Kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhất
Hỗ trợ DN, đưa nền kinh tế vượt khó | |
DN có thể gửi thẳng kiến nghị lên Thủ tướng | |
Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp |
PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: VIỆT NAM LÀ THIÊN ĐƯỜNG CỦA KHỞI NGHIỆP DN tư nhân là động lực phát triển. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho DN tư nhân phát triển, tập trung mọi cố gắng của Chính phủ để hỗ trợ DN khởi nghiệp, phát triển DNNVV… Với một thị trường lao động dồi dào, một thị trường tiêu thụ hơn 90 triệu dân và còn nhiều dư địa cho phát triển, Việt Nam là quốc gia nhiều cơ hội để khởi nghiệp. Chính phủ cam kết cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ hơn nữa, tháo gỡ gánh nặng cho DN khỏi những chi phí không chính thức, hoạt động thanh tra, kiểm tra gây phiền nhiễu, không hình sự hóa các quan hệ dân sự… Bên cạnh cải thiện môi trường kinh doanh, một trong những trọng điểm thời gian này là tháo gỡ vướng mắc các loại thị trường, kể cả thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường tài chính (bao gồm cả thị trường vốn và thị trường tiền tiền tệ), thị trường lao động, bất động sản và thị trường khoa học, công nghệ. Nếu không tháo gỡ khó khăn của 5 loại thị trường cũng như các yếu tố thị trường thì sự phát triển sẽ gặp trở ngại. Chính phủ cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất để thu hút nguồn lực tư nhân, kể cả đầu tư nước ngoài cho đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, nhất là trong thanh niên… Chính phủ sẵn sàng lắng nghe và đối thoại định kỳ với DN tư nhân, giải quyết ngay những vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý những vấn đề dài hạn, xây dựng khung khổ thể chế, bảo đảm việc thực thi chính sách pháp luật thông suốt từ Trung ương đến địa phương. |
Cộng đồng doanh nhân trẻ đã “rút ruột” chia sẻ những khó khăn trên con đường khởi nghiệp tại cuộc gặp mặt với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, vừa được tổ chức. Cuộc gặp gỡ quy tụ khoảng 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc, đang giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của DN, có tuổi đời dưới 35, DN thành lập dưới 10 năm và đang hoạt động hiệu quả.
Chạnh lòng vì chưa được bình đẳng
Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, sau hơn 23 năm hình thành và phát triển, các DN hội viên đang tạo việc làm cho trên 2,5 triệu lao động, tổng doanh thu hàng năm đạt trên 25 tỷ USD, đóng góp cho các hoạt động xã hội hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Chúng ta đã tạo nên một thế hệ doanh nhân mới của đất nước có trí tuệ, khát vọng làm giàu chính đáng, đã và đang là những hạt nhân đi đầu trong cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam, nắm giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt trong các DN lớn của quốc gia, nhiều doanh nhân trẻ tham gia vào Quốc hội…
Nhưng dù hoạt động của DN đang trên đà đi lên, song đội ngũ doanh nhân trẻ thẳng thắn cho biết vẫn gặp phải nhiều vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh. Suốt cuộc gặp gỡ, 15 ý kiến từ các chủ DN đã phần nào thể hiện được các khó khăn đó, như thiếu vốn, khó tiếp cận khoa học công nghệ, khó đáp ứng các thủ tục thuế, thủ tục hành chính rườm rà… Rộng hơn là cảm giác chạnh lòng của đội ngũ doanh nhân trẻ khi cho rằng môi trường kinh doanh chưa bình đẳng, khi khu vực kinh tế tư nhân trong nước có thực lực yếu nhất nhưng lại được ưu đãi kém nhất, khi đặt lên bàn cân với DNNN và DN FDI.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc CTCP giải pháp công nghệ CNC cho biết, DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cơ khí chính xác, thiết kế khuôn mẫu, là những sản phẩm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ. Mặc dù là ngành được khuyến khích phát triển, song cho tới nay DN này vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi nào từ phía Chính phủ, trong khi đây là ngành đòi hỏi đầu tư lớn.
Cũng theo ông Hùng, các DN của Việt Nam rất khó tận dụng ưu đãi thuế để cạnh tranh với FDI, đặc biệt là khi đầu tư vào khu công nghiệp. Ông cho biết, nếu đầu tư vào các khu công nghiệp nhỏ, ở vị trí xa trung tâm thì không thể cạnh tranh được với DN FDI, đặc biệt là DN đang đầu tư theo chuỗi của Samsung, LG… Tuy nhiên nếu đầu tư vào các khu công nghiệp ở trung tâm thì DN lại càng lép vế vì khối FDI ở đây được ưu ái hưởng quá nhiều ưu đãi.
Chưa kể, hiện nay lực lượng lao động trong lĩnh vực làm công nghiệp hỗ trợ ngày càng khan hiếm vì DN cứ đào tạo được một thời gian là các công ty FDI lại tìm đến trả lương tốt hơn và “nẫng” mất. “Chúng tôi đã cung cấp được hàng cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản như Denso, Intel… Vì vậy, DN khẳng định nếu có sự hỗ trợ của Chính phủ sẽ tạo thêm động lực cho DN phát triển hơn”, ông Hùng quả quyết.
Ông Dương Viết Thành, Giám đốc một công ty chuyên về thiết kế và tư vấn xây dựng kiến nghị, hỗ trợ của Chính phủ dành cho DN trẻ cần cụ thể hơn nữa. Ông dẫn chứng, ở Mỹ với các gói đầu tư có giá trị dưới 200.000 USD thì chính phủ luôn tạo điều kiện cho các DN quy mô nhỏ thực hiện. Lĩnh vực dịch vụ cũng rất phù hợp với quy mô của DNNVV. Vì vậy, ông mong muốn Chính phủ có những chính sách ưu tiên để khối DN này có điều kiện phát triển.
DN đòi hỏi, Chính phủ yêu cầu
Đánh giá cao các ý kiến trao đổi thẳng thắn từ các doanh nhân, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, sau 30 năm đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước luôn coi DN là lực lượng xung kích đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Vì vậy, hỗ trợ phát triển DN nói chung, DN tư nhân và DNNVV nói riêng luôn là chủ trương nhất quán và có từ sớm của Đảng và Nhà nước. Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, trong đó có nhiều giải pháp rất thiết thực.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ coi Diễn đàn Kinh tế tư nhân và cuộc bình chọn 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp tiêu biểu do Hội Doanh nhân trẻ tổ chức là hoạt động đầu tiên và có ý nghĩa lớn để thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ. Nhắc lại chủ trương của Đảng và Nhà nước là coi mọi thành phần kinh tế đều giữ vai trò quan trọng và khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, cạnh tranh bình đẳng theo pháp luật, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của mọi công dân, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tác động theo cả chiều ngang và chiều dọc để hỗ trợ DN phát triển.
Cụ thể, chiều ngang là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế không phân biệt DN lớn hay nhỏ, DNNN hay tư nhân. Còn tác động theo chiều dọc là có chính sách với từng chủ thể trong nền kinh tế, mà với đội ngũ DN trẻ sẽ là Luật DNNVV chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Bên cạnh đó, để rút ngắn khoảng cách giữa chủ trương chính sách và thực thi, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ áp đặt trách nhiệm thực thi của cán bộ công chức, nếu người nào không làm được thì “đứng sang một bên”. Đồng thời, ông đề nghị khi DN có vấn đề gì cứ phản ánh thẳng, trực tiếp với Thủ tướng.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, DN đòi hỏi rất nhiều ở Chính phủ, và Chính phủ cũng đòi hỏi DN phải đi trên đôi chân của chính mình, trên cơ sở đổi mới sáng tạo, chứ không phải bằng con đường thân hữu, quen biết, quan hệ... “Hỗ trợ DN phải theo nguyên tắc thị trường, không phân biệt đối xử, tạo sân chơi công bằng cho mọi DN. Vì vậy, Chính phủ hỗ trợ cho các DN tự đứng được trên đôi chân mình, chứ không thể vì DN yếu kém mà phải hỗ trợ”, ông quả quyết.