Sự hiện diện và vai trò của kinh tế ngầm
Không dễ đo đếm kinh tế ngầm | |
Sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế ngầm |
Mang lại lợi ích không nhỏ
Biệt thự kề biệt thự, biệt thự có cửa hàng với những bộ đồ gỗ chạm khảm đắt tiền nối tiếp nhau suốt 2 km đường quốc lộ là hình ảnh của làng nghề gỗ chạm khảm nổi tiếng La Xuyên và Ninh Xá (Nam Định).
Đoạn đường này được người Nam Định gọi là “phố biệt thự” đồ gỗ. Không chỉ nổi tiếng vì độ tinh xảo của đồ gỗ, La Xuyên còn nổi tiếng bởi đây là một làng “nghề gỗ toàn tập” khi cả 2000 hộ đều làm nghề gỗ, và là một điển hình của “kinh tế ngầm” công khai phát triển và mang lại lợi ích không nhỏ.
Phố biệt thự đồ gỗ làng nghề La Xuyên (Ý Yên – Nam Định) |
Về làng La Xuyên, ước cũng có tới đến 200 cửa hàng bán đồ gỗ. 100% thu nhập của người dân trong làng là từ sản xuất, mua bán đồ gỗ và trong làng, số tỷ phú có thể đếm đến hàng trăm. Nhưng cả làng chỉ có 40 DN. 600 hộ có đăng ký kinh doanh. 1400 hộ (70% số hộ trong làng) đang chính thức hoạt động nhưng lại ở dạng phi chính thức (chưa đăng ký kinh doanh). Chủ một cửa hàng gỗ tự tin khoe: “Ở La Xuyên chúng em làm thoáng lắm, không nhiêu khê thủ tục gì cả. Rất tin nhau, mua bán với nhau thanh toán dăm bảy chục triệu, kể cả hàng trăm triệu cũng chỉ cần gọi điện, đưa tiền, không cần ký tá giấy tờ gì sất”.
Sang đến Đồng Kỵ (Bắc Ninh) dọc 2 bên đường Nguyễn Văn Cừ rộng thênh thang là cả trăm cửa hàng đồ gỗ. Những mùa cao điểm của mua sắm, đường làng liên tục có xe vào ra chở đồ gỗ đi. Mỗi cửa hàng ở Đồng Kỵ có vốn đầu tư cũng tới cả tỷ đồng. “Hộ chúng em “thường thường thôi”, doanh thu chỉ độ dăm ba trăm triệu mỗi tháng, nhiều hộ là tiền tỷ”, chị Hường ở cửa hàng Hường Thành cho biết.
Dù làm ăn lớn, cửa hàng mở công khai nhưng 73% các cửa hàng, hộ kinh doanh sản xuất đồ gỗ ở Đồng Kỵ vẫn là phi chính thức, là “kinh tế ngầm” vì không đăng ký kinh doanh. Cả phường Đồng Kỵ có 3500 hộ gia đình, thì có 3000 hộ làm nghề gỗ, nhưng chỉ có 150 gia đình đăng ký hoạt động là DN, và khoảng 800 hộ có đăng ký kinh doanh có nộp thuế môn bài. Hơn 2200 hộ đang sản xuất kinh doanh nhưng vẫn là “phi chính thức”.
Và ngay Hà Nội, ở làng nghề gỗ Hữu Bằng thì có tới 90% số hộ trong làng là phi chính thức. Cả làng chỉ có 30 DN và 268 hộ có đăng ký kinh doanh, 2800 hộ không đăng ký… Ở các làng nghề Liên Hà, Vạn Điểm (Hà Nội) có tới 50% số hộ trong làng là “phi chính thức”.
5 làng nghề này tạo ra các nguồn sinh kế chính của hàng chục ngàn hộ gia đình, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Xét về quy mô thì không hề nhỏ và đóng vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay và cả trong tương lai. “Nhưng tới đây, khi các hiệp định thương mại được thực thi, sản phẩm gỗ phải chứng minh được tính hợp pháp. Nhưng 74,5% số hộ tại làng nghề là phi chính thức, không đáp ứng được điều này…”, ông Tô Xuân Phúc-chuyên gia của Forest Trends lo ngại.
Khi “đồng tiền có chân”
Hoạt động chính thức nhưng lại không đăng ký kinh doanh là hiện tượng phổ biến ở khắp nơi. Những người, những hộ gia đình kinh doanh kiểu này vẫn đang sản xuất, cung cấp nhiều loại hàng hóa và dịch vụ cho nền kinh tế.
Ông Bùi Trinh, một chuyên gia uy tín về công tác thống kê cho rằng “Khu vực kinh tế không chính thức, phi chính thức, còn gọi là kinh tế ngầm hay khu vực kinh tế chưa quan sát được là một bộ phận của nền kinh tế quốc gia, đang phát triển mạnh. Khu vực kinh tế này cần được đo lường vào hệ thống tài khoản quốc gia, trong đó có chỉ tiêu GDP”.
Mới đây, Thủ tướng đã nhấn mạnh tinh thần tính đúng, tính đủ trong thống kê kinh tế. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện “Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát” để thống kê đầy đủ, toàn diện quy mô của nền kinh tế, bao gồm cả kinh tế ngầm, phi chính thức, tự cung, tự cấp, tự tiêu... và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/1/2018.
“Kinh doanh không chính thức sẽ khó có thương hiệu, không có năng lực cạnh tranh quốc tế. Không thể để các hộ đang đóng góp tới 31% GDP cứ là “kinh tế ngầm, không chính thức”, TS.Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phát biểu.
Ở Việt Nam, kinh tế phi chính thức đã được quan tâm chú ý từ lâu, nhưng chưa có một điều tra thống kê chính thức đầy đủ nào và có muốn cũng không dễ đo lường thống kê được hết.
Theo điều tra của ECONIMICA , tỷ trọng đóng góp trong GDP của kinh tế hộ kinh doanh cá thể năm 2005 là 29,9%, năm 2011 lên 31,2% (của DNNN là 33,03%). Theo GS.Finn Tarp Đại học Cophenhagen, khu vực phi chính thức ở Việt Nam hoạt động mạnh nhưng lại không được đưa vào các điều tra chính nên bức tranh DNNVV Việt Nam chưa đầy đủ.
Theo nghiên cứu về kinh tế ngầm ở Việt Nam của TS.Võ Hồng Đức và cộng sự (Đại học Mở TP.Hồ Chí Minh), kinh tế ngầm năm 1990 chiếm 23,6%, năm 2011 là 33,9%/GDP. Còn theo nghiên cứu của Đại học Fulbright, kinh tế ngầm chiếm khoảng 25-30% GDP. Nhưng Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê vừa qua lại cho rằng, kinh tế phi chính thức ở Việt Nam không thể cao đến 30%.
“Việc thống kê khu vực kinh tế phi chính thức là đúng”, theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển. “Phải quan sát được kinh tế ngầm để quản lý, để mọi thứ đều minh bạch, không nên để họ làm ăn thu lợi nhuận mà không đóng góp cho quốc gia…” là quan điểm của TS.Lê Đăng Doanh.
Khi vẫn ở khu vực không chính thức, thì có sản xuất có kinh doanh có lợi nhuận nhưng không nộp thuế làm NSNN thất thu. Mặt khác, lại gây ra cạnh tranh bất bình đẳng vì không nộp thuế thì giảm được chi phí đầu vào, trong khi DN chính thức vì tính đủ thuế và các chế độ lương hay bảo hiểm cho người lao động, giá thành sản phẩm sẽ cao hơn hoặc lợi nhuận có được thấp hơn. Người lao động trong khu vực phi chính thức cũng thiệt thòi khi không được bảo đảm các quyền lợi về bảo hiểm… Và bên cạnh nó là gia tăng tham nhũng, do Nhà nước không quản lý và theo dõi được đầy đủ nguồn gốc các tài sản nên đã tạo kẽ hở để tham nhũng gia tăng.
Quan trọng hơn cả là phải làm sao để những hộ kinh doanh phi chính thức trở thành chính thức, giảm bớt quy mô kinh tế không chính thức, mở rộng kinh tế chính thức. TS.Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM cho rằng phải có một cuộc cải cách tư duy. Cũng có ý kiến rằng “khu vực kinh tế phi chính thức lớn như vậy là do hệ thống động lực đang sai lệch”. Vì vậy phải thay đổi động lực bằng việc mang lại môi trường tốt hơn đồng thời khơi dậy văn hóa kinh doanh chính thức.