Khiếu kiện tại chung cư liệu có sắp đến hồi kết?
TP.HCM: Khẩn trương di dời dân ở 15 chung cư hư hỏng nặng | |
Những “quy tắc vàng” cần nắm vững khi mua căn hộ chung cư | |
Xu hướng kiến trúc tân cổ điển trong thiết kế chung cư cao cấp tại Việt Nam |
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2018 có 215 dự án khiếu nại, tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân, trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân, 107 dự án có khiếu nại, tranh chấp về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và những nội dung dân sự khác.
Các mâu thuẫn, tranh chấp chủ yếu liên quan đến phần diện tích sở hữu chung, riêng, việc đóng góp quản lý và sử dụng kinh phí vận hành, bảo trì, Ban quản trị, đơn vị vận hành… Ngoài ra, còn xuất hiện nhiều vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán căn hộ…
Ảnh minh họa |
Cư dân chung cư Capital Garden ở 102 đường Trường Chinh, dù đã nhận nhà từ cuối năm 2016, đã căng băng-rôn, đồng loạt phản đối việc chủ đầu tư là Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô không thực hiện đúng những cam kết khi bán nhà. Đơn cử như: Bàn giao căn hộ cho cư dân ở khi hệ thống phòng cháy chữa cháy với các thiết bị đầu dò khói tự động, đầu phun chữa cháy tự động, vòi chữa cháy dạng cuộn... chỉ mới được lắp đặt, chưa được thẩm định, kiểm tra...
Hay như cư dân tòa cao cấp Hei Tower (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã căng băng rôn phản đối chủ đầu tư, trong đó nhiều nội dung liên quan tình trạng an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) của tòa nhà. Theo cư dân sinh sống tại đây, tầng mái vốn là khu vực cộng đồng nhưng chủ đầu tư không bàn giao cho cư dân mà cho đơn vị khác kinh doanh nhà hàng. Cư dân cho rằng điều đó ảnh hưởng đến an toàn cháy nổ. Rồi cư dân toà nhà Sông Đà (Hà Đông) đã xuống đường biểu tình trước những bất cập của hệ thống PCCC…
Có thể thấy các nhà chung cư ngoài việc phản ứng tụ tập đông người khiếu kiện điều kiện an toàn PCCC còn nổi lên khúc mắc giữa BQT và chủ đầu tư. “Khúc mắc cư dân với ban quản trị cũng hết sức phức tạp. Khi thành lập ban quản trị xong thì gần như tất cả các tòa nhà vẫn thường có phát sinh khúc mắc giữa chủ đầu tư và ban quản trị.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Xây dựng cho biết sẽ rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về nhiệm vụ và quyền hạn của chủ đầu tư, ban quản trị, doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư, sớm nghiên cứu, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng nhà chung cư.
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thì trong 6 tháng cuối năm 2018, Cục sẽ hoàn thành các đề án quan trọng đối với thị trường BĐS, bao gồm: “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh”; “An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS đảm bảo an sinh xã hội”; “Quản lý, phát triển quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ giai đoạn 2018 - 2021”. Trong đó bao gồm rất nhiều nội dung của thị trường như việc người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, vấn đề đầu tư nước ngoài vào thị trường địa ốc, tín dụng, bong bóng bất động sản, quản lý vận hành nhà chung cư, tranh chấp chung cư... dự kiến đề án này sẽ được Bộ Xây dựng trình Chính phủ trong tháng 12 tới.
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: “Cần có luật quy định những vấn đề liên quan đến tranh chấp chung cư để giải quyết được tận gốc vấn đề. Bởi thực tế, không ít chủ đầu tư thường tìm các lỗ hổng về pháp lý để lách luật, “cò quay” và không giải quyết dứt điểm quyền lợi chính đáng của cư dân. Thậm chí, một số chủ đầu tư còn thách thức khách hàng kiện ra tòa vì cho rằng, một vụ kiện thường kéo dài, tốn kém, người mua nhà không đủ nhân lực và tài chính để theo đuổi đến cùng”.
Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Xây dựng, tình trạng khiếu kiện tại các chung cư sẽ “hạ nhiệt” thời gian tới.