Phân chia lợi nhuận: Có tiền, chi cũng không dễ
Lợi nhuận ngân hàng 2017: Thận trọng không thừa | |
Lợi nhuận ngân hàng: Mảng phi tín dụng còn nhiều cơ hội | |
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng và những điểm nhấn |
Cổ đông đỡ tức vì cổ tức
Một trong những điểm nhấn trong bức tranh hoạt động NH năm 2016 là kết quả lợi nhuận khả quan. Đó cũng là lý do mà rất nhiều NH chia cổ tức bằng tiền mặt thay vì bằng cổ phiếu như những năm trước.
Nổi bật trong số đó có thể kể đến VIB. Tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền và cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tại NH này ở mức 44,6% cho năm 2016, bao gồm cổ tức tiền mặt 5% và cổ phiếu thưởng là 39,6%. Tỷ lệ này tăng gần gấp đôi so với con số 25% của năm 2015, bao gồm 8,5% cổ tức tiền mặt và 16,5% cổ phiếu thưởng. Ngoài ra, NH này còn thưởng 0,4% cổ phiếu cho cán bộ nhân viên nhằm tăng sự gắn kết với NH.
Với các NHTMCP khác, MB cũng là một trong những NH trả cổ tức cho năm 2016 khá cao ở mức 11% với tỷ lệ 6% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu. Trong khi đó, OCB cũng chia cổ tức 10%, cân bằng theo hai hình thức tiền mặt và cổ phiếu.
Lợi nhuận tốt, nhiều NH chia cổ tức bằng tiền mặt |
Việc chọn hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt, theo các chuyên gia cũng như người trong cuộc nhận định, tùy thuộc vào hoàn cảnh cũng như mục tiêu chiến lược của mỗi NH. Dễ nhận thấy nhất là những NH đang có kế hoạch lên sàn đa phần lựa chọn phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để củng cố nền tảng tài chính vững chắc. Đơn cử, tại HDBank, thay vì bằng tiền mặt như mọi năm thì năm nay NH lựa chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy lần đầu tiên chọn phương thức này nhưng HDBank đã nhận được sự đồng thuận của các cổ đông.
Một cổ đông NH này chia sẻ, sau nhiều năm nhận cổ tức bằng tiền mặt, chúng tôi nhận thấy thời điểm này có thể nhận chia cổ tức bằng cổ phiếu. Từ đó, giúp NH tăng năng lực tài chính, bổ sung vốn đầu tư kinh doanh sinh lời, đáp ứng tốt các chỉ tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động NH, nâng cao khả năng quản trị rủi ro trong hoạt động NH, hướng đến mục tiêu thực hiện Basel II... “Khi củng cố được vị thế, sau này, nếu NH có lên sàn, tôi nghĩ giá trị cổ phiếu sẽ cao”, vị cổ đông kỳ vọng.
Cũng có dự định lên sàn và là một trong những NH “bảo thủ” đối với vấn đề chia cổ tức, năm 2017 Techcombank vẫn tiếp tục quan điểm không chia cổ tức, giữ lại lợi nhuận nhằm mục đích tăng vốn. Lập luận của lãnh đạo NH này đối với quyết định không chia cổ tức tiền mặt rằng, nếu cổ đông xác định gắn bó với NH thì mọi người hãy kiên trì. Sự kiên trì đó sau này sẽ được bù đắp xứng đáng. Hiện cổ phiếu của Techcombank được giao dịch ở mức 30.000 đồng/cổ phiếu trên sàn UpCom. Đây là mức giá khá cao so với mặt bằng chung cổ phiếu NH, không chỉ ở UpCom mà cả thị trường chính thức.
Liệu cơm gắp mắm
Cũng có những ý kiến cho rằng việc một số NH chia cổ tức bằng cổ phiếu có thể do không có khả năng tài chính bằng tiền mặt, hoặc kinh doanh kém hiệu quả nên phải dùng số lợi nhuận chưa phân phối để bổ sung nguồn vốn NH. Không phủ nhận điều này, nhưng lãnh đạo một NH cho biết, trong thời điểm xử lý nợ xấu vẫn phụ thuộc vào nguồn lực của NH, mà nguồn lực này chủ yếu đến từ lợi nhuận và trích lập dự phòng, xét theo thứ tự ưu tiên thì việc chia cổ tức được xếp sau nhiệm vụ cấp bách này.
Tại đại hội cổ đông vừa qua, lãnh đạo SHB cũng trần tình trước các cổ đông về đề xuất chia cổ tức bằng tiền mặt. Khẳng định đề xuất trên của cổ đông là hoàn toàn chính đáng, nhưng lãnh đạo SHB mong muốn cổ đông chia sẻ với NH trong mục tiêu tăng năng lực tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh…
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, OCB có thể chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, nhưng yêu cầu tăng vốn cho NH cũng rất quan trọng nên NH chỉ chia 5% bằng tiền mặt, còn lại 5% trả bằng cổ phiếu. Đây cũng là lý do mà Chủ tịch HĐQT MB Lê Hữu Đức chia sẻ với các cổ đông khi NH này chọn hình thức trả cổ tức bằng tiền lẫn cổ phiếu.
Một vấn đề quan trọng nữa liên quan đến việc chia cổ tức dưới hình thức nào, tỷ lệ bao nhiêu… là phải được NHNN chấp thuận. Sự kiểm soát của cơ quan quản lý trong vấn đề này là nhằm phòng tránh việc NH báo lãi ảo, chia cổ tức cao để làm đẹp lòng các cổ đông, nhà đầu tư. Trong trường hợp thực tế hoạt động của NH còn yếu kém mà chia cổ tức cao để che giấu sẽ khiến cho kinh doanh NH đã khó càng khó thêm, ảnh hưởng đến hoạt động chung của hệ thống.
Ông Tùng cho biết thêm, vài năm trở lại đây, NHNN kiểm soát việc chia cổ tức của các NH rất chặt. Ngoài báo cáo kiểm toán của NH, Thanh tra giám sát NHNN giám sát chặt chẽ hoạt động NH từ tình hình nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ chưa, chất lượng các khoản phải thu của các NH có tốt hay không. Nếu khoản lãi dự thu nào chưa chắc chắn NHNN yêu cầu đánh giá lại… “Tất cả những yêu cầu trên là cần thiết, cũng nhằm đảm bảo lợi nhuận của NH chắc chắn. Thông thường, NH nào có lợi nhuận tốt thì NHNN chấp nhận phương án đề xuất chia cổ tức của NH và ngược lại”, vị CEO trên nói.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đảm bảo báo cáo tài chính phải rất chính xác khi NH lên kế hoạch chia cổ tức. Nếu không nghiêm túc thực hiện yêu cầu trên, tình trạng NH báo lãi ảo để chia cổ tức sẽ xảy ra. Theo gợi ý của chuyên gia, nếu NH có lãi tốt trong 3 năm liền kề thì nên chia cổ tức với hình thức tiền mặt hay cổ phiếu, tỷ lệ như thế nào tuỳ từng khả năng mỗi NH. “Nhưng dù ít hay nhiều, các NH nên chia cổ tức, để cổ đông được nhận lợi ích từ đóng góp đầu tư của họ. Việc giữ lại lợi nhuận quá lâu dĩ nhiên sẽ không tạo động lực lớn cho cổ đông, dù chuyện đó là cần thiết”, một chuyên gia nêu ý kiến.
Trong vài năm tới, việc tăng vốn không chỉ quan trọng đối với các NH Việt Nam mà cả trên thế giới. Chắc chắn một điều rằng, một NH có vốn chủ sở hữu càng cao khả năng chống đỡ khủng hoảng, thiệt hại tài sản càng tốt. Ngược lại những NH có vốn mỏng rất dễ bị tổn thương. Do đó, việc bổ sung vốn chủ sở hữu từ lợi nhuận rất quan trọng.