Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%: Động lực nhưng cũng áp lực
Tăng trưởng kinh tế: Cẩn trọng với các mục tiêu quá cao | |
Đẩy mạnh tiết kiệm kích thích tăng trưởng kinh tế |
Ông Hoàng Văn Cường |
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội 2017, trong đó chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, có ý kiến cho rằng khá cao, vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Nhìn vào con số 6,7%, nhiều ý kiến cho rằng đây là mục tiêu quá cao về tăng trưởng về lượng, có thể mâu thuẫn với chủ trương chúng ta đang phải thực hiện mục tiêu tái cơ cấu kinh tế (TCCKT) theo chiều sâu.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc này không quá lo ngại bởi lẽ chúng ta nhìn thấy rằng, tăng trưởng kinh tế của năm 2016 mặc dù không đạt 6,7%, chỉ đạt 6,5%, thậm chí có thể thấp hơn một chút nhưng cái quan trọng nhất chúng ta thấy là kết quả mang lại của nền kinh tế 2016 đã tốt hơn rất nhiều so với các năm trước đây.
Điều này tạo ra tiền đề tốt cho năm 2017. Và nếu 2017 chúng ta phấn đấu tốt hơn, nỗ lực hơn có thể đạt 6,7%. Nhưng giả sử không đạt thì vẫn phải duy trì ổn định vĩ mô như năm 2016. Như vậy, tôi cho rằng hai mục tiêu này không có gì là mâu thuẫn với nhau.
Hiện nay chúng ta đang dồn mọi nguồn lực cho TCCKT nhưng việc sử dụng đang bị lãng phí, trong khi đó tư nhân rất khó tiếp cận với nguồn lực này. Ông bình luận gì về vấn đề này?
Đúng là TCCKT đòi hỏi phải tái cơ cấu các nguồn lực đầu tư, không chỉ của Nhà nước mà là nguồn lực toàn xã hội. Làm thế nào để khai thác được nguồn lực trong dân và các nguồn lực khác để đưa vào đầu tư là bài toán khó.
Trong thời gian qua nguồn lực đầu tư từ NSNN đang lãng phí và không có hiệu quả, trong khi đó có những rào cản làm cho nguồn lực đầu tư từ xã hội chưa được khai thác hết. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội hết sức băn khoăn và bức xúc trên nghị trường…
Cơ cấu lại nền kinh tế hướng vào chất lượng sẽ là động lực phát triển |
Thời gian qua, rất nhiều bộ, ngành quan tâm và đã nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường tiết kiệm khi sử dụng các nguồn lực, song, hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Theo ông, nguyên nhân chính nằm ở đâu?
Như đã nói trên, việc các nguồn lực đang bị kìm hãm, chưa khai thác hết, nguyên nhân không chỉ ở nguồn lực NSNN, mà là các cơ chế chính sách làm sao để huy động được nguồn lực trong dân, DN, nhằm khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh cho phát triển kinh tế. Muốn làm được việc đó thì toàn bộ các vấn đề liên quan tới cơ chế, rào cản, môi trường đầu tư phải hết sức cởi mở, thuận lợi cho nhà đầu tư.
Chúng ta thấy, bản thân Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt ngay từ lúc nhậm chức đến nay là phải phấn đấu làm sao để xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Trong báo cáo của Chính phủ cũng có một câu là Thủ tướng đã thành lập một tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cấp, các ngành. Điều đó cho thấy rằng, việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ đang ở các đầu mối lãnh đạo bộ, ngành mà chưa lan tỏa được hết xuống tất cả bộ máy hành chính.
Chúng ta cũng biết là việc xây dựng được Chính phủ kiến tạo, phục vụ hay không thì không phải chỉ ở Thủ tướng, mà phải ở cả các công chức, viên chức, những người thi hành công vụ trực tiếp tiếp xúc làm việc với dân, DN.
Do trước đây, chúng ta duy trì quá lâu một cơ chế quản lý hành chính, nên tác phong, lề lối đã đi vào nếp của đội ngũ cán bộ cấp dưới. Muốn thay đổi điều này không thể nhanh được, nhưng nếu không thay đổi thì sẽ rất khó có thể khai thác được các nguồn lực đầu tư.
Một số ý kiến khác cũng phản ánh, nguồn lực của chúng ta rất nhiều, nhưng việc phân bổ nguồn lực thì vẫn có vấn đề. Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để TCCKT thành công?
Trong phân bổ nguồn lực lần này, tôi thấy có sự thay đổi về mặt tiêu chí rất rõ. Trước đây chúng ta rất nặng về cơ chế xin - cho, xin cho ở đây không phải chỉ từ ngân sách đầu tư của Nhà nước, mà xin - cho kể cả về việc tiếp cận nguồn lực để phát triển trong cơ chế đó.
Hiện nay, chủ trương là phải thay đổi tiêu chí sang phân bổ theo tín hiệu của thị trường. Có nghĩa là, ai là người khai thác nguồn lực đó hiệu quả nhất, ai là người có thể mang lại lợi ích nhiều nhất, thì sẽ được ưu tiên tiếp cận nguồn lực. Chính vì vậy, tôi cho rằng, cách phân bổ nguồn lực tới đây sẽ đưa ra các đường hướng, tiêu chí, giúp cho nhà đầu tư, DN được tiếp cận nguồn lực tốt hơn.
Do vậy, theo tôi, trong tái cơ cấu nền kinh tế lần này, vấn đề Chính phủ bỏ ra bao nhiêu tiền là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải thay đổi cơ chế quản lý để làm thế nào mở ra được hành lang cho DN, người dân đều có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn, tiếp cận nguồn lực.
Từ trước đến nay, ngay bản thân giữa các DNNN, tư nhân, nước ngoài... cũng còn duy trì những cơ chế tạo sự bất bình đẳng. Do đó, thời gian tới phải tháo gỡ những bất bình đẳng đó. Đây cũng là yếu tố mấu chốt để TCCKT thành công.
Xin cảm ơn ông!