Những bất cập BOT
Chưa tăng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án BOT | |
Thủ tướng chỉ đạo không tăng giá điện, phí BOT |
Theo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), giai đoạn 2011-2015, bộ này đã huy động được gần 186,7 nghìn tỷ đồng để đầu tư 62 dự án, gồm 58 dự án BOT (tổng mức đầu tư trên 170 nghìn tỷ đồng), và 4 dự án BT (tổng mức đầu tư trên 16 nghìn tỷ đồng).
Trong đó, lĩnh vực đường bộ có 58 dự án, đường thủy nội địa 1 dự án, hàng hải có 2 dự án, và đào tạo có 1 dự án. Hiện nay, Bộ GTVT cũng đang triển khai đầu tư 36 dự án với tổng mức đầu tư gần 112 nghìn tỷ đồng.
Trạm thu phí Cao Bồ thuộc dự án BOT Cầu Giẽ - Ninh Bình |
Nhìn lại giai đoạn 5 năm vừa qua, có thể thấy mô hình đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao) và hình thức BT (xây dựng- chuyển giao) phát triển nhanh. Các dự án BOT, BT đã góp phần đáng kể thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông trên phạm vi cả nước. Song đi cùng với đó là vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, trong suốt quá trình huy động vốn, đầu tư, thu phí…
Chủ đầu tư có thể chỉ cần bỏ ra 10 - 15% vốn trên tổng đầu tư là có thể nhận ngay một dự án BOT về giao thông, đồng thời thu lời hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng trong thời gian thu phí cả chục năm. Mức “siêu lợi nhuận” ấy đã biến các dự án BOT về giao thông trở thành những “mỏ vàng” với các nhà đầu tư.
Đấy là chưa kể nhiều dự án BOT chủ đầu tư chỉ cần trải lại mặt đường trên cốt nền cũ và thu tiền như dự án BOT Lương Sơn - Hòa Bình; Bắc Ninh - Bắc Giang… Bên cạnh đó các suất đầu tư bị đẩy lên cao khiến thời gian hoàn vốn kéo dài, mật độ các trạm thu phí khá dầy gây bất tiện cho các phương tiện tham gia giao thông.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc CTCP Vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho rằng, BOT mang lại cho DN vận tải nhiều cơ hội lớn về cắt giảm thời gian lưu thông, đẩy nhanh tiến độ giao hàng... Nhưng đồng thời, DN vận tải cũng đang gặp nhiều gánh nặng do phí BOT quá cao.
“Trung bình 1 đầu xe khách của chúng tôi hiện đang mất 40 triệu đồng/tháng để trả phí BOT tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Con số này nhân với cả năm là quá lớn cho mỗi đầu xe. Khó khăn như vậy nhưng DN cũng không còn lựa chọn tuyến đường nào khác khi quốc lộ 5 do ngân sách Nhà nước đầu tư cũng bị chuyển giao cho nhà đầu tư BOT”.
Cũng nói về dự án này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trạm thu phí số 1, số 2 thuộc quốc lộ 5 phân bố không hợp lý, vì vậy vị này kiến nghị nên “giải tán”. “Không thể để chỉ cách một đoạn 25km mà tồn tại tới 2 trạm thu phí được”, ông bức xúc. Nhưng thậm chí, cung đường Hà Nội - Thái Bình 100km lại có tới 4 trạm thu phí.
“Tôi mong muốn và từng đề nghị rà soát lại các trạm thu phí. Phải có tổ công tác của Chính phủ rà soát lại hết, nếu làm “bậy” thì dỡ bỏ, “trị” nhà đầu tư. Dự án nào thổi giá lên thì xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin của nhân dân”, ông Thanh đề nghị.
Những phản ánh nêu trên của DN vận tải cũng là những vấn đề gây bức xúc dư luận thời gian qua. Thậm chí thực tế rà soát cho thấy, một số công trình BOT chất lượng còn thấp; cầu, đường có hiện tượng lún nứt, ảnh hưởng đến an toàn phương tiện, con người.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư năng lực hạn chế, nguồn vốn phụ thuộc chủ yếu vào ngân hàng; tính toán chưa chính xác chi phí, khối lượng các dự án BOT, làm tăng chi phí đầu vào, giảm sức cạnh tranh nền kinh tế. Ngoài ra, hệ thống cơ sở pháp lý trong huy động vốn còn nhiều bất cập, nhất là cơ chế quản lý, huy động vốn hỗn hợp…
Để giải quyết những bất cập nêu trên, Bộ GTVT khẳng định sẽ dừng đầu tư theo hình thức BOT đối với các tuyến quốc lộ hiện hữu, trừ khi nhận được sự đồng thuận sau tham vấn đối với các đối tượng sử dụng, tổ chức nghề nghiệp, HĐND các cấp khu vực dự án đi qua…
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dự án, Bộ GTVT sẽ quy định: Nhà đầu tư phải có bảo lãnh của ngân hàng về vốn chủ sở hữu huy động cho dự án; siết chặt công tác lựa chọn nhà thầu, tăng cường quản lý chất lượng, giá thành công trình cũng như kiểm soát doanh thu, quản lý thu phí.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng sẽ tiếp tục rà soát chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với tái cấu trúc ngành, tạo ra sự hài hòa giữa các loại hình vận tải; tăng cường giám sát các dự án BOT nhằm kiểm soát chặt chẽ, đúng quy trình về đầu tư xây dựng cơ bản trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa các lợi ích...