Sẽ loại bỏ những giấy phép trái quy luật kinh tế thị trường?
Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch | |
Ban hành Luật quy hoạch là cần thiết và cấp bách | |
Luật Quy hoạch: Không thể có lợi ích nhóm |
Ngày 16/5/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 24 với việc cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Dự kiến dự án luật này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới đây.
Luật Quy hoạch sửa đổi ra đời sẽ bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ |
Đánh giá tác động của dự án luật này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại hiện nay sẽ loại bỏ những giấy phép trái quy luật của kinh tế thị trường là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh; đồng thời, để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch.
Đây cũng sẽ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả theo tinh thần tại Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết số 11-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Việc ban hành luật không làm phát sinh thủ tục hành chính vì một số lĩnh vực không tiếp tục quản lý bằng quy hoạch mà sẽ quản lý bằng điều kiện đầu tư, kinh doanh hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định. Ngoài ra, việc quy định vốn xây dựng quy hoạch thuộc vốn đầu tư công sẽ đảm bảo nguồn kinh phí cho lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch được sử dụng và quản lý một cách hợp lý và chặt chẽ.
Theo giải trình của Chính phủ, Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 (Luật Quy hoạch) điều chỉnh việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Và theo Phụ lục III Luật Quy hoạch, có 25 luật quy định liên quan đến quy hoạch cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo đồng bộ với Luật Quy hoạch.
Để Luật Quy hoạch sửa đổi khi ban hành có được hành lang pháp lý đồng bộ và phát huy hiệu quả như mục tiêu của luật, và có hiệu lực thi hành chậm nhất là ngày 1/1/2019, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung các bộ luật, luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến quy hoạch, bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch.
Qua rà soát, các Bộ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 27 bộ luật, luật, bao gồm: 25 luật theo Danh mục tại Phụ lục III Luật Quy hoạch, 1 luật do Bộ Y tế đề xuất bổ sung (Luật An toàn thực phẩm) và 1 luật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bổ sung (Luật Phòng, chống thiên tai). Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công và Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị có các nội dung sửa đổi liên quan đến quy hoạch.
Trước đó, tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã kết luận: bổ sung nội dung sửa đổi quy định về quy hoạch tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị vào Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch.
“Như vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại các luật nêu trên để có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019 là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021 – 2030”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Các ý kiến tại phiên họp cũng thống nhất cho rằng, Luật Quy hoạch sửa đổi ra đời nó sẽ bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân hoặc sửa đổi tên các quy hoạch ngành đảm bảo phù hợp với danh mục quy hoạch ngành quốc gia được quy định tại Phụ lục I của Luật Quy hoạch.
Việc ban hành luật này còn giúp đảm bảo duy trì các mục tiêu, yêu cầu về chính sách quản lý nhà nước của các ngành, tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật và có xem xét đến các yếu tố đặt thù của lĩnh vực. Đồng thời, đảm bảo đủ căn cứ pháp lý để bổ sung nguồn kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017 - 2020 cho công tác lập quy hoạch cho giai đoạn 2021 - 2030.