Nhà 100 triệu đồng là khả thi
Giá nhà Hà Nội giảm, TP.Hồ Chí Minh tăng | |
Mô hình nhà ở xã hội cần được nhân rộng |
Ảnh minh họa |
Câu chuyện nhà ở diện tích dưới 45m2 đã được DN BĐS tại TP. Hồ Chí Minh đề xuất từ chục năm trước, nhưng vấp phải rất nhiều rào cản. Đến nay, TP. Hồ Chí Minh lại muốn nghiên cứu phát triển loại hình nhà ở giá rẻ 100 triệu đồng để giải quyết chỗ ở ổn định cho người thu nhập thấp ở đô thị. Dưới góc nhìn của nhiều DN đã trực tiếp đầu tư vào mô hình căn hộ diện tích nhỏ, thì mô hình nhà giá rẻ này hoàn toàn có thể thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, vốn là DN tiên phong trong phát triển các dự án nhà ở diện tích nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh thời gian qua cho hay, từ 10 năm trước, Đất Lành đã nhìn thấy thị trường nhà ở sẽ tăng cao nhu cầu nhà ở diện tích dưới 45m2, một số khu căn hộ của Đất Lành (quận 12, TP. Hồ Chí Minh) đã có nhà diện tích từ 39m2 - 44 m2 đã tiêu thụ hết ngay từ khi xây thô.
Với thực tế đó, nếu thành phố đã có chủ trương thì việc hiện thực hóa nhà ở giá rẻ không khó. Cụ thể, về phía cơ quan chức năng thành phố cần xem căn hộ diện tích nhỏ (dưới 45m2) là loại hình nhà ở thương mại giá rẻ, cần có mô hình thí điểm với những khu vực thực hiện rõ ràng, có mức thuế, phí riêng và thủ tục hành chính nhanh gọn (với những quy định rõ ràng, thông thoáng).
Khi triển khai xây dựng dự án, DN cần được hỗ trợ chi phí thi công hạ tầng (cấp thoát nước, đấu nối điện… bởi những chi phí này, nếu do DN tự chịu sẽ làm tăng giá căn hộ).
Ngoài ra, những công trình phụ trợ khác, gồm những tiện ích cơ bản của khu dân cư như trạm xá, trường mầm non, khu vui chơi, khu sinh hoạt công cộng… cũng cần được hỗ trợ, thì DN mới đảm bảo được giá thành xây dựng khoảng 4 triệu đồng/m2, để có căn hộ 25m2 với 100 triệu đồng, xây theo chuẩn 5 tầng, không thang máy.
Quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư sẽ thiết kế mô hình căn hộ tiêu chuẩn để xây dựng hàng loạt lô nhà thấp tầng (chỉ 5 tầng), không thang máy, không tầng hầm, sử dụng vật liệu xây dựng thế hệ mới nhẹ, tiết kiệm. Tại những dự án căn hộ diện tích nhỏ này, DN xin phép xây dựng căn hộ 30m2 (với 20m2 sàn và 10m2 tầng lửng). Khi giao nhà cho khách, chỉ cần hoàn thiện 20m2 sàn.
Còn tầng lửng 10m2 bố trí sẵn không gian để chủ nhà tự làm thêm khi cần thiết bằng vật liệu nhẹ (gỗ, nhôm…). Về trách nhiệm, DN phải cam kết và bảo đảm chất lượng căn hộ, và trần phải cao 4m để chủ nhà lắp thêm tầng lửng (điều này được thể hiện ngay trong hợp đồng mua bán nhà).
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, Luật Nhà ở, Nghị định 100/2015/NĐ-CP đã cơ bản hình thành khung chính sách và cơ chế để phát triển nhà ở xã hội, nhưng vẫn còn phải tiếp tục hoàn thiện để thu hút mọi nguồn lực theo phương thức xã hội hóa.
Về nhu cầu, dân số TP. Hồ Chí Minh hiện nay 13 triệu người, trong đó hơn 500.000 hộ chưa có nhà ở. Mỗi năm, có thêm hơn 50.000 cặp kết hôn mới và đến 81.000 hộ cần nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, số lượng sinh viên tại thành phố khoảng 100.000 người và gần 3 triệu người nhập cư cần nhà ở.
Về nguồn cung, các ký túc xá, khu lưu trú công nhân chỉ giải quyết 13% chỗ ở, còn lại 87% nhu cầu chỗ ở là do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư các khu nhà trọ, phòng trọ, không đủ tiện ích, không đảm bảo an toàn, an ninh.
Hiện nay, với chính sách của Nhà nước và được UBND thành phố tạo điều kiện, các DN hoàn toàn có thể tham gia đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên, nhà lưu trú công nhân để đáp ứng nhu cầu rộng lớn và đa dạng này.
Hầu hết các DN BĐS thuộc HoREA đều ủng hộ chủ trương tăng đầu tư vào nhà ở diện tích nhỏ cho người thu nhập thấp vì nó phù hợp nhu cầu thị trường, xu hướng phát triển đô thị hiện đại, phù hợp túi tiền của một bộ phận người thu nhập thấp ở đô thị.