Tăng chất vốn cho nền kinh tế
Tăng trưởng kinh tế: Cẩn trọng với các mục tiêu quá cao | |
Nỗ lực để đạt tăng trưởng quý IV ít nhất từ 7,1-7,3% | |
Muốn tăng trưởng phải biết tiết kiệm |
Vốn nền kinh tế: Khó có thể một giá
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 10, Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý. Song song với đó cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng. Điều đó đồng nghĩa rằng NH phải đối mặt với yêu cầu tăng chất vốn cho nền kinh tế.
Vốn NH đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển |
Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, đối với lĩnh vực tiền tệ tín dụng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tích cực mặt bằng lãi suất NH giảm, hỗ trợ tích cực tăng trưởng tín dụng. Đến hết tháng 10 tín dụng tăng 12,5%/năm. Đây là điểm sáng đáng ghi nhận trong bức tranh tiền tệ NH. Vì từ đầu năm rất nhiều dự báo về khả năng lãi suất NH tăng, nhưng thực tế không những không tăng lãi suất lại đang xu hướng giảm.
Tuy nhiên, trước bối cảnh nền kinh tế đang cần thúc đẩy tăng trưởng, muốn kích thích nền kinh tế phải giảm giá vốn (lãi suất – pv) thêm nữa. TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá chủ trương trên của Chính phủ là hoàn toàn hợp lý và cho rằng để tăng trưởng kinh tế hiệu quả, chi phí vốn phải thấp để đảm bảo cho các DN kinh doanh có hiệu quả.
Vấn đề đặt ra là sức hấp thụ vốn rẻ của nền kinh tế ra sao. Về nguyên tắc kinh doanh, các NH muốn bán được hàng thì giá phải tính toán hợp lý nhất để chào hàng. Hay nói cách khác, NH muốn tăng tín dụng phải cho vay với lãi suất hợp lý, thấp nhất có thể. Thực tế này theo chia sẻ của TS. Trần Du Lịch đang diễn ra trong hệ thống NH.
Hai năm trở lại đây khách hàng tốt là thượng đế của các NH. Hễ có dự án nào tốt, là thấy các NH “rủ nhau” đi chào khách với lãi suất khá thấp. Như thế, có thể thấy DN tốt vẫn đang hấp thụ giá vốn hợp lý. Nhưng đối với các DN nhất là DNNVV dù vẫn luôn trong đối tượng ưu tiên nhưng khả năng tiếp cận vốn vẫn còn hạn chế với những lý do khá “cơ bản”: sức khỏe tài chính yếu, chưa được minh bạch… Đương nhiên, với mức độ rủi ro cao thì NH buộc phải cho vay với lãi suất cao.
“Ép tất cả cùng một giá, không những khó mà còn gây ra mất an toàn trong hệ thống. Bởi một khi rủi ro tín dụng xảy ra ai chịu trách nhiệm cho họ. Hay tự họ phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý và ngốn hết lợi nhuận NH. Nên không NH nào dại mà làm như vậy. Tóm lại không thể nào ép một giá vốn với NH mà theo tín hiệu thị trường và theo độ rủi ro của mỗi lĩnh vực ngành nghề”, TS. Hiếu nhấn mạnh.
Có nên ép hạ lãi suất?
Có ý kiến cho rằng, lợi nhuận các NH đang khả quan cũng là yếu tố để các NH cân nhắc điều chỉnh lãi suất. Về vấn đề này, theo quan điểm của TS. Trần Du Lịch, các NH vẫn đang cần phải nuôi dưỡng nguồn lợi nhuận, có “của ăn của để” khi nợ xấu phát sinh còn có nguồn để chủ động xử lý. Mấy năm vừa rồi, lợi nhuận NH bị sụt giảm mạnh cũng bởi phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Một chuyên gia làm việc lâu năm trong ngành NH cho rằng, thời điểm này không nên “ép” lãi suất giảm thêm nữa. Đứng ở góc độ NH thì đây đang là nhiệm vụ không hề đơn giản. Bởi, đối với các khoản vay của DN chủ yếu là dài hạn. Mà khi tính chi phí vốn dài hạn chắc chắn phải tính đến chỉ số lạm phát. Hiện tại lạm phát lại đang xu hướng tăng.
Để hút được nguồn vốn dài hạn chắc chắn các NH phải tăng lãi suất. Vì vậy, trong thời gian tới, từ tháng 1/2017 xa hơn là năm 2018, khi các NH áp dụng quy định mới Thông tư 06 về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thì lãi suất cho vay trung, dài hạn không những không giảm mà còn có thể tăng thêm.
Còn đối với nguồn vốn ngắn hạn, một số NH lớn tích cực giảm lãi suất ngắn hạn. Nhưng mặt bằng lãi suất thấp chưa thể lan tỏa được cả hệ thống bởi sức khỏe các NH không đồng đều. Cũng như các DN, NH tốt thì huy động giá vốn tốt và ngược lại. Vì thế, vị chuyên gia này cho rằng, các NH tự biết cân đối tại một số thời điểm, hoàn cảnh nhất định để giảm lãi suất cho khách hàng chứ không nên đặt ra một lộ trình dài hạn, để xã hội kỳ vọng tạo sức ép lớn lên hệ thống NH vốn đang phải xoay xở xử lý vấn đề nội tại và gánh vác nhiều trọng trách nền kinh tế giao.
Muốn tăng chất cho vốn, theo một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phải gỡ một số điểm nghẽn trong nền kinh tế. Cụ thể, nợ xấu đang là điểm nghẽn lớn đối với nền kinh tế, làm tăng chi phí vốn của các NH. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định cũng ảnh hưởng đến lòng tin của người dân… “Đây là những điểm nghẽn cần được gỡ bỏ thì nền kinh tế mới có thể hấp thụ được nguồn vốn chất lượng hơn”, vị chuyên gia này khẳng định.
Một chuyên gia đề nghị, không nên tạo sức ép về giá mà để cho các NH có những quyết định về tín dụng hợp lý cân bằng được giữa chất và lượng tín dụng đảm bảo an toàn vốn cho NH cũng như an toàn hoạt động cho cả hệ thống. Theo đó, thị trường phải chấp nhận đối với lĩnh vực rủi ro cao chấp nhận lãi suất cao, và rủi ro thấp chắc chắn được hấp thụ vốn giá thấp.
Tuy nhiên đấy là những giải pháp ngắn hạn, còn về lâu dài, vị chuyên gia trên cho rằng, Việt Nam cần thiết phải thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế không phụ thuộc quá lớn vào thị trường tiền tệ. Nếu kéo dài quá lâu mô hình này, nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn, chi phí vốn sẽ khó có thể giảm được.