Lo không đạt mục tiêu bãi bỏ 50% số điều kiện kinh doanh
Nâng cao sức cạnh tranh của DN | |
Sẽ loại bỏ những giấy phép trái quy luật kinh tế thị trường? | |
Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu |
Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ là phiên bản thứ 5 của chuỗi Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh. Nghị quyết đặt mục tiêu trong năm, các chỉ số môi trường kinh doanh cần được cải thiện thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp.
Sức hút của Hội nghị Triển khai Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 24/5/2018 |
Để đạt mục tiêu của Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP, phải hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh, giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý Nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm, giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25-27% hiện nay xuống còn dưới 10%. Đến hết năm, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.
Trong quý I/2018, có 738 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) được tuyên bố bãi bỏ và đơn giản hóa. Trong đó, số ĐKKD được tuyên bố sẽ cắt bỏ và đơn giản hóa của Bộ Công Thương là 675 ĐKKD, Bộ Thông tin và truyền thông là 52 ĐKKD, số sửa đổi là 27.
Nhưng, kết quả đạt được còn cách khá xa so với mục tiêu "trung bình ASEAN 4" về môi trường kinh doanh. Số ĐKKD thực sự được bãi bỏ còn thấp so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 50% số ĐKKD hiện hành. Số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành chưa giảm đáng kể so với mục tiêu giảm ít nhất 1/2 danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Đã vậy vẫn còn tình trạng có Bộ "bỏ 1 thêm 10".
Đây là những lo ngại được nêu lên tại Hội nghị “Triển khai Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh” vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với cơ quan chuyên môn của USAID tổ chức sáng 24/5/2018.
Trước thực trạng này, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM tỏ ra khá nóng ruột, liệu các bộ có kịp trình để ban hành Nghị định về bãi bỏ, sửa đổi ĐKKD trước ngày 31/10/2018. Một điều nữa khiến TS.Nguyễn Đình Cung lo ngại không đạt mục tiêu mà Nghị quyết 19 đặt ra là “Chính phủ muốn cải cách chưa chắc đã đạt được vì cải cách còn phụ thuộc vào các luật liên quan. Mà với cách làm luật như hiện nay, chất lượng luật và nghị định rất đáng lo ngại”.
Nhìn lại năm 2017, nhờ những cải cách mạnh mẽ, môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể và việc bãi bỏ các ĐKKD bất hợp lý được thúc đẩy mạnh mẽ đã khơi dậy niềm tin trong DN, niềm tin của cộng đồng và nhà đầu tư, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên cải cách vẫn còn không đồng đều, vẫn còn chỗ lạnh chỗ nóng và tình trạng này hiện nay vẫn đang hiển hiện rõ.
Nghị quyết 19 đã đi vào cuộc sống được hơn 4 năm nay, nhưng qua thực tế triển khai, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính chưa được cắt giảm triệt để, tạo nên phiền hà cho doanh nghiệp, người dân. “Vẫn còn có những doanh nghiệp vất vả, phải chạy ngược chạy xuôi để lo các thủ tục giấy tờ liên quan tới kiểm tra chuyên ngành, thông quan hàng hóa, kiểm dịch thực vật. Trên thực tế, tại một số bộ phận hành chính, thủ tục còn khá rườm rà gây khó khăn, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế của VCCI phát biểu. Và việc bãi bỏ ĐKKD thì “vẫn chạy theo con số và mang tính đối phó. Chuyển từ ĐKKD thành điều kiện kỹ thuật…”.
Hội nghị cho rằng, để cải cách thực sự đạt mục tiêu thì phải có sức ép và phải có giám sát việc thực hiện, người đứng đầu các bộ, các địa phương phải quyết liệt tạo sức ép để các cấp phải làm vì nếu không bị ép thì không ai muốn bỏ đi những quyền và lợi đang có.