Nguồn cung nhiều nhưng không rẻ
Thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh: Cung tăng mạnh | |
Thị trường căn hộ loạn giá chênh | |
"Hâm nóng" thị trường căn hộ chung cư |
Mới đây, thị trường căn hộ chung cư liên tục cập nhật thông tin từ các chủ đầu tư Phú Mỹ Hưng, Hưng Thịnh, Novaland, Nam Long, Khang Điền... mở bán dự án mới thuộc các phân khúc từ bình dân đến trung, cao cấp.
Lượng cung hàng hóa, sản phẩm dồi dào, dư thừa, tuy nhiên không phải khách hàng, người có nhu cầu sở hữu nhà ở muốn mua có thể dễ dàng lựa chọn được. Bởi, lý do muôn thủa, giá nhà đất càng ngày càng cao, thậm chí gấp nhiều lần so với thu nhập của người dân và đang có chiều hướng tăng lên chứ không hề giảm sau một thời gian dài BĐS trầm lắng, dư cung.
Ảnh minh họa |
Thực tế, không ít người có nhu cầu mua nhà ở lầm tưởng và chờ đợi giá nhà sẽ xuống thấp vì nguồn cung mới tăng, lượng hàng cũ còn tồn đọng nhiều nên kỳ vọng chủ đầu tư sẽ giảm giá để thu hút người mua. Nhưng đó chỉ là suy đoán, còn theo khảo sát, đánh giá của nhiều công ty nghiên cứu thị trường, giá chung cư, căn hộ bán đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...
Theo báo cáo mới nhất của Công ty CBRE, chỉ riêng trong quý III/2016, thị trường TP. Hồ Chí Minh đã đón nhận hơn 8.000 căn hộ mới từ 23 dự án, trong đó có 13 dự án mới hoàn toàn và 10 dự án chào bán giai đoạn sau. Điều đáng chú ý, nguồn cung mới của phân khúc trung cấp chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 68%), tiếp theo là phân khúc cao cấp với 29% tổng nguồn cung mới.
Mặc dù có số lượng chào bán ít hơn so với quý trước, tuy nhiên số căn bán được trong quý này lại tăng 32%, đạt 7.811 căn, nhờ kết quả kinh doanh tốt từ đầu năm với hơn 4.000 căn hộ được tiêu thụ trong quý, chiếm hơn 50% tổng số lượng căn hộ bán được.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn nhận định, đóng góp nhiều nhất vào giao dịch thành công đến từ các dự án có chủ đầu tư có bề dày kinh nghiệm phát triển sản phẩm tại phân khúc trung cấp, với chiến lược bán hàng và phương thức thanh toán phù hợp, đồng thời đội ngũ bán hàng hùng hậu đã giúp tăng số lượng tiêu thụ.
Tuy nhiên về giá bán, quý III ghi nhận mức giá chào bán trung bình khoảng 30 – 40 triệu đồng/m2 (tương đương 1.500 - 2.000 USD/m2), tăng 2,1% so với quý trước và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2015. Sự thay đổi về giá được ghi nhận tại tất cả các phân khúc trong đó phân khúc trung cấp có mức tăng cao nhất là 7%. Về nguồn cung tương lai, trong 4 quý tiếp theo thị trường dự kiến sẽ có thêm 40.000 căn hộ được chào bán mới.
Theo Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (Horea), thị trường BĐS thời gian gần đây đã có dấu hiệu ổn định, ấm nóng trở lại, lượng cung sản phẩm ở các phân khúc dồi dào, giao dịch thành công cao. Mặc dù, hiện tượng đầu cơ thổi giá chưa xuất hiện nhưng tập trung ở một số dự án có vị trí đẹp, chủ đầu tư tên tuổi, sản phẩm chất lượng cao và đáp ứng được nhiều tiện ích đang duy trì mức giá bán tương đối so với mặt bằng chung, song vẫn có sức hút với đông đảo khách hàng và lượng tiêu thụ khá nhanh sau một thời gian ngắn mở bán.
Điều này cho thấy, nếu có chiến lược phù hợp, cung cầu sẽ vẫn gặp nhau, vấn đề là ở chỗ mỗi chủ đầu tư sẽ lựa chọn cho mình phân khúc phù hợp còn khách hàng thì lựa chọn sản phẩm có giá bán vừa với khả năng chi trả của mình.
Đồng thời, bên cạnh đó các chủ đầu tư hiện nay cũng rất khôn ngoan khi luôn đưa ra được chính sách bán hàng, tiến độ thanh toán cùng sự hỗ trợ kịp thời từ các NHTM để tạo động lực và củng cố thêm cho người mua hàng về khả năng tài chính. Vì vậy, dù việc mua nhà không dễ và giá nhà luôn cao hơn thu nhập nhưng vẫn có giải pháp phù hợp để thị trường vận động, phát triển theo quy luật của nó.
Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn thận trọng cảnh báo, lượng cung của thị trường BĐS nên duy trì ở mức cân đối, tập trung vào dòng sản phẩm đại đa số người dân có nhu cầu cao và nhất là mức giá cần tính toán phù hợp, cân đối lợi nhuận ở mức hợp lý, vừa phải, chứ không đẩy quá cao người mua sẽ khó sở hữu và câu chuyện hàng tồn, dư cung sẽ vẫn có thể lặp lại đối với thị trường này.