Cuộc kiến tạo những vùng đất sình lầy
TPHCM: Mời gọi đầu tư các dự án nhà ở ven kênh, rạch | |
Hợp tác phát triển đô thị |
Giữa những dòng kênh uốn lượn viền bằng hoa thơm cỏ lạ, những con đường rợp bóng mát và sạch bong, những công viên điểm tô rực rỡ… quần thể khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM) với những cao ốc và biệt thự hiện đại “lạc” vào không gian sinh thái, biệt lập với một thị thành Sài Gòn sôi động triền miên tháng ngày.
Nhưng, với những người am tường về mảnh đất này, sự hào nhoáng ngày nay của khu đô thị này chỉ là một bộ mặt mới của khu đất đã từng hoang hóa suốt nhiều thế kỷ.
Cách nay trên một phần tư thế kỷ, khu đất dự án Phú Mỹ Hưng ngày nay còn đầy lau lách, sình lầy, đất mặc trời lay, người không lui tới. Thế nên, khi những ý tưởng hình thành từ đây một khu đô thị hiện đại bắt đầu manh nha đi vào thực hiện, không ít người cho rằng đó là một ý tưởng lãng mạn thái quá.
Ông Trương Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng nhớ lại, khi đó họ thậm chí tin rằng việc chúng tôi muốn làm điều hoang tưởng… Đòi hỏi một nguồn lực rất lớn, đi kèm là nhiều hậu thuẫn, rồi công nghệ xây dựng, năng lực nhà thầu trong nước còn nhiều hạn chế… Tất cả đều là thách thức mà nhà phát triển dự án phải vượt qua.
Phú Mỹ Hưng đã qua từng thời khắc khó khăn như thế. Nhưng từng bước một, Công ty Phú Mỹ Hưng đã phát triển dự án với tâm thế không ngừng cải tiến thiết kế, chất lượng công trình, đảm bảo tiến độ… Hơn hết, đó là tâm huyết xây dựng một không gian sống sinh thái, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng cộng đồng nhân văn, bảo tồn những giá trị truyền thống của người Việt...
Ông Trương Quốc Hưng đúc kết, tất cả đổi thay của ngày hôm nay, được xã hội nhìn nhận, đã đến từ những con người dám nghĩ khác. Yếu tố đầu tiên tạo nên thành công của khu đô thị Phú Mỹ Hưng chính là tầm nhìn xa, trông rộng và quyết tâm làm cho bằng được của nhà đầu tư mà đứng đầu là ông Lawrence S. Ting với câu nói: “Không hỏi chúng tôi đã mang đi những gì, mà hỏi chúng tôi đã để lại những gì”.
Cùng chung suy nghĩ này, khi quyết định đầu tư vào những công trình trọng điểm ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh cho biết, tại thời điểm đó, kinh tế rơi vào khủng hoảng, thị trường bất động sản đóng băng hoàn toàn, lãi suất ngân hàng trên 20%/năm... Khu Thủ Thiêm mặc dù đã được đền bù, giải phóng mặt bằng trên 95% nhưng hoàn toàn chưa có công trình xây dựng nào mọc lên.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật - giao thông chưa có gì ngoài cầu Thủ Thiêm 1 kết nối với quận Bình Thạnh và hầm sông Sài Gòn cùng đại lộ Đông Tây đoạn đi qua Khu Thủ Thiêm đang trong giai đoạn hoàn thiện. Các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông chính của Thủ Thiêm như 4 tuyến đường, cầu Thủ Thiêm 2 mặc dù đã giao cho các nhà đầu tư thực hiện nhưng chưa khởi động được. Còn các nhà đầu tư khác mặc dù đã đến và tìm hiểu đầu tư tại Thủ Thiêm, thậm chí đã đặt cọc một số tiền lớn nhưng sau đó lại xin không tiếp tục tham gia dự án...
Trong bối cảnh phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức như vậy, nhưng với niềm tin Thủ Thiêm là vùng đất đầy tiềm năng và dự án sẽ đem lại diện mạo mới, nhiều giá trị mới cho thành phố, Đại Quang Minh nhận thấy muốn thành công thì phải thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình giao thông chính của khu, các công trình giao thông kết nối với trung tâm hiện hữu của thành phố, cũng như các công trình tiện ích cộng đồng và xây dựng một khu dân cư đô thị có quy mô đủ lớn được thiết kế quy hoạch và thiết kế kiến trúc hiện đại với đầy đủ các sản phẩm nhà ở và dịch vụ giáo dục, y tế và thương mại đi kèm.
Tuy nhiên ngay thời điểm đó, một số chuyên gia về quy hoạch, quản lý đô thị không tin vào chiến lược của nhà phát triển. Họ nhận định, để hiện thực “giấc mơ” xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm, trước tiên là phải vượt qua một rào cản quan trọng là tạo đột phá của chính quyền TP.HCM trong công tác quản lý phát triển đô thị, phá vỡ quan niệm cứng nhắc về ranh giới của các đồ án quy hoạch phải theo ranh giới quản lý hành chính...
Rất đáng mừng khi đó, Quyết định số 24/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 đã hóa giải khó khăn. Thành phố lên kế hoạch phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp thành phố tại 4 hướng phát triển.
Cụ thể, TP.HCM sẽ phát triển với hai hướng trục chính là hướng Đông và hướng Nam, trong đó hướng Nam với lõi khu trung tâm là khu đô thị Phú Mỹ Hưng, còn hướng Đông sẽ hình thành nên khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ngoài ra, hai hướng phụ là Tây Bắc và Tây Nam nhưng tuyệt đối không phát triển đô thị trong những khu vực bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng, phòng hộ...
Từ đó, chỉ trong khoảng thời gian ngắn trở lại đây, TP.HCM xuất hiện nhiều dự án khu đô thị hiện đại, kết cấu hạ tầng đồng bộ, với quy mô rộng hàng ngàn hecta, tập trung trên dưới 10.000 căn hộ...
Đánh giá về quá trình phát triển của khu đô thị mới tại TP.HCM nói chung, Công ty SOM (Mỹ) nhận định, đồ án quy hoạch tại những đô thị mới được nghiên cứu khá tốt, bên cạnh đó phải kể đến vai trò của nhà đầu tư, không chỉ có năng lực tài chính vững mạnh mà còn rất có kinh nghiệm trong quản lý phát triển dự án.
Có thể nói quy hoạch đô thị đồng bộ, tiếp cận được xu thế hiện đại trên thế giới, kết hợp sơ đồ phát triển giữa tuyến và cụm của đô thị hiện đại, đặc biệt tại khu vực châu Á. Tạo dựng mô hình không gian ở đô thị hướng đến nếp sống văn minh, cùng hệ thống dịch vụ hạ tầng và kỹ năng tổ chức quản lý đô thị hiện đại…
Còn khi bàn về vấn đề này, PGS-TS. Trần Trọng Hanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Kiến trúc quy hoạch (Bộ Xây dựng) cho rằng, mấy chục năm sau nhìn lại, những chủ đầu tư, DN tham gia kiến tạo đã bỏ biết bao nhiêu thời gian, công sức, tiền bạc không chỉ khai thác thành công “vùng đầm lầy bị lãng quên” mà còn góp phần hình thành nên bộ mặt đô thị mới, trở thành thương hiệu biểu trưng cho lối sống văn minh, chứa đựng các giá trị về văn hóa, tinh thần cộng đồng dân cư phát triển hài hòa, tạo không gian mở cho tất cả người dân thành phố.
Và, giờ đây người ta gọi việc xây dựng lên những khu đô thị kiểu mới này là công cuộc kiến tạo của trái tim, của sự can trường, nhiệt huyết bừng cháy để lại cho thế hệ sau không chỉ là những ngôi nhà, khu đô thị với những khối bê tông, sắt thép lừng lững mà là cả một khu đô thị văn minh, văn hóa cộng đồng đáng sống.