Người Việt không chuộng giày Việt
Da giày có nắm được thời cơ? | |
Da giày “quên” thị trường nội? | |
Lo da giày thất thế trên sân nhà |
Chỉ cần đến một trong những con đường chuyên kinh doanh thời trang như Nguyễn Trãi (quận 1 – quận 5, TP. Hồ Chí Minh) sẽ dễ dàng thấy hàng loạt shop giày dép túi xách thương hiệu ngoại từ bình dân đến cao cấp như Tomy, Nike, Adidas, Clarks, Dr. Martens, Converse…
Còn tại các chợ truyền thống Bến Thành, An Đông, Bình Tây, thì có đến 50% là hàng Trung Quốc, Thái Lan… với giá bán rẻ hơn hàng Việt Nam. Thật hiếm hoi mới tìm thấy ở đâu đó một cửa hàng giày dép mang thương hiệu Việt như Biti’s, Vina Giày…
Giày nội đang bị hàng ngoại lấn át |
Theo Hiệp hội Da, giày, túi xách Việt Nam, hiện nay có hơn 800 DN hoạt động trong lĩnh vực này, sản lượng đạt đến 1.172 triệu đôi giày-dép/năm. Về xuất khẩu giày dép, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Ý, theo thống kê năm 2015). Tuy nhiên, tại thị trường nội địa, sản phẩm giày dép Việt Nam lại chịu thua hoàn toàn ở mọi phân khúc.
Cụ thể, tại kênh phân phối là chợ truyền thống, có đến trên 80% giày dép xuất xứ từ Trung Quốc… Ở kênh shop thời trang là nơi tiêu thụ chính của giày dép thời trang tại thị trường nội thì có đến 90% là kinh doanh hàng ngoại nhập từ bình dân đến cao cấp.
Hệ thống cửa hàng tiện lợi Nhật Bản, Hàn Quốc thì hầu như chỉ bán giày dép của họ. Chỉ những siêu thị trong nước như Co.opmart, Vinatex, Sài Gòn, hay các cửa hàng đại lý của DN trong nước là kinh doanh lượng ít giày dép mang thương hiệu Việt như Biti’s, Hồng Thạnh, Thái Bình.
Đó là chưa kể do sức tiêu thụ yếu, nên nhiều đại lý của DN Việt Nam cũng bán kèm thêm hàng nhập khẩu. Chính điều này đã khiến cho thị phần nội địa của giày dép Việt Nam chỉ còn khoảng 40%.
Ông Trần Văn Khánh, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày TP. Hồ Chí Minh nhận định, mặc dù tổng số lượng DN ngành da giày cả nước rất lớn, nhưng đa số là vừa và nhỏ, chú trọng vào sản xuất hay gia công hàng xuất khẩu. Chỉ không quá 10% trong tổng số đó là DN lớn, có thương hiệu, đang đầu tư một phần cho thị trường nội địa.
Ngay cả người tiêu dùng cũng dễ dàng nhận thấy điều này khi trong danh sách “hàng Việt Nam chất lượng cao” chỉ có tên sản phẩm của vài DN từ năm này sang năm khác, như công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s), Công ty giày Thượng Đình, cơ sở giày Hồng Thạnh, DN tư nhân giày Á Châu – ASIA, Công ty cổ phần Giày Việt (VinaGiày), công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s…
Cũng không phải ngẫu nhiên mà hàng Việt Nam bị lép vế ở sân nhà, bởi ghi nhận từ thực tế cho thấy, những thương hiệu giày dép Việt Nam đạt chứng nhận kể trên vẫn chưa theo kịp xu hướng thời trang để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là giới trẻ, vốn là đối tượng chi tiêu cao vào trang phục.
Cụ thể như Biti’s, là thương hiệu giày dép có sản phẩm chất lượng cao thật sự (một đôi dép Biti’s thường sử dụng bền từ 2 – 3 năm), và từng có một thị phần tiêu thụ rộng khắp cả nước từ thành thị đến nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay nói đến Biti’s, người tiêu dùng chỉ chuộng độ bền, nhưng rất phàn nàn về mẫu mã ít, không đổi mới, có những mẫu giày dép trên 10 năm không thay đổi.
Chính vì vậy, mà nhiều đại lý của Biti’s hiện nay phải bán kèm hàng Trung Quốc. Bởi hàng Trung Quốc có rất nhiều mẫu mã, chất liệu, kiểu dáng, thậm chí cả màu sắc cũng đa dạng hơn, giá rẻ hơn, nên mặc dù chất lượng không tốt vẫn bán được hơn hàng Biti’s.
Ngay như thương hiệu VinaGiày đình đám của Việt Nam cũng bị giới trẻ “tẩy chay”. Từ màu sắc đến kiểu dáng, VinaGiày gần như chỉ dành cho giới nhân viên văn phòng và người lớn tuổi, giá bán lại không rẻ.
Hiện nay VinaGiày cũng đang phát triển mặt hàng túi xách thời trang chất liệu da thật 100%. Công bằng mà đánh giá, sản phẩm giày dép, túi xách của VinaGiày có chất lượng không thua hàng của những thương hiệu thời trang nước ngoài (Nine West, Donna Karan New York – DKNY…), giá bán rẻ hơn.
Thế nhưng cả giày và túi xách của VinaGiày không thu hút nhiều giới trẻ, vì giá cao mà mẫu mã ít, không bắt mắt, không cá tính. Người tiêu dùng sẵn sàng chi cao hơn để sở hữu một chiếc túi xách Nine West từ 2 triệu – 4 triệu đồng, chứ không chọn chiếc túi da cá sấu VinaGiày cùng tầm giá.
Tới đây, sản phẩm giày dép Việt sẽ phải đương đầu với làn sóng hàng ngoại nhập từ các nước trong khối ASEAN. Ngay trước mắt là Thái Lan với những “ông chủ” lớn đang nắm trong tay nhiều đại siêu thị rộng khắp Việt Nam, sẽ đủ sức khiến người Việt đi giày Thái như đã từng đưa hàng Thái vào nhà Việt.
Trong khi đó, trình độ công nghệ, nhân lực ngành da giày của DN nội vẫn còn hạn chế lại chịu vấn nạn hàng nhái, hàng giả, ngay khi rời xưởng. Vậy xem ra, con đường để giày dép Việt Nam đến chân người tiêu dùng Việt còn xa và lắm chông gai!