Kỳ vọng về một “siêu đô thị”
Cuộc kiến tạo những vùng đất sình lầy | |
ADB dành 170 triệu USD hỗ trợ Việt Nam cải tạo cơ sở hạ tầng đô thị loại hai |
Những tháng đầu tiên của năm mới 2018, hàng loạt các đề án thí điểm triển khai cơ chế đặc thù đã bắt đầu được chính quyền TP.HCM khẩn trương thực hiện nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, từng bước đưa TP.HCM trở thành một “siêu đô thị” mang tầm quốc tế.
Phối cảnh khu đô thị Thủ Thiêm sau khi hoàn thành các dự án trọng điểm |
Trong số này, đề án huy động vốn đầu tư xã hội để phát triển kinh tế thành phố là một trong những đề án quan trọng. Bởi nút thắt vốn đầu tư từ trước đến nay vẫn luôn được xem là lớn nhất mà TP.HCM cần tháo gỡ để cất cánh trong giai đoạn mới. Và cũng chính vì thế, trong ba năm của giai đoạn 2018 - 2020 tới đây, nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục là những nguồn lực quan trọng, tiên phong thúc đẩy hình thành diện mạo đô thị TP.HCM với những định hướng mang nhiều mới mẻ.
Kích hoạt các nền tảng đột phá
Thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM cho thấy, tính đến hết năm 2017 toàn bộ hệ thống các TCTD trên địa bàn đã cho vay đối với nền kinh tế TP.HCM khoảng 1,74 triệu tỷ đồng. Trong suốt năm vừa qua, hầu hết các chương trình, dự án lớn phục vụ phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng các nền tảng của thành phố thông minh, phát triển 7 chương trình đột phá của TP.HCM… đều được các NHTM đầu tư với nguồn vốn rất lớn.
Theo đó, chỉ tính riêng nguồn vốn đổ vào các dự án xây dựng cầu đường, trường học, bệnh viện và tài trợ vốn cho các công trình chỉnh trang đô thị, chống ngập, ứng phó với biến đổi khí hậu (thuộc các nhóm từ 4 đến 7 trong các chương trình đột phá của TP.HCM) đã lên tới con số 500-700 nghìn tỷ đồng.
Các dự án lớn như: dự án khu đô thị Thủ Thiêm, dự án xây dựng đường trục Bắc Nam, đường Nguyễn Tất Thành, dự án phát triển 30.000 căn hộ nhà ở xã hội… đều được các NHTM lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV… tài trợ từ hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng cho mỗi dự án.
Thực tế, không chỉ trong năm 2017 mà từ 2-3 năm trở lại đây, với đề án thành phố thông minh, hàng loạt các TCTD trên địa bàn TP.HCM đã chủ động phát triển các nền tảng công nghệ nhằm đưa các sản phẩm, dịch vụ tài chính vào các mô hình thông minh ở các lĩnh vực của nền kinh tế.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực thanh toán, các năm 2015-2017, nhiều NHTM đã tiến hành kết nối hệ thống thanh toán trực tuyến thu hộ các loại thuế, phí tại hàng loạt các sở, ngành. Các NH như VietinBank, MB đã tích hợp dữ liệu tập trung, cài đặt phần mềm kế toán tại khoảng 300 trường học để có thể ứng dụng thanh toán học phí không dùng tiền mặt.
Các đơn vị bán lẻ như hệ thống SatraMart, Saigon Co.op và các chợ đầu mối hiện cũng đã bắt đầu liên kết với các NHTM để tiến hành kết nối thông tin, thực hiện thanh toán qua thẻ, từ đó tạo nền tảng xây dựng kho dữ liệu mở cho toàn thành phố.
Trong khi đó, ở lĩnh vực môi trường và đầu tư vào các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, các NHTM lớn như BIDV, Vietcombank cũng đã tiên phong cấp vốn. Thống kê của BIDV cho thấy, chỉ riêng chương trình chống ngập của TP.HCM, đến cuối năm 2017 đơn vị này đã đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng vốn tín dụng, thúc đẩy hoàn thành nhiều công trình trọng điểm. Bên cạnh đó, các năm 2015-2016 đơn vị cũng làm đầu mối thu xếp khoản vốn vay 148 triệu USD để đầu tư dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tại khu vực Bình Chánh…
Không chỉ tiên phong đầu tư vào các mũi nhọn đột phá liên quan đến hoạt động cấp vốn mà ngay cả các mũi đột phá “mềm” như cải cách hành chính và tăng năng lực cạnh tranh thì trong các năm vừa qua, hệ thống NHTM tại TP.HCM cũng là những đơn vị đi đầu chủ động thực hiện.
Việc các NHTM đồng loạt rút gọn các quy trình xét duyệt hồ sơ vay, đơn giản hóa các biểu mẫu, rút ngắn thời gian giải ngân vốn vay từ 2-3 lần so với trước đây đã góp phần mạnh mẽ làm tăng trưởng nguồn tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng phục vụ đời sống thị dân. Từ đó tăng cơ hội tiếp cận vốn vay cho các thành phần kinh tế, giúp TP.HCM đạt tốc độ tăng trưởng 8,4% trong năm 2017 vừa qua.
Tiếp tục là then chốt trong cơ chế mới
Theo kế hoạch, năm 2018 TP.HCM xác định là năm bản lề để triển khai 7 chương trình đột phá gắn với cơ chế đặc thù. Theo đó, trong kế hoạch tạo vốn, thành phố sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp chính, bao gồm: rà soát lại các quy hoạch để thu hút đầu tư; thúc đẩy phương thức hợp tác công – tư (PPP); chuyển từ đầu tư nhà máy sang thuê dịch vụ để giảm gánh nặng ngân sách; phát triển hình thức đấu giá quỹ đất và thực hiện đấu thầu dự án nhằm tạo vốn và giảm chi phí; khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt để chống thất thu thuế; và tăng cường tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu đô thị…
Như vậy, có thể thấy trong các năm tới hệ thống các NHTM sẽ vẫn tiếp tục là những đơn vị kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nguồn vốn cho sự phát triển của kinh tế TP.HCM. Bởi trong số các giải pháp kể trên thì ngoài việc tham gia trực tiếp vào giải pháp tài trợ vốn vay (bao gồm cả cho vay trực tiếp và mua trái phiếu đô thị), các TCTD rất có thể sẽ là những tác nhân quan trọng thúc đẩy hình thức hợp tác PPP và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank đồng tình quan điểm này khi cho rằng, nếu TP.HCM quyết liệt trong việc bố trí nguồn lực tài chính tối thiểu để làm đối ứng cho các dự án PPP và triển khai hiệu quả các khâu giải phóng mặt bằng, bàn giao quỹ đất sạch cho chủ đầu tư thì chắc chắn sẽ thu hút nguồn vốn từ ngân hàng mà không phải bảo lãnh, từ đó giảm thiểu gánh nặng tài chính.
Ngoài ra, hệ thống các ưu đãi đầu tư đối với mô hình PPP nếu được xây dựng theo hướng kéo dài thời gian thu hồi vốn, miễn giảm một số loại thuế liên quan, áp dụng quy chuẩn thống nhất trong việc quản lý phí… thì cũng sẽ tạo ra cơ hội lớn để các NHTM và các DN nước ngoài cho vay hoặc tham gia góp vốn.
Trong khi đó, TS. Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright Việt Nam) cũng cho rằng, nếu muốn xây dựng TP.HCM trở thành một “siêu đô thị” thì cần thiết phải hình thành đặc khu kinh tế. Vì vậy TP.HCM có thể xây dựng Thủ Thiêm và vùng lân cận thành một đặc khu giống như phố Đông của Thượng Hải (Trung Quốc).
Ghi nhận những đóng góp rất tích cực của hệ thống TCTD trên địa bàn TP.HCM trong việc góp phần vào con số tăng trưởng kinh tế của thành phố, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng trong năm nay TP.HCM sẽ có sự chủ động hơn trong các hoạt động quản lý, điều hành chính sách do áp dụng một số cơ chế đặc thù. Các dự án lớn nhằm phát triển hạ tầng và các lĩnh vực kinh tế trọng điểm sẽ do chính quyền TP.HCM trực tiếp cấp phép đầu tư và thẩm định giá, tạo điều kiện để các DN, tập đoàn trong và ngoài nước tham gia góp vốn xây dựng kinh tế TP.HCM. Chính vì vậy, chính quyền thành phố rất kỳ vọng hệ thống các TCTD tại địa phương tiếp tục đồng hành để đẩy mạnh các hoạt động tín dụng, bám sát những kế hoạch mục tiêu dài hạn mà TP.HCM đang triển khai nhằm hướng tới xây dựng “siêu đô thị” với trung tâm tài chính ngân hàng tầm cỡ khu vực. |