M&A và những toan tính
Nhộn nhịp gọi vốn cho kế hoạch M&A | |
M&A sẽ tạo nên thành công | |
M&A bất động sản thu hút nhà đầu tư ngoại |
Với việc thị trường chứng khoán ngày càng phát triển và thu hút được công chúng đầu tư, thì việc một DN mua lại cả một DN hoặc một phần DN khác có ngành sản xuất bổ trợ tương ứng sẽ giúp DN chủ động được nguyên liệu, tăng hiệu quả cho hoạt động chính, giúp DN thu được lợi nhuận lớn từ việc đầu tư này…
Thời gian qua, dư luận thị trường khá ồn ào với vụ CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) mua lại 25% vốn điều lệ CTCP Đầu tư và khoáng sản AMD Group (mã AMD) thông qua giao dịch trên sàn chứng khoán. Với thương vụ này, FLC Faros đã trở thành cổ đông lớn nhất của AMD và sau khi thông tin ROS mua AMD được công bố, cổ phiếu AMD đã tăng trần 8 phiên liên tiếp với thanh khoản tăng đột biến. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần cái lợi trước mắt có thể nhìn thấy.
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Tiến Đức, Chủ tịch HĐQT AMD - một trong những đơn vị được xem là ông lớn trong ngành khai thác đá tự nhiên với 2 nhà máy, 3 mỏ khai thác và chế tác đá tự nhiên tại Thanh Hóa, cho biết, ROS tham gia vào với tư cách cổ đông lớn của AMD làm cho quá trình hiện thực hóa các mục tiêu của AMD nhanh hơn, bền vững hơn. Bởi lẽ ROS hiện tại đang là đơn vị chủ đầu tư rất nhiều các công trình, dự án như bất động sản nghỉ dưỡng và thương mại cho FLC. ROS là nhà thầu thi công nên sự tham gia này giúp gia tăng chuỗi giá trị cho các sản phẩm của AMD. Các sản phẩm của AMD cũng sẽ được sử dụng nhiều hơn trong các công trình của FLC.
“Hơn nữa với việc có sự tham gia sâu của FLC vào quản lý và điều hành thì cũng giúp cho việc quản trị và điều hành của AMD hiệu quả hơn. Đặc biệt, FLC cũng có đội ngũ mạng lưới khách hàng về đầu tư bất động sản rất lớn. Đó chính là những khách hàng tiềm năng của AMD. Chính điều này giúp cho sản phẩm đá trở nên gần gũi hơn với người tiêu dùng và giúp cho việc thực hiện sứ mệnh mang vẻ đẹp đá tự nhiên với mỗi gia đình Việt gần hơn”, ông Đức nói.
Về phần mình, ông Đỗ Như Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT ROS cho biết, là đơn vị triển khai đầu tư, thi công nhiều dự án có giá trị lớn như quần thể sân golf, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình; quần thể sân golf, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Hạ Long; FLC Grand Hotel Sầm Sơn; FLC Lux City Sầm Sơn (thuộc giai đoạn 2 - dự án khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn)… Ngoài ra, ROS còn là chủ đầu tư của nhiều dự án như Học viện Golf FLC Quy Nhơn, Tổ hợp khách sạn 5 sao - trung tâm thương mại và nhà ở FLC Sea Tower Quy Nhơn, công viên động vật hoang dã Quy Nhơn… nên hàng năm sử dụng rất nhiều đá trang trí.
Lý do ROS quyết định đầu tư 25% vào AMD xuất phát từ việc trước đây toàn bộ các dự án ROS thi công hàng năm phải nhập rất nhiều mét vuông đá để hoàn thiện các công trình. Tuy nhiên, nhược điểm của đá nhập khẩu ngoài giá thành cao thì thời gian nhập rất lâu, thứ nữa là độ mài mòn và độ thấm nước rất cao nên chưa đạt được như kỳ vọng. Trong khi đá của AMD được thử nghiệm và khai thác có tiềm năng rất lớn về chất lượng, độ thẩm mỹ và giá thành… Chính vì thế ROS đầu tư 25% để chủ động hơn nguồn nguyên liệu cho thi công. Ngoài ra khi đầu tư vào AMD, bản thân sản phẩm được khai thác với công nghệ rất hiện đại nên ngoài việc giúp ROS đạt tiến độ thì với chất lượng đá AMD có độ bóng cao, độ cứng tốt và thẩm mỹ tốt thì việc đầu tư này ngoài giúp giảm giá thành công trình còn làm tăng thẩm mỹ, chất lượng các dự án mà ROS thi công.
“Ngoài ra, với chất lượng sản phẩm hiện hữu như hiện nay, chắc chắn sản phẩm đá AMD sẽ chiếm lĩnh thị trường và lượng nhập khẩu sẽ ít đi. Khi đó, lợi nhuận từ doanh thu sẽ cao, điều này không chỉ mang về lợi nhuận lớn cho AMD mà ROS cũng hưởng lợi không nhỏ”, ông Tuấn tính toán.