Rủi ro ở UPCoM trực chờ
Ngày 13/1: FPT Telecom sẽ chính thức lên sàn UPCoM | |
Ngày 3/1/2017: Vinatex chào sàn UPCoM với giá tham chiếu 13.500 đồng/CP | |
69,3 triệu cổ phiếu vừa được giao dịch trên UPCOM |
UPCoM-thị trường giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết đang sôi động trở lại. Điển hình như HNX vừa chấp thuận cho Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) được niêm yết 500 triệu cổ phiếu trên UPCoM với mã VGT. DN này hiện có cổ đông Nhà nước nắm giữ gần 54% cổ phần, nên có thể xem đây là tổng công ty Nhà nước đầu tiên niêm yết trên UPCoM.
Ảnh minh họa |
Một sự kiện đáng chú ý khác là nhiều công ty con, công ty liên doanh liên kết trực thuộc SAB bắt đầu có kế hoạch niêm yết lên UPCoM trong thời gian tới, như CTCP Bia Sài Gòn Bạc Liêu (SBL) – một công ty liên doanh liên kết thuộc SAB (SAB sở hữu 20%). Hiện tại, công ty đã nộp đơn đăng ký lưu ký lên Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và sẽ tiến hành niêm yết trên UPCoM trong đầu năm 2017.
Thứ hai là CTCP Bia Sài Gòn Quảng Ngãi (BSQ) - SAB nắm 67% vốn điều lệ. Công ty này cũng đã nộp đơn xin niêm yết và dự kiến sẽ giao dịch trên UPCoM vào đầu năm 2017. Trong phiên giao dịch ngày 19/12/2016, BSQ được giao dịch trên OTC với mức giá 42.000 đồng/cổ phiếu. Bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh (SB1) đang giao dịch với mức P/E là 12 lần…
Tính đến thời điểm hiện tại, có 408 DN đã lên UPCoM, cao hơn so với 375 DN của sàn HNX và 321 DN trên sàn HoSE. Như đã nêu ở trên, trong năm 2017, sẽ có rất nhiều cổ phiếu lớn và tiềm năng tiếp tục lên UPCoM, dự báo giá trị vốn hóa của thị trường UPCoM có thể lên tới gần 13 tỷ USD, gấp đôi so với thị trường niêm yết của HNX hiện nay (khoảng 7 tỷ USD).
Sự phình to của thị trường này góp phần mở thêm nhiều cơ hội cho NĐT trên thị trường chứng khoán. Có quan điểm cho rằng, những cổ phiếu đã lên và chuẩn bị lên UPCoM trong năm 2017 là những DN tốt.
Đơn cử như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), dự kiến cổ phiếu này sẽ chính thức giao dịch ngay trong đầu tháng 1/2017. Mặc dù Vinatex chưa công bố mức giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên, tuy nhiên trên thị trường OTC, cổ phiếu của tập đoàn này đang được giao dịch quanh mức giá 14.000 đồng/cổ phiếu. Có thể thấy, Vinatex đã thực hiện IPO năm 2014 và bán 24% cổ phần cho NĐT với giá bình quân là 11.000 đồng/cổ phiếu.
Hai NĐT chiến lược của Tập đoàn là Vingroup (VIC) và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID) đã mua tổng cộng 24% cổ phần, do đó, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vinatex hiện chỉ là 54%. Cổ phiếu này được đánh giá là tiềm năng khi mà giá trị sản xuất ước đạt trong năm 2016 của Vinatex là 37.757 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế (không tính đơn vị phụ thuộc) đạt 1.430 tỷ đồng, tăng 9%...
Theo chia sẻ của ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Vinatex, mục tiêu của tập đoàn trong năm 2017 với tổng doanh thu tăng 12%, kim ngạch xuất khẩu tăng 11%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14%, lợi nhuận tăng 6%.
Hay đối với nhóm cổ phiếu ngành bia, có SBL đang hoạt động kinh doanh khá vượt trội so với các DN khác cùng ngành. Từ đó, giới phân tích ước tính P/E hợp lý đối với các DN thuần về sản xuất bia (nói cách khác là các công ty bia thuộc SAB) ở mức 13-15 lần. Do vậy, nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng NĐT có thể cân nhắc đầu tư vào SBL sau khi DN công bố giá tham chiếu niêm yết trong thời gian tới.
Song các NĐT cũng cảnh báo cần chọn lọc cổ phiếu thị trường này. Dù các thủ tục tham gia thị trường UPCoM đã được quy định lại, theo đó, chỉ sau 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, NĐT mua cổ phần qua đấu giá có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCoM. Như vậy, con đường từ hậu IPO đến sàn chứng khoán đã được rút ngắn rất nhiều so với mức 90 ngày như quy định trước đó. Thế nhưng, từ lý thuyết đến thực tế vẫn là một chặng đường dài.
Vì vậy, yếu tố thanh khoản trên thị trường này cũng bị phụ thuộc rất nhiều vào chính sách cũng như thị trường chính thức. Bằng chứng là có nhiều cổ phiếu, khi chào sàn UPCoM rất hoành tráng nhưng không có giao dịch suốt một thời gian dài như CTCP Nước khoáng Quảng Ninh (QHW), CTCP Rau quả thực phẩm An Giang (ANT)…
Ngoài ra, một điểm đáng chú ý nữa là số lượng DN của UPCoM đã vượt qua HoSE và HNX nhưng giá trị giao dịch vẫn đứng ở mức rất thấp và chỉ tập trung vào những cổ phiếu đầu ngành, ít nhiều tạo niềm tin cho NĐT về hiệu quả đầu tư, đặc biệt là tính minh bạch trong các hoạt động. Ngược lại, một số DN thực hiện chiến lược tham gia thị trường UPCoM chỉ là để hợp thức hóa các quy định niêm yết và đánh bóng tên tuổi.