Ổn định hiện tại, quan ngại tương lai
Dồn sức để đạt tăng trưởng cả năm 6,7% | |
Còn nhiều dư địa để tăng trưởng, nhưng phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa | |
Sự bất thường của CPI |
“Để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay như trong năm 2016, cần tiếp tục giữ chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hợp lý như hiện nay, các NHTM cần phải nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ chủ trương ổn định lãi suất của Chính phủ”, Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG).
Tăng trưởng cả năm có thể đạt 6,5-6,7%
Rất khác với các dự báo cho rằng năm nay khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, UBGSTCQG vừa đưa ra dự báo: tăng trưởng 2 quý cuối năm 2017 đạt lần lượt là 6,9-7,2% và 7,3-7,5%, tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt khoảng 6,5-6,7% với điều kiện cả tổng cung và tổng cầu tiếp tục được cải thiện và hỗ trợ bởi chính sách và môi trường kinh doanh thuận lợi.
Tiến trình cổ phần hóa DNNN còn chậm có thể gây thất thoát, lãng phí nguồn lực và giảm động lực tăng trưởng kinh tế |
Báo cáo tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017 của UBGSTCQG cho biết, về tổng cung, phân rã tăng trưởng cho thấy, thành phần tăng trưởng xu thế đã liên tục cải thiện kể từ đầu năm 2013 đến nay và sẽ tiếp tục trong 2 quý cuối năm 2017. Ủy ban đưa ra dự báo xu thế này trên 3 căn cứ:
Một là dự báo giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tiếp tục được cải thiện trong những tháng cuối năm nhờ tăng sản lượng sản xuất điện thoại, qua đó tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo có khả năng đạt 12-13% trong năm 2017;
Hai là giá trị nhập khẩu máy móc thiết bị trong 6 tháng/2017 đã tăng 37,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2016 giảm 5,9%) cũng cho thấy năng lực sản xuất sẽ được cải thiện trong quý II/2017;
Ba là chỉ số PMI tháng 5 đạt 51,6 điểm và lên mức 52,5 điểm trong tháng 6 cho thấy các điều kiện kinh doanh tiếp tục cải thiện trong lĩnh vực sản xuất.
Với 3 yếu tố trên “kết hợp với việc tăng khai thác dầu thô thêm 1,5 triệu tấn (qua đó sẽ đóng góp khoảng 0,38% vào tăng trưởng bởi theo ước tính, tăng khai thác 1 triệu tấn dầu thô sẽ góp thêm 0,25% vào tăng trưởng) thì thành phần tăng trưởng do xu thế sẽ cải thiện mạnh trong 2 quý cuối năm”, Ủy ban nhận định.
Ủy ban cũng chỉ ra xu thế cải thiện về tổng cầu và xu thế này được dự báo cũng sẽ tiếp tục trong 2 quý cuối năm, nhất là cầu tiêu dùng, cầu đầu tư và chi tiêu Chính phủ khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) được đẩy nhanh.
UBGSTCQG nhận định, từ nay đến cuối năm, lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng giảm do giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống đang ổn định.
“Nếu không có sự đột biến về giá hàng hóa thế giới, cũng như chưa tính đến việc điều chỉnh giá dịch vụ công trong những tháng cuối năm thì lạm phát bình quân năm 2017 là 2,4%”, báo cáo của UBGSTCQG dự báo. Ước tính, trường hợp giá dịch vụ công được điều chỉnh tương đương với mức điều chỉnh bằng nửa của năm 2016 sẽ làm lạm phát tăng khoảng 1,8-2%. Còn nếu tỷ giá USD/VND tăng 1% sẽ làm lạm phát tăng 0,17%. Và giá điện nếu tăng 8-10% sẽ làm lạm phát tăng khoảng 0,3-0,4%.
Bên cạnh đó, tính đến 15/6/2017, giải ngân vốn đầu tư XDCB mới chỉ đạt 23% dự toán. Nếu nỗ lực đẩy mạnh giải ngân để hoàn thành nốt 77% dự toán trong nửa năm còn lại thì điều này có thể gây tác động nhất định tới sức hấp thụ nền kinh tế, tới lạm phát và có thể gây sức ép lên chính sách tiền tệ nếu kế hoạch không được hoàn thành.
Tiếp tục giữ chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hợp lý
UBGSTCQG nhận định lãi suất huy động có thể biến động mang tính cục bộ trong 6 tháng tới tại một số ngân hàng cân đối nguồn vốn để đáp ứng quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40% kể từ 1/1/2018. Tuy nhiên, việc ổn định lãi suất trong những tháng cuối năm vẫn có các yếu tố hỗ trợ từ phía trong và ngoài nước. Theo Ủy ban, áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn do lộ trình tăng lãi suất của Fed có thể dự báo được nên sức ảnh hưởng không nhiều. Cùng với đó là đồng USD đã giảm 5,1% và động thái điều hành tỷ giá chủ động của NHNN trong 6 tháng đầu năm 2017.
Bên cạnh đó, lạm phát nhiều khả năng đạt được kế hoạch của Quốc hội đề ra (trong mức 4%) và việc phát hành TPCP 6 tháng cuối năm chỉ còn hơn 30% kế hoạch, làm giảm áp lực lên lợi suất TPCP, tạo điều kiện hỗ trợ việc ổn định lãi suất. Nút thắt xử lý nợ xấu đã có cơ chế pháp lý thuận lợi khi Quốc hội vừa chính thức thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu của các TCTD, có hiệu lực ngay từ ngày 15/8/2017.
UBGSTCQG cho rằng, để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay như trong năm 2016, cần tiếp tục giữ chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hợp lý như hiện nay. Đồng thời, các NHTM sẽ phải nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ chủ trương ổn định lãi suất của Chính phủ.
Đề cập kỹ hơn đến yếu tố tỷ giá, UBGSTCQG cho biết, tính đến 20/6/2017, tỷ giá NHTM xoay quanh mức 22.726 đồng/USD, giảm 0,17% so với đầu năm. Tỷ giá thị trường tự do hiện bám khá sát với tỷ giá của các NHTM, giao dịch ở mức 22.735 đồng/USD, giảm 1,65% so với đầu năm. Tỷ giá trung tâm do NHNN công bố tăng khoảng 1,2%. Trong khi đó, đồng USD đã mất giá lên đến 5,1% và hầu hết các đồng tiền trong giỏ tiền tệ của Việt Nam đều tăng giá so với USD.
Theo tính toán của UBGSTCQG, tỷ giá thực hữu hiệu (REER) vẫn mất giá khoảng 2,7% so với đầu năm. Như vậy việc Fed tăng lãi suất hai lần trong 6 tháng đầu năm 2017 với những bước điều chỉnh nhỏ hiện chưa gây áp lực đối với tỷ giá. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017, vấn đề tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2017, nhập siêu đã ở mức 2,7 tỷ USD, chiếm 1,36% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. “Về dài hạn, với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của Fed trong các năm tiếp theo, tỷ giá có thể sẽ chịu áp lực. Cùng với xu hướng biến động khó lường đồng Nhân dân tệ và Yên Nhật sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam”, cơ quan này cảnh báo.
Tăng trưởng GDP hàng quý được phân rã thành 3 thành phần: (i) Tăng trưởng do xu thế; (ii) Tăng trưởng do chu kỳ; (iii) Nhiễu hay tăng trưởng do tác động của chính sách hoặc môi trường kinh tế thế giới. |