Khi vốn ODA cắt giảm
Tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án ODA vay vốn ADB | |
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA: Ai quyết định sai phải chịu trách nhiệm | |
Quy định chặt chẽ việc quản lý, sử dụng ODA |
Cắt giảm là “đau” nhưng cần thiết
Việc Ngân hàng Thế giới (WB) - hiện chiếm tới gần 30% các khoản vốn vay ODA - chấm dứt cho vay ưu đãi thì liệu các tổ chức, đối tác phát triển song phương và đa phương khác cũng ngay lập tức hành động tương tự? Liệu có phải vì nguồn ODA cho Việt Nam không mang lại đổi thay tích cực gì cho đất nước này nên họ quyết định “cắt”?... Đây là những quan ngại ngay lập tức xuất hiện khi thông tin WB sẽ chấm dứt nguồn vốn ODA ưu đãi cho Việt Nam từ tháng 7/2017 được đưa ra.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tác động từ quyết định của WB đến các đối tác khác là có nhưng việc “tự động” cắt giảm thì không, mà điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào hành động của chúng ta, như việc sẽ đàm phán với WB và các đối tác khác về phương án trả nợ thế nào để có lợi ích tốt nhất, phù hợp nhất cho lộ trình phát triển của Việt Nam.
Hiệu quả sử dụng vốn ODA đã đến lúc phải thể hiện ở những hành động cụ thể |
Như với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hiện Việt Nam đang vay tổ chức này theo hai nguồn tài trợ là vốn vay thương mại (OCR) và vốn vay ưu đãi (ADF). Trong đó, lãi suất vay ADF thực tế hiện nay còn cao hơn lãi suất OCR một chút nhưng do thời hạn vay dài hơn nên vẫn được Việt Nam “yêu” hơn.
Tuy nhiên các cổ đông của ADB đưa ra dự kiến sẽ chấm dứt cho vay nguồn vốn này từ đầu năm 2019 bởi một trong những tiêu chí để được vay từ nguồn này là tổng thu nhập bình quân đầu người thì Việt Nam đã vượt từ năm 2010.
“Quyết định ngừng ADF cho Việt Nam sẽ dựa trên đánh giá về vị thế của Việt Nam đang ở đâu và triển vọng của Việt Nam sẽ thế nào. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là vào một thời điểm nào đó, Việt Nam cũng sẽ tốt nghiệp ADF” – ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết.
Tuy nhiên, nguồn vốn ADF và OCR sẽ được tổ chức này sáp nhập và có hiệu lực từ 1/1/2017, qua đó mở ra cơ hội vay nhiều hơn cho các nước thành viên trong đó có Việt Nam. “Nguồn tiền tương đương hoặc thậm chí lớn hơn sẽ có sẵn để tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Việt Nam và ADB đã sẵn sàng cho việc mở rộng này trong những năm tới” - ông Eric Sidgwick thông tin thêm.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, cần nhìn nhận về tổng thể là việc vay ODA sẽ giảm dần. Bởi yếu tố chung nhất là Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới của sự phát triển (từ 2010 đã đặt chân vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp) nên quá trình này cần được xem là “tất yếu phải thế” và đúng theo thông lệ. Do đó, việc Việt Nam phát triển lên thì việc phải dần “tốt nghiệp” trong nhận ODA cũng là lẽ rất bình thường.
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực
Theo TS. Thành, việc giảm này nên nhìn nhận là tín hiệu tích cực cho nội tại của chúng ta, bởi một mặt nó chứng tỏ sự phát triển đi lên của hình ảnh đất nước và nền kinh tế. Mặt khác, điều này cũng đòi hỏi sự nghiêm túc, trách nhiệm hơn đối với các khoản đi vay trên tinh thần có vay, có trả và phải thực hiện đúng các cam kết.
“Khi mang tính “chùa” một chút, người ta sẽ dễ thiếu nghiêm túc và phạm phải rủi ro đạo đức. Và bài học lớn xét về dài hạn là, đồng tiền dễ dãi không bao giờ là một đồng tiền tốt” – TS. Thành nhìn nhận.
Còn khi đồng tiền khó khăn hơn, các ràng buộc chặt chẽ hơn thì buộc chúng ta sẽ phải tính toán nghiêm túc và trách nhiệm hơn. Điều này càng đặc biệt đúng trong mối liên quan đến đầu tư công, ngân sách (vốn đối ứng) khó khăn, nợ công tăng, rủi ro nợ công cũng tăng trong khi nhu cầu đầu tư, đặc biệt là kết cấu hạ tầng vẫn rất lớn.
Có một số ý kiến quan ngại trong thời điểm chuyển đổi mang tính bước ngoặt hiện nay, việc thiếu đi nguồn lực như nguồn vốn ODA ưu đãi giảm sẽ khiến ngân sách đầu tư khó khăn hơn và thậm chí làm chậm chân cải cách. Tuy nhiên cũng có nhiều quan điểm cho rằng, cải cách hay không phụ thuộc vào tự thân chúng ta.
Hơn nữa, nếu cải cách tốt và nhanh thì đấy chính là điều kiện để huy động các nguồn lực khác. Chưa kể là với nguồn lực ít hơn nhưng nếu làm hiệu quả hơn thì điều này còn tốt hơn việc có nhiều nguồn lực nhưng lại ít hiệu quả.
Tất yếu trong quá trình chuyển đổi này, nếu nguồn ODA từ chỗ đang có lại bị cắt giảm mạnh đi, ràng buộc tăng lên thì sẽ gây ra những khó khăn nhất định. Nên có lẽ một trong những vấn đề cấp bách lúc này là trong đàm phán với các đối tác tài trợ về lộ trình và phương án trả nợ, cần làm sao để 2 bên thực sự hiểu nhau, qua đó hỗ trợ tốt nhất cho Việt Nam trong “thời kỳ quá độ” này, tránh các cú sốc cho ngân sách.
Nhưng bên cạnh đó và quan trọng hơn là cần loại bỏ tư duy (nếu có) về tái nghèo, hoặc duy trì cận nghèo để được tiếp tục nhận vốn ưu đãi. Đồng thời, cần xác định rõ tâm thế (đi cùng với đó là các chính sách và giải pháp) kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể và phải làm tốt hơn, hiệu quả hơn với nguồn lực ưu đãi ít hơn.
Hãy xem việc “tốt nghiệp” ODA chính là một trong những động lực buộc chúng ta tìm ra những giải pháp thực sự cho việc chi tiêu đầu tư công sao cho hiệu quả, loại bỏ tận gốc được cơ chế xin cho và tâm lý “của công, tiền chùa” nên tiêu xài thoải mái vẫn tồn tại bấy lâu.