Nợ công và sự đánh đổi
Cuối năm lo nợ công sát ngưỡng | |
Ba biến số quan trọng và thế lưỡng nan | |
Nợ công: Vẫn đảm bảo chi trả đầy đủ, đúng hạn |
Ông Đặng Ngọc Đức |
Với tình hình hiện nay của nền kinh tế và tài chính Việt Nam, khả năng duy trì bội chi ngân sách ở mức 5% GDP là một thách thức quá lớn.
Để khắc phục tình trạng hiện nay, tăng trần nợ công trong ngắn hạn là một giải pháp đánh đổi tối ưu, theo PGS.TS. Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân).
Trong báo cáo của Thủ tướng trước kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, khó khăn mà Thủ tướng nêu lên là vấn đề bội chi ngân sách và nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn.
Trong hoàn cảnh của Việt Nam, bội chi NSNN thường phát sinh tăng là điều có thể hiểu và cần nhận được sự chia sẻ, cả với Chính phủ và với cơ quan điều hành NSNN.
Kiên quyết loại những dự án có dấu hiệu lãng phí, chậm tiến độ, tiêu cực |
Vấn đề đặt ra là chi tiêu phải hiệu quả, và chọn phương thức khắc phục hay bù đắp bội chi NSNN như thế nào. Nếu áp dụng phương thức đúng đắn, không những bội chi NSNN được ổn định một cách bền vững mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Ngược lại áp dụng các giải pháp không hợp lý có thể sẽ làm cho vấn đề trầm trọng hơn, thậm chí rơi vào vòng luẩn quẩn và khủng hoảng nợ công sẽ không chỉ là nguy cơ.
Ông gợi ý phương thức nào? Thu thì đang khó mà chi vẫn nhiều?
Phải quyết liệt cắt giảm các khoản chi tiêu không thực sự cấp thiết, giảm cả những khoản chi tiêu công mà nó không tác động đến sự ổn định, tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội (ví dụ Hà Nội đã cắt giảm tiền cắt cỏ, tỉa cây, góp phần giảm chi tiêu công). Kiên quyết loại những dự án đầu tư có dấu hiệu lãng phí, chậm tiến độ, tiêu cực. Thậm chí một số dự án lớn, phát huy tác động trong dài hạn cũng nên cân nhắc, nhường quyền ưu tiên cho các khoản cấp thiết hơn và sẽ thực hiện đầu tư sau khi cân đối thu - chi được cải thiện và đề xuất tăng trần nợ công được phê duyệt.
Kiên quyết xử lý những vi phạm kỷ cương kỷ luật tài chính công. Cần xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả chi tiêu công (dựa vào PIFA) và triển khai áp dụng đánh giá hiệu quả chi tiêu công cho từng địa phương và trong cả nước. Đồng thời, có cơ chế cho các địa phương khi thực hiện chi tiêu công với hiệu quả được đánh giá cao hơn. Phải loại bỏ tình trạng “Bao nhiêu quy định là bấy nhiêu trường hợp ngoại lệ” đang khá là phổ biến.
Chúng tôi khuyến nghị cần trả lại những nguyên tắc của tài chính là tính thống nhất, sự công bằng và bình đẳng bởi nhiều định mức chi tiêu không còn phù hợp với thực tế nhưng các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và các DN vẫn phải thực hiện theo các định mức đó.
Điều này đã vô hình “bắt buộc” các đơn vị chấp hành NSNN phải làm sai lệch sự thật như khai tăng (khống) khối lượng hay sản lượng hoàn thành, chia nhỏ đầu công việc và nhiều biện pháp để “lách”, “hợp lý hóa” việc thực hiện các chi tiêu theo quy định. Những vấn đề này dần dần đã tạo ra thói quen sai phạm và tạo điều kiện, cơ hội cho cán bộ của các cơ quan thanh tra, giám sát tăng cường kiểm tra, phát hiện và khi phát hiện thì sẽ có cơ hội tham nhũng tiêu cực còn Nhà nước là chủ thể duy nhất bị thiệt hại.
Phải sớm đổi mới cơ chế quản lý và kiểm soát chi tiêu công hướng tới cơ chế thị trường và theo kết quả cuối cùng gắn với trách nhiệm về hiệu quả và trách nhiệm giải trình. Kiên quyết hơn với vấn đề chi vượt dự toán.
Áp lực chi tiêu và trả nợ lớn, trong khi nợ công đang có nguy cơ vượt trần còn tăng trưởng thì chững lại?
Nghiên cứu của Viện Ngân hàng - Tài chính cho thấy, trong điều kiện hiện nay, dường như chỉ phương án tăng trần nợ công mới có thể giải tỏa được những khó khăn của thu NSNN, giảm áp lực bội chi và xử lý nợ xấu. Chính phủ nên kiến nghị với Quốc hội xem xét tăng trần nợ công.
Tăng trần nợ công là việc làm khá nguy hiểm?
Tăng trần nợ công là cách mà nhiều quốc gia đã từng sử dụng. Dĩ nhiên tăng trần nợ công sẽ có những hệ lụy hay rủi ro cơ bản và đây là điều nhiều đại biểu Quốc hội, cơ quan giám sát hoạt động của Chính phủ và về chi tiêu NSNN cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước và các chuyên gia chưa muốn tính đến. Nhưng chúng tôi cho rằng đây là một sự đánh đổi trong tình thế hiện nay.
Thứ nhất, tăng trần nợ công tức là tăng nợ Nhà nước đối với công chúng trong và ngoài nước. Nếu tiền thu về từ việc tăng nợ công không sử dụng một cách đúng mục đích và thực sự có hiệu quả, việc tăng trần nợ công sẽ làm tăng gánh nặng nợ trong tương lai, nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ công là không thể tránh khỏi;
Thứ hai, trần nợ công tăng trong khi khả năng trả nợ hạn chế sẽ hạ thấp mức tín nhiệm và cạnh tranh quốc gia. Điều này sẽ tác động đến khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và gia tăng chi phí huy động vốn trên trường quốc tế… Đây là những nhận định rất xác đáng của một số lãnh đạo Ủy ban Kinh tế Quốc hội và các nhà quản lý tài chính.
Và lo nhất, nguy hiểm nhất là nếu trần và quy mô nợ công tăng lên mà không có các biện pháp để quản lý sử dụng có hiệu quả thì trần nợ công mới sẽ nhanh chóng bị vượt và tình trạng gia tăng bội chi NSNN - tăng trần nợ công sẽ không có điểm dừng.
Tuy nhiên, những quan ngại đó không phải là không có giải pháp. Mặt khác, ngay cả ở những nước có nền tài chính mạnh và thông tin rất minh bạch, tình trạng vượt trần nợ công dẫn đến phải điều chỉnh vẫn xảy ra. Dẫu phải trả giá cho việc nâng trần nợ công nhưng nếu là sự đánh đổi, hy sinh trước mắt để bắt đầu cho một quá trình củng cố xây dựng nền tài chính công bền vững, năng lực cạnh tranh và uy tín lâu dài cũng là điều cần phải suy nghĩ một cách thực sự nghiêm túc.
Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!