Nâng cao nhận thức thời kỳ tài chính số
Ngân hàng số: Xu thế tất yếu của tương lai | |
Ngân hàng số vào cuộc cạnh tranh | |
Nỗ lực thúc đẩy công nghệ ngân hàng số |
Dịch vụ phát triển, nhận thức phải bắt kịp
Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, đặc biệt là công nghệ viễn thông di động, các kênh tài chính mới như các sản phẩm tài chính số (thông qua điện thoại di động, internet…) đang phát triển nhanh chóng, một mặt mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng nhưng mặt khác cũng có thể gây hại cho những người sử dụng có hiểu biết thấp về tài chính. Nếu thúc đẩy được hiểu biết về tài chính sẽ giúp tăng tiết kiệm của người dân. Đây là thông điệp của Hội nghị “Nâng cao nhận thức tài chính và bảo vệ người tiêu dùng” do NHNN, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Học viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI) tổ chức trong ngày 3 và 4/10/2017.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng dự và phát biểu tại hội nghị |
Tại hội nghị, bà Kanittha Tambunlertchai (Trường Đại học Chulalongkorn, Thái Lan) phát biểu: Dịch vụ tài chính trong khu vực ASEAN đã phát triển nhanh và khá tốt. Nhưng vẫn có đến 50% dân số trong khu vực (tức khoảng 264 triệu người) vẫn chưa sử dụng các dịch vụ NH và tỷ lệ người trưởng thành có nhận thức đầy đủ về tài chính còn rất thấp. Vì vậy, cần thúc đẩy nhận thức tài chính đối với người dân nhằm giúp họ sử dụng các kênh tài chính mới một cách hiệu quả, có lợi chứ không phải theo cách mà chúng có thể gây hại cho họ.
Theo nghiên cứu được tiến hành cuối năm 2016 tại Việt Nam và Caphuchia của ADBI cho thấy mức độ hiểu biết tài chính ở hai nước này tương đối thấp, thể hiện ở điểm số thấp trong cả kiến thức tài chính, hành vi tài chính và thái độ tài chính. Các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến nhận thức tài chính là thu nhập, khu vực sinh sống và giáo dục.
Hướng đến tài chính bao trùm
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN cho biết, so với các nước đang phát triển, Việt Nam hiện được đánh giá là nước có một số lợi thế nhất định trong triển khai tài chính bao trùm như nền tảng công nghệ thông tin, độ bao phủ trên diện rộng các dịch vụ kỹ thuật số, sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, sự hỗ trợ tích cực của các đối tác phát triển quốc tế… Tuy nhiên, để có thể triển khai thành công thì giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng (NTD) cần phải đi trước một bước như là những chủ đề ưu tiên.
“Việt Nam luôn coi việc nâng cao nhận thức tài chính và bảo vệ NTD là những thành tố căn bản trong Chiến lược Quốc gia về Tài chính Bao trùm sắp tới và là nền tảng quyết định sự thành công trong triển khai Chiến lược. Vừa qua, NHNN đã phối hợp cùng Đài truyền hình Việt Nam triển khai xây dựng và phát sóng chương trình hàng tuần “những đứa trẻ thông thái” chuyên về giáo dục tài chính dành cho lứa tuổi trẻ em. Cùng với sự hợp tác của một số đối tác quốc tế, Việt Nam cũng đang từng bước đưa giáo dục tài chính vào chương trình giảng dạy trong nhà trường”, Phó Thống đốc cho biết.
Dù đã có những thành công nhất định nhưng Việt Nam và các nước đang phát triển vẫn đang gặp nhiều thách thức như tỷ lệ người nghèo chưa tiếp cận được các nguồn tín dụng và dịch vụ tài chính chính thức còn cao; sự bất bình đẳng về giới, sự chênh lệch giàu nghèo và sự khác biệt trong phát triển giữa các vùng miền; …
Với thực tế đó, trên cương vị đại diện cho nước chủ nhà APEC 2017, để tiếp nối tiến trình và thúc đẩy hơn nữa hợp tác tài chính bao trùm giữa các nền kinh tế thành viên, trong thời gian qua NHNN - với vai trò là cơ quan chủ trì về tài chính bao trùm tại Việt Nam, đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế, các nền kinh tế thành viên APEC triển khai các nội dung hợp tác, trong đó có nội dung về giáo dục tài chính và bảo vệ NTD theo chủ đề chính là “Tài chính cho Phát triển Bền vững Nông nghiệp Nông thôn”. Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết: “Dự kiến 2 tuần tới trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 tổ chức tại tỉnh Quảng Nam của Việt Nam, tôi sẽ trực tiếp báo cáo lên các Bộ trưởng Tài chính APEC kết quả hợp tác APEC về lĩnh vực tài chính bao trùm”.
Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học NH - Học viện NH cho biết, hoạt động giáo dục tài chính tại Việt Nam hiện nay chủ yếu được khu vực tư nhân tiến hành. Trong đó, các NHTM, các NH nước ngoài, các tổ chức thẻ và gần đây là một số công ty tài chính đã tiến hành các chương trình về giáo dục tài chính cho các đối tượng từ các em nhỏ ở các trường tiểu học, trung học đến sinh viên các trường đại học. Tuy nhiên, các chương trình này thường là các khóa học ngắn, thiếu tính kết nối và liên tục, đối tượng được tiếp cận không nhiều và thường chỉ ở các địa bàn thành phố nên tác động lan tỏa chưa nhiều.
Điều này cũng có thể hiểu được bởi cho đến hiện nay, Việt Nam chưa có khung khổ cơ sở pháp lý để hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục tài chính cũng như không có chương trình và chính sách giáo dục tài chính quốc gia. Do đó theo PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, điều quan trọng nhất là cần xây dựng được một chiến lược đào tạo tài chính quốc gia trong đó xác định rõ hai mục tiêu nâng cao nhận thức tài chính và bảo vệ NTD. Chương trình kiến thức tài chính cần được đưa vào thành nội dung trong các trường học và trường đại học. Để đảm bảo hiệu quả đào tạo, NHNN và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp trong xác định chủ đề, nội dung, phương pháp giảng dạy, cách thức triển khai và sự kêu gọi sự vào cuộc mạnh hơn của khu vực tư nhân.