Ngân hàng có đủ vốn cho dự án hiệu quả
Ưu tiên tín dụng xanh, áp dụng công nghệ hiện đại | |
ĐBSCL: Gần 28.500 tỷ đồng cam kết cho vay 73 dự án | |
Khai mạc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long 2016 |
Trước một số ý kiến của doanh nghiệp liên quan tới tín dụng, tỷ giá, lãi suất, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong 3 năm qua, trong số 44 văn bản liên quan tới hoạt động tín dụng nông nghiệp, nông thôn mà NHNN ban hành hoặc NHNN tham mưu cho Chính phủ ban hành thì có tới 24 văn bản liên quan tới khu vực ĐBSCL. Điều đó cũng nói lên rằng, ĐBSCL được xem như vùng trọng tâm phát triển kinh tế nên phải tháo gỡ kịp thời.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Diễn đàn |
Vấn đề đầu tiên là giải quyết bài toán về vốn, hiện nay vốn huy động tại chỗ chỉ khoảng 80%, còn lại là từ địa phương khác và trung ương chuyển về. Rõ ràng nhu cầu vốn ở khu vực ĐBSCL là rất lớn. “Bài toán về vốn, về phía NHNN chúng tôi giải quyết tích cực và có thể khẳng định ngân hàng có đủ vốn cho dự án có hiệu quả”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Về lãi suất – vấn đề cũng đang được các doanh nghiệp rất quan tâm hiện nay, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đến nay mặt bằng lãi suất đã giảm một nửa so với 5 năm trước. Lãi suất đang được xem là phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Quốc hội đặt ra.
"Với quan điểm giảm lãi suất đầu ra nhưng không giảm lãi suất đầu vào để cân đối cho người gửi tiền. Điều đó đặt gánh nặng lên vai ngân hàng với việc phải tiếp tục tiết kiệm chi phí. Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng đã chỉ đạo các NHTM giảm 1% lãi suất, do đó, mặc dù khó khăn nhưng ngân hàng vẫn đặt ra giảm lãi suất cho doanh nghiệp", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Về thủ tục vay vốn, hiện các Ngân hàng thương mại cũng rất tích cực trong việc đơn giản hóa thủ tục để cạnh tranh thu hút khách hàng.
Riêng với ĐBSCL, thời gian qua NHNN đã chỉ đạo các NHTM ưu tiên vốn cho vay thu mua lương thực, thu mua cá, phát triển công nghiệp chế biến, cho vay theo chuỗi giá trị, tín dụng xanh... "Ngành Ngân hàng luôn đau đáu, bởi khu vực ĐBSCL mới chỉ có dư nợ gần 400.000 tỷ đồng, chưa tương xứng với vùng. Phải chăng do thiếu dự án, thiếu cơ chế chính sách để các ngân hàng đầu tư… mặc dù điều kiện thiên nhiên, đất đai ở đây màu mỡ thế", Phó Thống đốc cho biết.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 593 về liên kết vùng sẽ mở ra cơ hội trong thời gian tới với các tỉnh ĐBSCL. Cách đây 2 năm NHNN đã cho vay liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, tạo ra vùng sản xuất, từ nhà chế biến đến tiêu thụ. Với chương trình cho vay này, NH tạo ra dòng tiền tích cực hơn, hiệu quả hơn, dòng tiền tạo sự gắn kết, sự liên kết chặt chẽ.
“Tới đây, chúng tôi sẽ sơ kết 2 năm thực hiện chương trình cho vay thí điểm theo chuỗi liên kết tại khu vực ĐBSCL, rút kinh nghiệm, hoàn thiện thể chế, chính sách, để triển khai cho vay hiệu quả hơn trong thời gian tới”, Phó Thống đốc thông tin.