Không chủ quan với lạm phát
Nỗ lực hoàn thành cao nhất nhiệm vụ năm 2016, tạo đà cho các năm tới | |
Dự báo tăng trưởng cả năm khoảng 6,3-6,4%, lạm phát khoảng 4% | |
Ngân hàng không chủ quan với lạm phát |
Theo kế hoạch thì phải đến thứ Bảy tuần này cơ quan thống kê mới công bố chính thức chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2016. Mà mặc dù CPI tháng 9 vừa qua mới tăng 3,14% so với tháng 12/2015, để lại khá nhiều dư địa cho các tháng cuối năm để kiểm soát ở mức 5% chỉ tiêu đặt ra, nhưng công tác điều hành giá đến thời điểm này đã khá “nóng”.
Ảnh minh họa |
Bối cảnh thị trường giá cả thời gian vừa qua được Tổ trưởng Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cho biết, lạm phát cơ bản từ tháng 1-9/2016, trong so sánh với cùng kỳ năm trước, có biên độ dao động khá hẹp, từ 1,64% đến 1,88%. Điều này cho thấy chính sách tiền tệ đang điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, việc điều hành giá một số mặt hàng Nhà nước còn quản lý cũng khá linh hoạt và chủ động.
Tuy nhiên tình hình đến tháng 10 này, có vẻ không còn “xuôi chiều mát mái”. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, có khả năng CPI tháng 10 tăng nhanh hơn rất nhiều so với tháng 9. Tính toán sơ bộ từ 2 kỳ lấy giá của cơ quan thống kê cho biết CPI tháng 10 tăng khoảng 0,8% so với tháng trước và 3,97% so với tháng 12/2015, tăng 4,05% so với cùng kỳ. CPI bình quân 10 tháng khoảng 2,26% so với cùng kỳ.
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, mức tăng đó đã cao hơn so với tính toán của NHNN, vì cơ quan này dự kiến CPI tháng 10 tăng khoảng 0,6 đến 0,7%. Vì vậy khả năng kiểm soát CPI cả năm 2016 ở ngưỡng 5% là rất khó, nếu giá xăng dầu biến động mạnh.
Trong khi đó các dự báo về giá dầu trong 2 tháng cuối năm không mấy sáng sủa. “Khả năng tăng là khá rõ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải khẳng định. Theo tính toán của cơ quan này, giá dầu thô tháng 10/2016 khoảng 51 USD/thùng thì tháng 11 sẽ là hơn 53 USD/thùng, tháng 12 là 56,27 USD/thùng.
Còn ở trong nước, CPI bị sức ép khá lớn khi luồng tiền đầu tư đổ ra nhiều hơn do thúc đẩy giải ngân giai đoạn cuối năm, cùng với đó tình hình thiên tai diễn biến phức tạp… “Nếu không điều hành tốt thì với dư địa hai tháng cuối năm khoảng 1%, CPI cả năm sẽ vượt ngưỡng 5% mà Quốc hội cho phép”, ông Thu nhận định.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ nhấn mạnh, dù dư địa cho việc đưa CPI đạt mức 5% như Quốc hội đề ra không còn nhiều, nhưng Chính phủ quyết tâm điều hành thắng lợi chỉ tiêu này…
Dịch vụ y tế được khuyến nghị cần phải theo dõi sát, bởi qua điều chỉnh giá tại 16 địa phương đã tác động rất mạnh đến CPI. Vì vậy, phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, sau khi công bố CPI tháng 10, Bộ Y tế kết hợp với các bộ, ngành liên quan dự báo các yếu tố tác động đến CPI tháng 11 và tháng 12 để có thể điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình cho các tỉnh, thành phố còn lại.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu từ nay đến cuối năm 2016 tính toán rất thận trọng, kỹ lưỡng về thời gian, liều lượng điều chỉnh đối với giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá xăng dầu... tránh gây áp lực lên chỉ số CPI. “Không được chủ quan, vì đây là chỉ số liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.