định hướng, cam kết của APEC về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.
Liên quan trong chuỗi sự kiện, Nhóm công tác về giao thông của APEC (TPTWG) đã tổ chức Hội thảo về các điển hình chính sách, quy định về sự linh hoạt trong bối cảnh ứng phó với thiên tai nhằm đảm bảo bền vững chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, Nhóm công tác chống buôn lậu và khai thác gỗ bất hợp pháp (EGILAT) cũng nêu lên các điển hình chính sách hải quan nhằm xác định gỗ và các sản phẩm từ gỗ bất hợp pháp để các nước thành viên học hỏi kinh nghiệm… Các vấn đề “nóng” được đem ra bàn thảo cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn và sâu sắc của các thành viên APEC về những vấn đề chung bức thiết đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu hiện nay.