Làm cách nào để tăng trưởng cao, tăng trưởng nhanh nhưng bền vững?
Xuất nhập khẩu… kéo lùi tăng trưởng | |
Chỉ số PMI tăng lên cao nhất 3 tháng trong tháng 12 | |
Nỗ lực cao nhất thực hiện nhiệm vụ |
Năm 2017, kinh tế Việt Nam bứt phá thành công với tốc độ tăng trưởng cao và lạm phát thấp. Nhưng triển vọng của năm 2018 sẽ ra sao, mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2018 có khả thi và đâu là động lực cho tăng trưởng 2018, những nền tảng tăng trưởng ở năm 2017 có tiếp tục là động lực cho 2018?
Kinh nghiệm của thế giới (điển hình là Thổ Nhĩ Kỳ) cho thấy, nếu theo đuổi tăng trưởng cao, tăng trưởng nhanh bằng cách mở rộng tài khóa và tiền tệ sẽ dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng. Vậy Việt Nam sẽ dựa vào đâu để có được tốc độ tăng trưởng cao, tăng trưởng nhanh nhưng bền vững và không đánh đổi bằng bất ổn vĩ mô…
Đây sẽ là những vấn đề được đưa ra tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế trung ương tổ chức vào hai ngày 11 và 12/1/2018. Tại Diễn đàn sẽ có hội thảo kinh tế vĩ mô với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam năm 2017 và triển vọng năm 2018: Hướng tới phát triển nhanh và bền vững” với 3 phiên thảo luận và sẽ có Đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề “Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của Việt Nam – Những thách thức và động lực mới”.
Đặc biệt, Diễn đàn kinh tế 2018 sẽ bàn luận về những vấn đề rất vĩ mô vừa trao đổi về những vấn đề rất cụ thể và đưa ra những thông điệp chính sách trong đối thoại chính sách cấp cao. Các hội thảo và các phiên thảo luận đều được thiết kế theo hướng mỗi vấn đề đều được bình luận và thảo luận đa chiều giữa các chuyên gia, các nhà kinh tế và các nhà khoa học trong nước và nước ngoài đại diện của bộ ngành.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chủ trì thảo luận tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017 |
Cụ thể, phiên 1 sẽ thảo luận về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và một số khuyến nghị liên quan đến lộ trình phát triển kinh tế bền vững trung hạn cho Việt Nam. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và việc thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng sớm bị xoá bỏ ảnh hưởng như thế nào tới thu chi ngân sách? Mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2018 có khả thi? Đâu là động lực chính cho tăng trưởng năm 2018? Quan điểm của các doanh nghiệp về triển vọng môi trường kinh tế vĩ mô Việt Nam...
“Chúng ta vẫn đang loay hoay để thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ và tìm mô hình tăng trưởng mới. Việt Nam sẽ còn được lợi thế gì khi cơ cấu dân số vàng sẽ trôi qua? Và trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ập đến Việt Nam nên chọn phát triển những ngành nghề nào để thúc đẩy nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo để đạt được tăng trưởng bền vững?”, TS. Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp (Ban Kinh tế trung ương) nêu vấn đề. Đây cũng chính là nội dung thảo luận của phiên 2.
Phiên 2 cũng sẽ bàn đến vấn đề thúc đẩy khu vực tư nhân trở thành một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, thu hút FDI có chọn lọc nhằm hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Phiên thứ 3 sẽ có các hội thảo chuyên đề về Công nghệ - Năng lượng xanh và phát triển kinh tế bền vững; Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa; Cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách quản trị rủi ro tín dụng trong thương mại và đầu tư.
Các hội thảo chuyên đề sẽ thảo luận về thực trạng phát triển lĩnh vực năng lượng Việt Nam: Lựa chọn nào cho Việt Nam: Than đá - Năng lượng tái tạo? Thảo luận về động lực của tăng trưởng và tầm quan trọng của cải cách năng suất. Làm thế nào để chuyển dịch từ tăng trưởng dựa trên tài nguyên sang tăng trưởng dựa trên năng suất và sáng tạo? Liệu Việt Nam có thể tránh bẫy thu nhập trung bình? Các cải cách chính sách để thúc đẩy tăng trưởng năng suất: Những gì đã đạt được và những gì cần phải làm trong trung và dài hạn.
Tham gia các hội thảo có TS.Nguyễn Văn Bình – Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông John Kerry, Cựu Ngoại trưởng Mỹ - Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn,Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam; ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Thành viên Nhóm tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; TS.Hiroaki Yashiro, Cựu Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, chuyên gia JICA; ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam; GS. Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia GRIPS, Nhật Bản và các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước.
Điểm nhấn và sự khác biệt lớn của Diễn đàn là có Phiên đối thoại chính sách cấp cao. Phiên đối thoại có sự tham dự đại diện của Đảng, đại diện Quốc hội, đại diện Chính phủ, đại diện địa phương bằng sự tham dự của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân…
Thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sao cho bền vững cũng là những trăn trở đang được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quyết tâm thực hiện. Diễn đàn sẽ cung cấp thêm chất liệu để Ban Kinh tế hoàn thiện Đề án tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và trình Bộ Chính trị vào khoảng cuối quý I năm 2018.