Mục tiêu lạm phát và những lựa chọn khó khăn
Cần kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ công để đảm bảo mục tiêu lạm phát | |
Mục tiêu lạm phát 4%: Nhiều thách thức gọi tên | |
Điều hành giá với mục tiêu lạm phát một con số |
Lạm phát trong năm 2017 được đánh giá khá tích cực, về cơ bản có thể đạt được mục tiêu đề ra 4%. Và chính sách tiền tệ có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát như mong muốn của Quốc hội, Chính phủ. Năm 2018, mục tiêu lạm phát nên đặt ra ở mức nào hợp lý để vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế vừa ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo giá trị tiền đồng. Phóng viên Thời báo Ngân hàng xin trích dẫn quan điểm của một số chuyên gia bàn luận về vấn đề này.
Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS. Võ Trí Thành: Phụ thuộc lựa chọn mục tiêu của Chính phủ
Thời điểm này rất khó để đưa ra chính xác con số lạm phát cho năm 2018 nhưng nó sẽ xoay quanh mức 4-5% như mục tiêu Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đặt ra. Vì sao việc dự báo lạm phát trở nên khó hơn là bởi tính bất định chính sách của nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước lớn. Chưa kể vấn đề địa chính trị đang rất căng thẳng và không thể lường hết được diễn biến như thế nào; rồi câu chuyện biến đổi khí hậu tác động không nhỏ đến kinh tế các nước.
Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong đó kiểm soát lạm phát luôn là mục tiêu số 1 trong điều hành CSTT |
Bên cạnh đó, đối với Việt Nam, áp lực về tỷ giá, lãi suất cũng không còn quá căng thẳng. Lý do, đồng USD của Mỹ vẫn đang giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác, hiện chỉ số đồng USD - index đang ở mức 90-92 điểm; đồng CNY tuy có lên giá nhưng chỉ theo danh nghĩa. Trong nước, một số giá cả dịch vụ công dù có nới lên nhưng chưa diễn ra trên diện rộng. Năm 2018 là năm mức độ giảm thuế khá mạnh cho nhiều DN FDI nhất là ASEAN+1 giảm áp lực tăng giá hàng hóa. Nếu với mức thuần tuý đó, một mình CSTT cũng có thể “quản” được lạm phát ở mức 4%. Nhưng như nói ở trên, mọi việc đều có thể xoay chiều nên chúng ta phải có kịch bản dự phòng cho rủi ro bất định do tác động kinh tế thế giới.
Yếu tố quan trọng nữa để tính toán mục tiêu lạm phát là Chính phủ lựa chọn cách thức điều hành nào, cải cách, ổn định hay tăng trưởng. Như năm nay, Chính phủ lựa chọn tăng trưởng theo cách mở rộng tín dụng, tăng cung tiền. Lựa chọn này đã tạo áp lực cho CSTT khi phải đẩy mạnh TTTD với nguy cơ nợ xấu mới phát sinh. Trong khi hệ thống NH đang cần nguồn lực tập trung xử lý nợ xấu, đẩy mạnh cải cách toàn diện.
Chính sự lựa chọn này cũng khiến cho dư địa ổn định kinh tế vĩ mô khó hơn, bởi hệ lụy cung tiền cao năm nay sẽ tạo áp lực lạm phát trong năm 2018. Về nguyên tắc nếu nới cung tiền thì có thể làm cho lãi suất giảm. Nhưng nếu để lạm phát tăng thì khi chúng ta muốn giảm cung tiền xuống sẽ rất khó. Bài học những năm trước đây khi thắt chặt cung tín dụng đột ngột khiến không ít DN lao đao. Nếu cứ để cái khó từ năm nọ dồn sang năm kia sẽ tạo xung đột lớn.
Vì vậy, để xác định được mục tiêu lạm phát ở mức nào phụ thuộc vào lựa chọn chính sách điều hành của Chính phủ tiếp tục tăng trưởng hay ổn định, cải cách.
Chuyên gia NH TS. Nguyễn Trí Hiếu: Có thể chấp nhận lạm phát ở mức 5%
Có thể nói, từ đầu năm đến nay, điều hành CSTT đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định tiền đồng, tỷ giá, thị trường vàng. Với diễn biến hiện tại, theo tôi có thể năm 2017 lạm phát được giữ mức 4%. Nhưng nếu tăng cung tiền thêm để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% như Chính phủ đang quyết tâm thực hiện thì chưa chắc con số lạm phát đã giữ được 4%. Hiện chúng ta đang lúng túng không biết nghiêng về phía nào, hoặc là kiểm soát lạm phát ở mức 4% hay là tăng trưởng kinh tế 6,7%. Để tránh xung đột giữa các mục tiêu như vậy, theo tôi, nếu sang năm Chính phủ vẫn muốn tăng trưởng kinh tế cao thì có thể lạm phát kiểm soát ở mức 5% là phù hợp để tạo dư địa điều chỉnh cho cơ quan thực thi chính sách.
Nhưng việc nâng mục tiêu lạm phát lên cũng sẽ là con dao hai lưỡi gây ra tác dụng phụ không mong muốn trong điều hành CSTT. Tác dụng phụ rõ nhất là áp lực lên lãi suất và tác động dây chuyền đến cả nền kinh tế. Để đảm bảo lãi suất thực dương cho khách hàng, NH lại phải nâng lãi suất huy động theo đó lãi suất cho vay cũng sẽ chịu áp lực tăng. Lãi suất cho vay tác động đến năng lực tài chính, khả năng hấp thụ vốn của DN ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Thế nhưng nền kinh tế Việt Nam chưa phải là nền kinh tế có tính ổn định một cách vững vàng, lại đang trong giai đoạn cần có sự tăng trưởng nhanh, nên phải chấp nhận tỷ lệ lạm phát cao như vậy. Vấn đề đặt ra làm sao với mức lạm phát cao hơn nhưng vẫn đảm bảo được lãi suất, tỷ giá ổn định, giúp các DN tiếp tục phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh là bài toán rất khó. Để làm được điều này, chính sách tài khóa và tiền tệ phải phối hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn hơn nữa. Hiện gánh nặng đặt lên vai NHNN khi phải thực hiện CSTT vừa lỏng vừa chặt, vừa phải đẩy tín dụng tăng, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ lạm phát. Nên NHNN luôn ở trong thế rất khó khăn. Đó là sự mất cân đối trong nền kinh tế khi CSTT và tài khóa không được thực hiện một cách song hành.
Thời gian tới, có lẽ không còn cách nào khác là chính sách tài khóa phải thắt chặt hơn nữa. Nhất là vốn ngân sách đầu tư vào các dự án lớn cần thận trọng hơn, giám sát chặt chẽ hơn, cần đẩy nhanh tiến độ tránh kéo dài thời gian, gây lãng phí, tạo gánh nặng cho Chính phủ và người dân. Trong trường hợp Chính phủ có điều chỉnh về mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì không nên dồn hết cho CSTT. Tránh tình trạng như trước đây, trong khi điều hành CSTT luôn chặt tay thì chính sách tài khóa lại tỏ ra khá lỏng tay nên dư địa chính sách tài khóa luôn ở mức cạn kiệt.
Giám đốc Trường Đào tạo nguồn nhân lực BIDV TS. Cấn Văn Lực: Áp lực lạm phát tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát
Năm 2018 áp lực lạm phát sẽ tăng lên nhiều hơn so với năm nay. Thứ nhất, giá cả trong nước và ngoài nước có xu hướng tăng trở lại, cả hàng hóa cơ bản lẫn xăng dầu. Thứ hai, Việt Nam vẫn trong lộ trình tiếp tục tăng một số mặt hàng cơ bản. Thứ ba cả năm 2017 cũng như kế hoạch năm 2018 lượng cung tiền tương đối lớn. Thứ tư, là khả năng năm tới đồng USD lại tăng giá quay trở lại. Năm nay USD đang mất giá nhưng khả năng đồng bạc xanh này tăng trở lại khá cao với hai lý do: đồng USD đã giảm khá mạnh trong thời gian vừa qua và năm tới những chính sách kinh tế mới của Donald Trump ngấm sâu hơn. Một số chính sách được thực thi và khả năng phục hồi kinh tế Mỹ nhìn chung còn rất tốt, cộng với việc FED tăng lãi suất cuối năm nay có thể kéo theo đồng USD tăng giá. Như vậy, vấn đề áp lực tỷ giá đẩy lên một chút cũng sẽ tác động lên lạm phát nhưng khả năng vẫn giữ ở mức 4-5%.
Tuy nhiên, theo tôi, sang năm 2018 cần xem xét lại cách tính chỉ số lạm phát bình quân. Nếu công bố và điều hành theo chỉ tiêu này theo tôi nhiều khi không sát so với thực tiễn. Chẳng hạn, hết 8 tháng, chỉ số lạm phát bình quân gần 4% nếu nhìn vào con số này chẳng ai dám tăng thêm gì. Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thống nhất Tổng cục Thống kê xem lại cách tính cũng như công bố lạm phát theo lạm phát bình quân, hay tháng 12 so với cùng kỳ. Với cách tính lạm phát tháng 12 so với cùng kỳ chúng ta sẽ thấy lạm phát biến động trong năm như thế nào. Dù là cách tính nào theo dự báo các tổ chức quốc tế đều cho rằng lạm phát của Việt Nam năm 2018 cao hơn năm nay.
Trước áp lực đó, theo tôi, điều hành CSTT chắc chắn phải để ý kỹ hơn tới lạm phát. Sang năm 2018, lãi suất, tỷ giá cố gắng giữ ở mức độ ổn định. Tỷ giá năm tới cũng có thể chấp nhận điều chỉnh 1-2% như năm nay. Về tín dụng, năm 2018 nên điều hành mức tăng trưởng thấp hơn so với năm nay. Bởi tín dụng tiếp tục tăng trưởng ở mức cao sẽ gây ra nhiều hệ lụy như áp lực lạm phát, nợ xấu tiềm ẩn... Khó khăn nữa nếu TTTD cao, mà vốn chủ sở hữu không tăng theo kịp sẽ khiến cho chỉ số CAR của NH ngày càng nhỏ bé. Thời điểm này, khả năng tăng vốn điều lệ của các NHTM đặc biệt là NHTM Nhà nước là không hề dễ dàng.
Nhưng dù tăng trưởng kinh tế đặt ra ở mức nào, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong đó kiểm soát lạm phát luôn là mục tiêu số 1 trong điều hành CSTT. Sau đó mới tính toán đến bài toán tăng trưởng và các cân đối vĩ mô khác. Chúng ta cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đi vào chiều sâu tập trung về chất chứ không chạy theo số lượng.