Bức tranh kinh tế với những lưu ý
Bức tranh kinh tế dưới góc nhìn ADB | |
Bức tranh kinh tế dần sáng | |
Nhận diện bức tranh kinh tế 2016 |
Còn khoảng một tháng nữa Tổng cục Thống kê mới tính toán và công bố kết quả sơ lược về nền kinh tế quý III, nhưng xem ra triển vọng cho đến nay không được “sáng” như kỳ vọng. Nhiều khả năng, mức dự báo tăng trưởng GDP 6,14% của quý này, được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra cách đây ít lâu, có thể không cách xa so với thực tế.
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) là người theo sát nhất các diễn biến kinh tế thời gian này. Các cập nhật về tình hình sản xuất kinh doanh 8 tháng đầu năm khiến ông tỏ ra khá lo lắng. Bức tranh kinh tế hiện nay được cơ quan này vẽ ra với rất nhiều gam màu trầm.
Các nhân tố thuộc lĩnh vực dịch vụ có mức tăng trưởng khá, song không có khả năng tạo chuyển biến lớn |
Về nông nghiệp, kỳ vọng cải thiện sản lượng ở vụ mùa tại miền Bắc đã không đạt được. Ông Tuyến cho rằng, khả năng vụ Thu Đông ở miền Nam khó có thể bù đắp, nên nông nghiệp năm nay tiếp tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng suy giảm. Còn về công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 9,8% của cùng kỳ năm 2015, chủ yếu do ngành khai khoáng vẫn tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hơn cùng kỳ.
“Theo dõi diễn biến công nghiệp những tháng gần đây thì có xu hướng giảm tăng trưởng, không hiểu vì sao thời điểm cuối năm lại giảm đi như thế”, ông Tuyến nói.
Cầu sụt giảm có lẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng tác động đến các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian vừa qua. Kim ngạch xuất khẩu kéo dài xu hướng sụt giảm tăng trưởng, ước tính chỉ đạt 5-7% trong cả năm nay. Tiêu dùng trong nước cũng khá “bết bát”, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 7,3%, trong khi cùng kỳ năm 2015 tăng 9,2%.
Chính vì vậy, tình hình hoạt động của DN vì thế mà cũng không dễ dàng. Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng qua, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 14.924 DN, tăng tới 32,7% so với cùng kỳ năm trước; DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể 25.495 DN, giảm 8,3%; và số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 7.479 DN, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước (so sánh 2015/2014, DN giải thể giảm 1,2%).
Nhưng, cái băn khoăn nhất của ông Tuyến là chưa thấy “cửa” nào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm nay. “Thời gian còn lại của năm quá ngắn, khó tạo được chuyển biến”, ông thừa nhận.
Một số nhân tố tích cực được “điểm danh” thuộc lĩnh vực dịch vụ, gồm hoạt động ngân hàng và du lịch tăng trưởng đạt khá. Trong đó, du lịch quốc tế tăng mạnh tạo động lực lan tỏa sang các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, vận tải… Tuy nhiên, toàn bộ các hoạt động này chỉ chiếm vài phần trăm GDP, không có khả năng hình thành chuyển biến lớn. Riêng về đầu tư, hy vọng có thể đặt vào ít nhiều.
Các thống kê cho thấy đầu tư khu vực công đang khởi sắc trở lại, dự báo có thể hoàn thành kế hoạch giải ngân trong năm nay, thậm chí vượt. Đồng thời, giải ngân vốn FDI rất khá, 8 tháng ước tính đạt 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, đầu tư khu vực kinh tế tư nhân cũng khá tốt.
Tuy nhiên, cơ quan thống kê lưu ý: vốn đầu tư công chủ yếu đổ vào các dự án hạ tầng cơ sở, làm nền tảng cho tăng trưởng dài hạn. Riêng đầu tư FDI và tư nhân thì vào hoạt động sản xuất, có thể tạo ra chuyển biến đối với tăng trưởng. Tuy nhiên, để tạo ra kết quả cụ thể thì đầu tư lại cần một thời gian đủ dài.
Ông Tuyến cho biết: Tính theo phương pháp sử dụng, trong 6 tháng đầu năm thì tích lũy tài sản có chuyển biến tốt, dự báo cả năm sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng. Tổng đầu tư toàn xã hội năm nay ước tính vào khoảng 32% GDP. “Đầu tư sẽ thể hiện rất rõ trong kết quả tăng trưởng kinh tế năm nay, và cả trong dài hạn”, ông khẳng định.
Tuy nhiên, vấn đề còn ở chỗ sẽ tạo cú huých cho đầu tư thế nào? Với các DN FDI, DN tư nhân thì cơ chế tốt, môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, tạo ra nhiều cơ hội… là quan trọng, nhưng kết quả cải cách cho đến gần đây đang chậm thay đổi. Riêng với đầu tư công, khi mà vẫn còn tồn tại nhiều công trình vừa xây xong đã nứt, những nhà máy Chính phủ bảo lãnh vay nợ nhưng càng làm càng lỗ, thì đầu tư rất có thể sẽ để lại hệ lụy cho tương lai nền kinh tế.
“Nó cho thấy đầu tư là rất quan trọng, cần phải được quan tâm, giám sát…”, ông Tuyến nói thêm.