Kinh tế 2019: Động lực có, nỗ lực cần
Cân đối ngân sách không đảm bảo thì tăng trưởng không mấy ý nghĩa | |
Tăng trưởng tín dụng 14% là phù hợp với bối cảnh hiện nay | |
Điều hành tiền tệ 2018: Uyển chuyển hơn cho một điều không thay đổi |
Xóa bỏ các lực cản để thúc đẩy cổ phần hóa
Chia sẻ tại Tọa đàm công bố Báo cáo đánh giá KTVM quý IV và cả năm 2018, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP cho rằng, những mục tiêu cho năm 2019 mà Quốc hội đặt ra là hoàn toàn có thể đạt được thậm chí có thể vượt hơn. “Động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 dựa trên nền tảng đã có từ các năm trước là chu kỳ kinh tế vẫn đang tiếp tục hồi phục. Bên cạnh đó, những nỗ lực từ khu vực DN và sự cải cách của Chính phủ cũng sẽ tạo động lực cho nền kinh tế”, TS. Nguyễn Đức Thành nói.
Trong khi đó theo quan sát cá nhân, PGS. TS. Phạm Thế Anh - Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong năm vừa qua cũng như năm nay sẽ vẫn là từ khu vực FDI. Nhưng các DN trong lĩnh vực thủy sản và xuất khẩu nông sản cũng có sự tăng trưởng vượt bậc và kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục.
Các chuyên gia dự báo kinh tế 2019 có thể đạt mức 6,9% |
Các chuyên gia cũng kỳ vọng, hoạt động thương mại và đầu tư sẽ khởi sắc khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực và FTA Việt Nam - EU dự kiến sắp được thông qua. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đặt Việt Nam trước một cơ hội lớn hiếm hoi trước xu hướng rời bỏ Trung Quốc của chuỗi cung ứng sản xuất. “Tuy nhiên, để cơ hội trở thành hiện thực đòi hỏi rất nhiều ở việc cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước”, TS. Thành nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng về dài hạn, triển vọng tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục phụ thuộc vào FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa DNNN. Hiện tiến trình cổ phần hóa DNNN đang chậm lại cùng với sức ép tăng thuế, phí luôn thường trực cũng là những rào cản đối với tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế. Do đó, các chuyên gia cho rằng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nên đặt nhiệm vụ trọng tâm là thu gọn đầu mối quản lý, xóa bỏ các lực cản để thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN.
Chuẩn bị các kịch bản ứng phó
Nhìn về triển vọng 2019, các chuyên gia cũng lưu ý, xuất siêu lớn của khu vực FDI tiếp tục cho thấy vai trò đầu tàu thương mại của khu vực này trong nền kinh tế nhưng mặt khác cũng cho thấy điểm yếu của nền kinh tế và ít nhiều đặt ra câu hỏi về hướng đi của nền kinh tế trong tương lai khi đã quá phụ thuộc vào khu vực này.
Bên cạnh đó, trong năm 2018, Chính phủ và các bộ ngành đã thể hiện quyết tâm cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, có hàng nghìn điều kiện đã được dỡ bỏ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí không chính thức cho DN. Nhưng số điều kiện kinh doanh cần tiếp tục gỡ bỏ còn rất lớn và việc gỡ bỏ các rào cản, cải cách thể chế chính là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy khởi nghiệp và sự lớn mạnh của khối DN trong nước.
Một điểm được đặc biệt lưu ý, đó là trước tiến trình “bình thường hóa” chính sách tiền tệ (CSTT) từ các nước phát triển và nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang trong năm 2019 cũng như rủi ro và những bất định của môi trường bên ngoài gia tăng. Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam một mặt nên tiếp tục tiến trình cải thiện điều kiện thể chế - kinh tế trong nước, cải cách tài khóa và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN.
Mặt khác nên tập trung chuẩn bị các điều kiện về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để sẵn sàng đối mặt với những bất ổn từ kinh tế thế giới. Cụ thể về CSTT, VERP khuyến nghị cần hạ thấp đòn bẩy (deleveraging), điều tiết và giám sát chặt chẽ tín dụng với các lĩnh vực rủi ro là điều cần thiết nhằm tăng cường khả năng chống chọi của hệ thống tài chính trước những cú sốc và giúp nâng cao sức khỏe của hệ thống tài chính.
Tuy các ngân hàng đã có những nỗ lực xử lý nợ xấu trong thời gian qua, rủi ro về chu kỳ nợ xấu mới vẫn là tiềm tàng khi tín dụng đổ vào các lĩnh vực rủi ro như BOT, BĐS, và gần đây là tín dụng tiêu dùng trên thực tế vẫn cao. Ngoài ra, cần thận trọng hơn với tăng trưởng cung tiền (khống chế trong khoảng 12%/năm). Việc giảm tỷ lệ cung tiền sẽ giúp cho Việt Nam có thêm dư địa CSTT để ứng phó với những cú sốc từ bên ngoài.
Với tài khóa, việc từng bước xây dựng gối đệm tài khóa là cần thiết. Trong những năm gần đây, bức tranh về thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều. Khi nguồn vay ODA ngày càng hạn chế, Việt Nam phải dựa vào nguồn nội lực nhiều hơn cho đầu tư phát triển. Điều này chỉ có thể được thực hiện thông qua việc thu gọn, tinh giản và sắp xếp lại bộ máy chính quyền để giảm chi thường xuyên. Qua đó, thâm hụt ngân sách sẽ dần được cắt giảm và tạo được “đệm tài khóa” nhằm tăng cường khả năng thích ứng của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới.