Kiểm tra chuyên ngành: Chưa thấy tạo thuận lợi, chỉ thấy tăng cường quản lý
Ước xuất siêu gần 3,52 tỷ USD trong 10 tháng | |
Tránh rủi ro khi ký hợp đồng với đối tác ngoại | |
Xuất khẩu gỗ lo rủi ro với nguồn nhập khẩu |
Kiểm tra chuyên ngành đang là vấn đề nóng gây nhiều nỗi khổ cho hàng hóa xuất nhập khẩu và DN. “Ở nhiều nước chỉ có hải quan là người quyết định có cho hàng hóa thông quan hay không, nhưng ở Việt Nam đứng sau hải quan là rất nhiều cơ quan khác và họ mới chính là người quyết định hàng có được thông quan hay không qua việc kiểm tra chuyên ngành”, ông Phạm Thanh Bình - chuyên gia về hải quan cho biết.
Ông cũng nói, riêng thủ tục hải quan đã cải cách rất nhiều nhưng vai trò quyết định hàng có thông quan được hay không thì 72% phụ thuộc vào các cơ quan khác nên hải quan có cải cách nữa cũng không giúp được mấy cho DN.
Thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đang là lĩnh vực cải cách được Chính phủ đặc biệt chú trọng thời gian qua nhằm khắc phục một trong những khía cạnh còn có tồn tại, vướng mắc nổi cộm nhất gây ảnh hưởng tới thời gian thông quan cũng như dòng lưu chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu ở nước ta hiện nay.
Theo nghiên cứu của ông Bình và Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho thấy có khá nhiều bất cập trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Đó là sự chồng chéo trong danh mục hàng hóa thuộc diện điều chỉnh của nhiều luật chuyên ngành dẫn đến một mặt hàng phải thực hiện đồng thời nhiều thủ tục nên khó khăn, mất thời gian, tốn chi phí.
Ông Bình cũng đưa ra một so sánh về chi phí và hiệu quả: Mỗi năm DN phải chi trả tối thiểu khoảng 1.600 tỷ đồng và 2,5 triệu ngày công để thực hiện thủ tục quản lý chuyên ngành trong khi các lô hàng không đạt chất lượng quy định chưa bao giờ tới 1%. Ví dụ nữa, mặt hàng nồi cơm điện đang chịu điều chỉnh ở 3 luật: kiểm tra chất lượng về điện theo Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, phải dán nhãn năng lượng theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và phải có giấy chứng nhận theo Luật kiểm tra an toàn thực phẩm, 3 yêu cầu này thuộc 3 luật và do 3 bộ khác nhau quản lý… “Một cái nồi cơm điện có cần phải chịu điều chỉnh bởi 3 luật thế này không?”, ông Bình nêu câu hỏi.
Có những quy định tưởng hay nhưng lại trở thành kiểm tra 2 bước và đổ lên vai DN, đó là quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng là việc đánh giá lại kết quả đánh giá của tổ chức đánh giá, nhưng thực tế lại không đánh giá tổ chức đánh giá mà lại đến DN đánh giá lại sản phẩm…
Nói chung Luật pháp và công tác quản lý chuyên ngành mới chỉ tương thích một phần với luật pháp quốc tế và các cam kết quốc tế. Còn rất nhiều điều phải sửa để phù hợp với cam kết quốc tế và tạo thuận lợi thực sự cho hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đó là nội dung trao đổi tại Hội thảo Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tổ chức ngày 3/11/2016.
Đặc biệt, trong các văn bản pháp luật Việt Nam đều ghi “tạo thuận lợi…” nhưng không quy định rõ tạo thuận lợi thế nào, nghị định cũng không, thông tư cũng không nhưng phần tăng cường quản lý giám sát trong các văn bản pháp luật thì lại ghi rất rõ các giải pháp, biện pháp…
Tại Hội thảo, Báo cáo nghiên cứu rà soát pháp luật với các cam kết về kiểm tra chuyên ngành đã đưa ra nhiều điều xuất sửa đổi các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành.
“Đây là một báo cáo vừa rà soát văn bản pháp luật, vừa nêu bật được các vấn đề thực thi trong thực tiễn và đề xuất cụ thể, đã chỉ rõ những hạn chế trong quy định chính sách, cũng chỉ ra khoảng cách giữa quy định và thực thi”, bà Nguyễn Minh Thảo – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận xét.
Theo các DN và giới nghiên cứu, hầu hết các đề xuất sửa đổi trong báo cáo có tính khả thi, phù hợp với thông lệ quốc tế tốt, đảm bảo quản lý Nhà nước hiệu quả và tạo thuận lợi cho DN. Bản rà soát được gửi tới các cơ quan chức năng để xác định những nội dung chưa tương thích của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này, từ đó đưa ra các đề xuất sửa đổi để tuân thủ cam kết. Đồng thời tận dụng động lực này để triển khai mạnh mẽ và thực chất hơn nữa quá trình cải cách liên quan ở Việt Nam.