Siết lại thị trường phân bón
Nỗi lo phân bón giả lộng hành | |
Doanh nghiệp phân bón đứng trước rủi ro |
Tình trạng cây trồng thối gốc, rụng lá, không ra hoa kết trái... khi bị bón nhầm phân giả diễn ra trên địa bàn tỉnh khiến người nông dân điêu đứng, thiệt hại tiền tỷ và tình trạng này đã nhiều lần tái diễn.
Nhiều hộ dân “điêu đứng” vì mua phải phân bón giả |
Chính quyền địa phương cho biết, người nông dân cũng đã rất thận trọng, nhưng chỉ với sự phân biệt bằng mắt thường, thậm chí cả kinh nghiệm, thì cũng rất khó nhận biết đâu là thật - giả. Chỉ đến khi bón cho cây trồng, thấy cây không những không tốt tươi mà còn héo úa, chết dần chết mòn thì lúc đó mới biết cây bị bón nhầm phải phân giả, và rõ ràng hậu quả là không thể khắc phục được ngay. Vì vậy, hiện giờ, người nông dân chỉ còn biết “trông chờ” vào các cơ quan quản lý.
Theo Bộ NN&PTNT Việt Nam, hàng năm nước ta tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại, trung bình lượng phân bón nhập khẩu hàng năm là trên 4 triệu tấn. Đây thực sự là mảnh đất màu mỡ để các DN trong và ngoài nước khai thác triệt để.
Hiện nay, cả nước có khoảng 600 DN, nhà máy sản xuất phân bón (chưa kể những cơ sở sản xuất “chui”, không phép), cho ra đời gần 1.000 sản phẩm phân bón các loại, mà ngay đến các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, hóa chất cũng phải “bó tay” thậm chí chưa biết hết tên, chứ chưa nói gì đến công dụng của từng loại.
Người nông dân thường xuyên sử dụng các sản phẩm phân bón cho cây trồng, hoạt động sản xuất hàng ngày, nhưng đối với thị trường này cũng rối không khác gì “ma trận”.
Điều đáng nói, hiện tượng này xuất phát từ tình trạng buông lỏng quản lý, cấp phép tràn lan, dẫn đến khó kiểm soát thị trường. Mặc dù theo thống kê của Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) trung bình hàng năm cơ quan quản lý xử phạt 4.000 vụ vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón giả, thiệt hại cho nền kinh tế ước tính lên đến 2,6 tỷ USD.
Thực tế, không chỉ người nông dân chịu thiệt, mà ngay chính những DN sản xuất, làm ăn chân chính cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi những cơ sở làm hàng gian hàng giả, nhái nhãn mác. Đại diện CTCP Phân bón Bình Điền bức xúc chia sẻ, sản phẩm phân bón hiệu “Đầu trâu” của công ty đã không ít lần bị những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ làm giả nhãn mác để lừa bán cho người tiêu dùng, không chỉ gây thiệt hại hàng tỷ đồng mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu gây dựng lâu năm của DN.
Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, ngành nông nghiệp hiện vẫn giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, trong đó vai trò của ngành phân bón có tác động không nhỏ đến lĩnh vực này. Thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị định, Thông tư nhằm thiết lập, quản lý thị trường phân bón như Nghị định 113, Nghị định 191, Nghị định 15, Nghị định 185 và mới nhất là Nghị định 202 của Chính phủ.
Ngoài ra, còn phải kế đến một số Thông tư liên tịch giữa hai Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương. Mặc dù vậy, “không hiểu vì lý do gì” mà tình hình thị trường phân bón trong suốt nhiều năm qua vẫn lộn xộn, khó kiểm soát; cơ sở sản xuất, phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan gây bức xúc, thiệt hại lớn cho bà con nông dân nói riêng, nền kinh tế nói chung.
Bàn về vấn đề này, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, bộ đã có báo cáo trình Chính phủ nhanh chóng rà soát, sửa đổi một số điều tại Nghị định 202 về quản lý, cấp phép đối với DN, cơ sở sản xuất phân bón nhằm sớm ngăn chặn tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, không đạt chỉ tiêu chất lượng tràn lan.
Đặc biệt, sẽ “thu gọn” lại thị trường, những cơ sở sản xuất không đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, xử lý nghiêm, tăng mức xử phạt đối với những cơ sở, hành vi vi phạm trong lĩnh vực này nhằm dần lập lại trật tự cho thị trường phân bón trong nước.