Tìm đột phá cho tăng trưởng
Kỳ vọng ở đầu tư | |
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%: Động lực nhưng cũng áp lực | |
Tăng trưởng kinh tế: Cẩn trọng với các mục tiêu quá cao |
Chưa thoát áp lực tăng trưởng
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 được Quốc hội đặt chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7% - bằng với chỉ tiêu đặt ra cho năm 2016.
“Năm 2017 không được như 2016” vì rất nhiều khó khăn và bất định. Chưa kể đến tác động xấu nếu có từ chính sách tương lai ở Mỹ, theo TS.Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Như vậy có thể hiểu năm 2016 này còn “dễ thở hơn” vậy mà còn không đạt được mức tăng trưởng 6,7% như đặt ra ban đầu. Vậy vì sao dù biết chắc khó khăn hơn mà vẫn đặt một chỉ tiêu cao như vậy, vì sao Quốc hội vẫn quyết mức đó. Trong khi, một số đại biểu Quốc hội như TS.Vũ Tiến Lộc đã phát biểu: “chỉ tiêu hơi tham vọng”.
Việt Nam cần đổi mới để phù hợp với giai đoạn cạnh tranh bằng khoa học công nghệ |
Cho dù không coi GDP là thành tích, nhưng TS.Lưu Bích Hồ nói rằng, 6,7% là mức hợp lý với điều kiện trong nước và bối cảnh thế giới bởi ông có niềm tin tưởng ở Chính phủ mới. Một Chính phủ đã lắng nghe hơn, quyết tâm hành động hơn, và khi đã quyết liệt cải cách, tái cơ cấu kinh tế thực sự thì sẽ đạt được mục tiêu cho dù không dễ dàng gì. Ông tỏ ý ủng hộ khi Quốc hội bấm nút thông qua chỉ tiêu này bởi có thể để phấn đấu, chứ không phải là chỉ tiêu cứng nhắc mà Chính phủ cố đuổi theo để lấy thành tích. Ông tin Chính phủ sẽ rất linh hoạt, chủ động để ứng phó khi có tình hình khác và ông nhấn mạnh “phải cố gắng lắm mới đạt được”.
Là một người vẫn duy trì quan điểm “tăng trưởng thực chất và bền vững, không chạy theo mục tiêu tăng trưởng”, TS.Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, ông đã bấm nút thông qua Nghị quyết cho năm 2017 khi thấy các chỉ tiêu đó là hợp lý. Bởi mục tiêu thường xuyên lâu dài của chúng ta là đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân, bảo đảm công ăn việc làm.
Song song với đó là mục tiêu đảm bảo ổn định vĩ mô, giữ vững các cân đối vĩ mô, tạo chuyển biến rõ trong thực hiện ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất, kinh doanh; tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Để có việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, thì phải có tăng trưởng”, ông Kiên nhắc lại.
Hơn nữa, cho dù với mục tiêu GDP đặt ra là 6,7% nhưng nó đã thể hiện một tư duy mới: “Chúng ta đã bỏ được tư duy năm sau phải cao hơn năm trước, thể hiện ở chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu đặt ra cho 2017 mà Chính phủ đã trình, Quốc hội đã quyết chỉ ở mức tăng 6 - 7%. Năm 2016 chỉ tiêu này khả năng đạt mức 10%”, ông Kiên nhận xét. Chỉ tiêu này đặt ra với các lường báo diễn biến thị trường toàn cầu và khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt.
Cơ hội gia tăng giá trị
Lạc quan và tin tưởng là vậy nhưng các chuyên gia vẫn thẳng thắn chỉ ra rằng kinh tế Việt Nam đang không có động lực tăng trưởng lớn nào cho tương lai. Ngân sách eo hẹp, nợ công đã cao, mà muốn có tăng trưởng là phải đầu tư, đầu tư thì ngân sách đang căng thẳng… “Khó thế nhưng không phải không có cách. Và vấn đề sống còn của Việt Nam đó là đổi mới mô hình tăng trưởng để phù hợp với giai đoạn cạnh tranh mới”, ông Hồ nói.
Cũng cùng quan điểm, ông Kiên thêm rằng “muốn giữ được tăng trưởng Chính phủ phải cải cách thể chế mạnh để thu hút đầu tư tư nhân. Phải tiến vào cuộc cách mạng công nghệ để lấy giá trị gia tăng làm động lực cho tăng trưởng”.
Thế giới đã bước vào thời kỳ “giá bình dân” hàng cao cấp nhờ hiện đại hóa và tự động hóa. Ở Mỹ, khách may comple được đo bằng máy, thiết kế trên máy, dựng hình với đủ cả mếch cổ, vải lót chỉ trong 30 phút. Người thợ may chỉ còn máy ráp mà thôi. Sau một ngày khách hàng đã có áo và giá cũng chỉ như hàng mua sẵn. Vậy là hàng Việt Nam vào Mỹ không phải là cạnh tranh với Myanmar, Bangladesh… mà phải cạnh tranh ngay trong nước Mỹ với cả sản phẩm may mặc tự động hóa. Đó mới là nỗi lo đòi hỏi ta cần chuyển đổi thật nhanh, tham gia thật nhanh vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 - đây là động lực tăng trưởng cho Việt Nam”, ông Kiên nhấn mạnh.
Vậy liệu ta có thay đổi quá nhanh, có kịp theo cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 này không? Nếu cứ tiếp tục tìm động lực tăng trưởng từ xuất khẩu nhờ số lượng như hiện nay, thì đất nước sẽ sớm đi vào ngõ cụt. Bởi nếu cứ tiếp tục là cường quốc xuất khẩu gạo, cà phê, điều… thì đồng nghĩa với việc ta đang phải đánh đổi lớn phí tổn về môi trường, là làm cạn nguồn nước ngầm, là phá rừng lấy đất trồng điều…
TS.Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phát biểu: Công nghệ tự động hóa bằng người máy đang ngày càng rẻ hơn, hiệu quả hơn. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo, máy móc tự động sẽ khiến 86% công nhân ngành dệt may và giày dép Việt Nam có nguy cơ mất việc. “Tôi đã chứng kiến một hệ thống dây chuyền tự động, sản xuất từ đầu đến cuối bằng người máy và năng suất lao động bằng 500% năng suất lao động hiện nay”, ông Doanh kể.
Người máy làm 24 giờ đồng hồ một ngày nên chỉ sau 18 tháng đầu tư dây chuyền là doanh nghiệp đã có lãi.Việt Nam phải sớm chuyển sang phân khúc cao cấp, tức là làm những việc người máy không làm được. Nhưng trước mắt, để giữ vững và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần có những bước đi sâu hơn và rõ ràng hơn. Để vượt qua khó khăn hiện tại, không chỉ là tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng mà cần một cải cách mạnh mẽ - cải cách thể chế.