Muôn vàn lý do tranh chấp trong chung cư
Hà Nội: Kiểm tra phòng cháy chữa cháy, an toàn điện tại chung cư | |
Ngăn chặn mua bán chung cư trái phép | |
Xử lý vướng mắc do không thỏa thuận được phí trông giữ xe tại chung cư |
TP. Hồ Chí Minh hiện có 1.367 nhà chung cư với 141.062 căn hộ (tăng gấp 2 lần so với năm 2009 và gấp 5,5 lần so với năm 1975), với tổng diện tích sàn xây dựng là 10.645.970 m2, diện tích bình quân căn hộ là 75 m2. Tỷ lệ căn hộ chung cư chiếm tỷ trọng 8,4% tổng số nhà ở trên địa bàn thành phố và đang có xu thế tăng mạnh trong quá trình đô thị hóa. Chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây, căn hộ chung cư chiếm tỷ trọng 24,6% tổng số nhà ở xây dựng mới (trong khi tỷ lệ này ở các giai đoạn trước đây chỉ chiếm từ 3-10%).
Ảnh minh họa |
Theo Hiệp Hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), tình hình tranh chấp tại các chung cư đang có biểu hiện gia tăng do xu thế phát triển ngày càng nhiều dự án chung cư và do các tầng lớp nhân dân đô thị đang có xu thế lựa chọn sinh sống tại căn hộ chung cư. Một thống kê mới đây cho thấy, toàn thành phố có khoảng 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó, có 9 chung cư có tranh chấp gay gắt, phức tạp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, có rất nhiều lý do dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra tại các dự án chung cư. Trước tiên phải kể đến tranh chấp về quỹ bảo trì nhà chung cư do một số chủ đầu tư, cư dân không đóng góp kinh phí bảo trì theo quy định của Luật Nhà ở 2005 hoặc chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị chung cư theo quy định của pháp luật.
Việc tranh chấp còn bắt nguồn từ việc giữa chủ đầu tư và Ban quản trị nhà chung cư bất đồng về việc đóng kinh phí vận hành nhà chung cư đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng; Tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân về mức thu kinh phí vận hành, quản lý nhà chung cư, về việc công khai việc thu chi trong công tác quản lý vận hành nhà chung cư...
Ngoài ra, một số chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư do muốn tự quản lý vận hành nhà chung cư, muốn quản lý sử dụng kinh phí bảo trì chung cư và khai thác kinh doanh phần diện tích thuộc sở hữu chung. Một vấn đề khá phổ biến dẫn đến nhiều mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và khách hàng thời gian gần đây chính là tranh chấp phần sở hữu chung trong chung cư như nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích có thể kinh doanh cho thuê... Về chất lượng xây dựng chung cư, chất lượng thiết bị, công trình phòng cháy chữa cháy cũng dấy lên nhiều lo ngại trong cư dân.
Nguy hiểm hơn còn có hiện tượng một số cá nhân ngoài xã hội tìm cách chui vào Ban quản trị chung cư để trục lợi cá nhân, làm thiệt hại đến lợi ích của cư dân, với thủ đoạn mua căn hộ nhỏ nhất, vận động để được bầu làm Trưởng ban quản trị, sau đó thực hiện hành vi trục lợi bất chính.
Tuy nhiên, nổi cộm nhất và dẫn đến nhiều vụ kiện tụng dai dẳng phải kể đến vấn đề chủ đầu tư dự án không bàn giao nhà đúng cam kết tiến độ, thậm chí không làm "sổ đỏ" kịp thời cho người mua nhà, cũng như kéo dài nhiều năm. Hay, một số chủ đầu tư đã thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp khiến cho người mua lâm vào cảnh thua thiệt, có nguy cơ mất trắng tài sản. Chính vì vậy, để hạn chế phần nào những mâu thuẫn tranh chấp xảy ra tại các chung cư, HoREA cho rằng, không chỉ cần có sự tham gia của nhiều cấp ngành quản lý, mà quan trọng nhất là phải có hành lang pháp lý, quy định cụ thể cho những vấn đề này.