Xuất nhập khẩu… kéo lùi tăng trưởng
Hiệu quả của nền kinh tế ngày càng cải thiện | |
Logistics Việt: Chậm một bước, thua đường dài | |
Sacombank triển khai nộp thuế xuất nhập khẩu cho DN |
Năm 2017, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng đặc biệt ấn tượng. Lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước vượt 400 tỷ USD.
Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa là 424,87 tỷ USD và xuất nhập khẩu dịch vụ là 20,1 tỷ USD. Với kết quả này, tỷ lệ giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ so với GDP lên tới trên 200%, từ mức khoảng 180% của năm 2016. Điều đó cho thấy độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là khá lớn.
Ảnh minh họa? |
Tuy nhiên, khi bóc tách chi tiết hơn thì thấy rằng, xuất khẩu mặc dù tăng trưởng khá tốt, nhưng để có sản phẩm xuất khẩu thì Việt Nam vẫn phải nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên nhiên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Tổng cục Thống kê tính toán, theo số liệu ước tính năm 2017, tỷ lệ nhập khẩu tư liệu sản xuất lên đến 91,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó máy móc thiết bị là 43,2% và nguyên nhiên vật liệu là 48,2%.
Tìm hiểu nguyên nhân, có thể thấy chi phí nhân công rẻ là một trong những điều kiện quan trọng khiến nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu ở khâu lắp ráp, gia công cần nhiều nhân lực. Thực tế cho thấy nguồn vốn FDI giải ngân trong vòng 3 năm trở lại đây tăng trưởng rất ấn tượng, lần lượt là 14,5 tỷ USD, 15,8 tỷ USD, và 17,5 tỷ USD, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Với xu hướng trên, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khối DN FDI cũng gia tăng, năm 2015 ở mức 70,9% thì năm 2016 là 71,6% và năm 2017 khoảng 72,6%. Tuy nhiên đi theo tiến trình đó, nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi về tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhưng giá trị gia tăng về mặt kinh tế thu được từ hoạt động gia công, lắp ráp không cao, theo nhìn nhận của ông Dương Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê).
Tạo ra giá trị gia tăng thấp, xuất khẩu lại phụ thuộc nhập khẩu, kết quả là đóng góp vào tăng trưởng của hoạt động xuất nhập khẩu còn rất hạn chế. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ năm 2017 vẫn ở tình trạng nhập siêu. Kết quả là làm giảm 2,01 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
Trái với tình trạng trên, thị trường trong nước lại đang là động lực quan trọng của tăng trưởng. Cũng theo Tổng cục Thống kê cho biết trong năm 2017 vừa qua, tiêu dùng cuối cùng chiếm 74,51% GDP và tăng 7,35% so với năm 2016, đóng góp 5,52 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung, trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 5,04 điểm phần trăm. Có thể nói đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Trong dài hạn, thị trường trong nước ngày càng quan trọng và quyết định cho tăng trưởng, thị trường xuất khẩu sẽ ngày càng khó khăn hơn bởi các chính sách bảo hộ của các nước ngày càng chặt chẽ”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
Cũng theo người đứng đầu Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có tiềm năng lớn và sức hấp dẫn về thị trường bán lẻ. Thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, dân số đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 60% tiêu dùng trẻ. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển thị trường trong nước.
“Chính phủ cần có các chính sách đẩy mạnh tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư, vừa có tác dụng lớn đối với tăng trưởng kinh tế, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”, ông Lâm khuyến nghị.