Lần lữa thoái vốn
Quay lại kiểm soát doanh nghiệp: Thách thức với tiến trình thoái vốn Nhà nước | |
Cổ phần hóa chỉ đạt 95% kế hoạch, thoái vốn Nhà nước được 5% | |
Thoái vốn nhà nước: Bỏ chung một rổ, vàng thau lẫn lộn |
Chôn nguồn lực trước mắt
Danh mục thoái vốn nhà nước trong năm 2016 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa được công bố đã khiến không ít NĐT thất vọng. Trong năm nay, SCIC dự kiến sẽ bán vốn tại 120 DN trên tổng số 197 DN mà đơn vị này đang đại diện phần vốn, tính đến thời điểm 31/12/2015. Điều đáng nói là trong danh mục 10 DN lớn mà Chính phủ yêu cầu SCIC xây dựng lộ trình thoái vốn trong năm 2016 thì chỉ có 2 DN được chọn là Tập đoàn FPT và Công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang.
Cơ quan quản lý vốn không chịu nhả “gà đẻ trứng vàng” |
Trước đó, hồi tháng 10/2015, SCIC đã công bố sẽ thoái vốn toàn bộ tại 10 DN cỡ “khủng” nêu trên, trong đó có những cái tên được thị trường đánh giá là “hot” như CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Bảo hiểm Bảo Minh (BMC), FPT Telecom, Nhựa Tiền Phong (NTP), Nhựa Bình Minh (BMP)… Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng vào thời điểm đó, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá kế hoạch thoái vốn đã không còn đạt được thời điểm tối ưu, đồng thời hối thúc “SCIC không nên để lỡ thêm cơ hội”.
Tuy nhiên, động thái vừa qua của SCIC cho thấy cơ quan này lại tiếp tục phớt lờ các cảnh báo. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, việc kiên quyết “ôm chặt” vốn nhà nước của cơ quan đại diện vốn tại DN, trong trường hợp này, không chỉ thể hiện sự “chây ì” trước chỉ đạo mạnh tay thoái vốn của Chính phủ, mà còn kìm hãm một nguồn lực quan trọng đối với nền kinh tế, chặn dòng động lực phát triển.
Bởi trong bối cảnh ngân sách Nhà nước đang đau đầu với bài toán thâm hụt, khi thu có khả năng không đủ bù chi, thì mạnh tay thoái vốn nhà nước khỏi các DN lớn đang được đánh giá là một trong số ít phương án tối ưu để huy động tiền vào “nồi cơm chung”. Cần nhắc lại rằng, ước tính giá trị thoái vốn tại 10 DN lớn nêu trên có thể lên tới 3,5 tỷ USD.
Đó cũng là quan điểm của TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. Ông Kiên cho rằng, chính việc không thoái được vốn từ các DNNN để dồn tiền đó vào thực hiện quá trình đầu tư phát triển nền kinh tế đã làm kìm hãm tốc độ phát triển. Ông cũng nhấn mạnh, đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá rằng: “Nền kinh tế Việt Nam phát triển dưới tiềm năng”.
Ông Kiên phân tích, cơ cấu nền kinh tế mà hiện nay chúng ta đang tiến hành sắp xếp lại, trước mắt vẫn tăng trưởng dựa vào đầu tư. Tuy nhiên đến nay chi ngân sách lại bị vướng ở trần nợ công đã sát ngưỡng 65% GDP, trong khi nguồn tiền để trả nợ, và đảo nợ, ngày càng lớn. “Chính vì vướng ở đó, trong khi chúng ta lại không tạo được nguồn lực đầu tư mới, cho nên nền kinh tế không thể bứt phá được”, ông Kiên khuyến cáo.
Triệt tiêu động lực lâu dài
Dù tiến trình thoái vốn nhà nước khỏi các lĩnh vực trọng yếu là không thể đảo ngược, song thực tế đã chứng minh là… có thể trì hoãn. Nhìn rộng ra thì tâm lý muốn nắm giữ cổ phần nhà nước vẫn rất phổ biến ở các bộ chủ quản hay cơ quan quản lý vốn nhà nước. Có thể hiểu được lý do khiến các cơ quan này không chịu buông những “con gà đẻ trứng vàng”.
Bởi chỉ tính riêng số tiền thu về từ cổ tức, các DN này mỗi năm mang lại cho cơ quan đại diện vốn hàng nghìn tỷ đồng. Như SCIC trong năm 2015 đã nhận về hơn 5.000 tỷ đồng cổ tức, tăng 40% so với năm 2014. Trong đó, riêng Vinamilk đã mang về cho SCIC hơn 50% số cổ tức này. Các DN mang về nguồn cổ tức lớn còn có FPT Telecom, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong…
Chưa dừng lại đó, năm 2016 với triển vọng kinh doanh hứa hẹn, các DN lớn này cũng tiếp tục lên kế hoạch chi trả cổ tức khủng bằng tiền mặt. Cụ thể, Vinamilk, dự định trả cổ tức bằng tiền cao kỷ lục lên tới 60%, Nhựa Bình Minh bằng tiền tỷ lệ 45%, Nhựa Tiền Phong trả cổ tức 25%, FPT Telecom cổ tức bằng tiền 20% và 10% bằng cổ phiếu…
Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, sự cố thủ của cơ quan quản lý vốn nhà nước trong thời điểm hiện tại là dễ hiểu, song khó chấp nhận. Bởi trong mô hình quản trị hiện đại, Nhà nước chỉ đóng vai trò phù hợp nhất là khi ít can thiệp vào thị trường nhất. Song trên thực tế vai trò của cơ quan quản lý vốn trong quá trình xây dựng và phát triển chiến lược DN lại rất mờ nhạt. Hay nói một cách thẳng thắn, các cơ quan này chỉ là người “địa chủ” thời kỳ mới, tức là cho vay vốn và thu cổ tức, chứ không quan tâm đến việc kết cấu của cả nền kinh tế.
Mặt khác, dù cơ quan quản lý nhà nước lạc quan rằng các DN lớn là “của để dành” và bán ra lúc nào cũng đắt hàng, song các chuyên gia lại khuyến cáo chất lượng “món hàng” có thể thay đổi và NĐT không thể kiên nhẫn chờ đợi mãi. Sự lừng khừng thoái vốn của cơ quan quản lý vốn cũng ít nhiều khiến chính các DN “hụt hẫng” và khó xây dựng chiến lược phát triển lâu dài. Như Vinamilk vừa qua để chuẩn bị cho lộ trình này đã bỏ giới hạn room ngoại, thực hiện các cuộc tiếp xúc NĐT ở nước ngoài…
Một chuyên gia phân tích của CTCP Quản lý quỹ IPAAM, thuộc CTCK VnDirect khẳng định, việc Nhà nước đẩy mạnh cổ phần hoá là điều NĐT mong đợi. Tuy nhiên cùng với lượng cung tăng nhiều hơn thì đòi hỏi những mặt hàng đưa ra cũng phải chất lượng hơn nữa, nếu không sẽ chỉ dừng lại ở việc tư hữu hoá DN. Bởi mục tiêu cuối cùng của cổ phần hóa là phải thay đổi cơ cấu vốn để thay đổi phương thức quản trị DN. Vị này cũng khẳng định, hiện nay NĐT nước ngoài vẫn chờ đợi mặt hàng có chất lượng cao để dốc vốn lớn. Cụ thể là họ chờ đợi để tham gia vào những ngành nghề có tính chất quyết định, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.