Kiểm toán Nhà nước chưa có đủ bằng chứng xác nhận số liệu nợ công
Nợ công và sự đánh đổi | |
Nợ công: Vẫn đảm bảo chi trả đầy đủ, đúng hạn | |
Lời giải cho bài toán nợ công |
Tại họp báo, ông Đào Văn Dũng – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) cho biết: “Bộ Tài chính chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng làm cơ sở để KTNN xác nhận số dư nợ công đến 31/12/2014 tại Báo cáo về các chỉ tiêu giám sát nợ năm 2014”.
Ảnh minh họa |
Công tác quản lý nợ công năm 2014 là một nội dung kiểm toán chuyên đề trong hoạt động kiểm toán 2015.
Theo số liệu đưa ra trong báo cáo kết quả kiểm toán thì dư nợ công đến 31/12/2014 là 2.284.882 tỷ đồng (nợ Chính phủ 1.826.777 tỷ đồng, bằng 46,4% GDP, chiếm 79,95% nợ công; nợ được Chính phủ bảo lãnh 422.640 tỷ đồng, chiếm 18,5% nợ công; nợ chính quyền địa phương 35.465 tỷ đồng, chiếm 1,55% nợ công), bằng 58,02% GDP, tăng 17,1% (333.377 tỷ đồng) so với năm 2013 (năm 2013 là 1.951.505 tỷ đồng).
Tuy nhiên, báo cáo kiểm toán giải thích số liệu nợ trong báo cáo kết quả kiểm toán là số liệu tổng hợp trên cơ sở Báo cáo của Bộ tài chính và điều chỉnh một số khoản theo kết quả kiểm toán. Kiểm toán không được cung cấp đầy đủ bằng chứng để Kiểm toán Nhà nước xác nhận số nợ công.
“Một số khoản vay trong nước, Bộ Tài chính chỉ cung cấp cho KTNN số liệu tổng hợp, chưa cung cấp các tài liệu về hạch toán, theo dõi chi tiết đối với từng khoản vay”, ông Dũng cho biết. Kết quả kiểm toán chọn mẫu một số khoản vay cho thấy Bộ Tài chính thống kê thiếu, thừa một số khoản rút vốn, trả nợ, dẫn đến báo cáo nợ công thiếu 864 tỷ đồng (339 tỷ đồng nợ Chính phủ, 461 tỷ đồng nợ được Chính phủ bảo lãnh và 64 tỷ đồng nợ chính quyền địa phương).
Kiểm toán cũng cho thấy danh mục nợ công tuy phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công nhưng có thể bị trùng lặp hoặc chưa đầy đủ các khoản nợ của Chính phủ; công tác tổ chức quản lý nợ công phân tán, thiếu sự đối chiếu, thống nhất trước khi tổng hợp, lập báo cáo; tốc độ nợ công tăng nhanh (theo báo cáo của Bộ Tài chính, dư nợ công giai đoạn 2010-2014 tăng bình quân 18,6%/năm; đến 31/12/2015 nợ công chiếm khoảng 62,2%GDP và nợ Chính phủ khoảng 50,3%GDP).
Bên cạnh đó, dù đã ghi nhận chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nợ công trong năm 2014 đã từng bước được tăng cường. Song, KTNN vẫn chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế trong công tác quản lý nợ công.
Đơn cử như Bộ Tài chính ghi thu - ghi chi vốn vay nước ngoài chưa kịp thời, đúng niên độ; 41/43 dự án thuộc đối tượng phải thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh nhưng chưa thế chấp tài sản... Một số địa phương không lập kế hoạch vay và trả nợ vay; không bố trí đủ dự toán để trả nợ; 19/50 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ tại 31/12/2014 vượt 30% vốn đầu tư xây dựng ngân sách cấp tỉnh theo quy định của Luật NSNN. Báo cáo kiểm toán ghi rõ: Bộ Tài chính chưa phản ánh đầy đủ số liệu của Quỹ tích lũy trả nợ.
Việc giao kế hoạch vốn ngoài nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa phù hợp với đăng ký nhu cầu vốn của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, chưa đảm bảo theo tiến độ của các dự án, dẫn đến giải ngân ngoài dự toán lớn là nguyên nhân chính làm tăng bội chi ngân sách, phá vỡ kế hoạch NSNN đã được Quốc hội quyết định.
.Theo số liệu của KBNN, số giải ngân năm 2014 của các Bộ, cơ quan Trung ương là 13.074 tỷ đồng, vượt 82,8% (5.922 tỷ đồng) kế hoạch (7.152 tỷ đồng); của 63 địa phương là 14.658 tỷ đồng, vượt 90,3% (6.958 tỷ đồng) kế hoạch (7.700 tỷ đồng)...
Mặc dù đây là kiểm toán cho năm 2014 và dù phát biểu tại buổi họp báo, cả lãnh đạo KTNN và các đại biểu của các Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đều khẳng định có nhiều chuyển biến tích cực nhưng những tồn tại được kiểm toán chỉ ra cho thấy cần phải có những đòi hỏi nghiêm khắc hơn với cơ quan chức năng, với công tác quản lý. Nhất là hiện nay, tình hình ngân sách vẫn rất khó khăn, nợ công tiếp tục tăng cao đang là nỗi lo lớn của người dân, của Quốc hội.
“Chúng tôi đã nói nhiều, kiến nghị nhiều, Chính phủ và các bộ đã có nhiều cải tiến nhưng đúng là kỷ cương kỷ luật chưa nghiêm. Chúng ta cần đồng cam trách nhiệm kiến nghị giải pháp đưa ra để có quy chế quản lý chặt chẽ”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đặng Dũng phát biểu.