“Sức khỏe” của DNNN sẽ được báo cáo trước Quốc hội
Thanh tra Chính phủ đề nghị khởi tố vụ Mobifone mua AVG | |
Ghế nóng và áp lực ở “siêu Ủy ban” | |
Vinafood 2 chào bán thành công trên 114,8 triệu cổ phần |
Hôm 5/4, Đoàn giám sát Quốc hội chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016" dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã có cuộc họp với các ngành liên quan để hoàn thiện báo cáo trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Tình hình phát triển của doanh nghiệp đòi hỏi phải được liên tục giám sát |
Theo thông tin từ cuộc họp, quy mô vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đều tăng. Năm 2016, tổng vốn chủ sở hữu của các DNNN là 1,398 triệu tỷ đồng, tăng 92,2% so với năm 2011, quy mô tổng tài sản là 3,053 triệu tỷ đồng, tăng 45,8% so với năm 2011. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN cầm chừng, hiệu suất sử dụng vốn chưa cao do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới trong giai đoạn 2011-2013. Từ giai đoạn 2014-2015, DNNN hoạt động hiệu quả hơn, nhưng tới 31/12/2016 vẫn còn DNNN kinh doanh thua lỗ.
Tổng hợp kết quả của 350 DNNN sau cổ phần hoá sau năm 2015 cho thấy, bình quân lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân người lao động tăng 33%... Tiền thu được từ cổ phần hoá được quản lý chặt chẽ, thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng của quốc gia theo quy định của luật pháp. Tuy nhiên, quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước, cổ phần hoá DNNN vẫn còn nhiều hạn chế cần tiếp tục được khắc phục bằng việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật.
Trong hơn 5 tháng qua, Đoàn giám sát đã làm việc với 9 bộ, ngành; 8 địa phương; 12 tập đoàn, tổng công ty và một số DNNN. Đoàn cũng đã làm việc với Thường trực Chính phủ, nghe báo cáo về kết quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 – 2016. Dự kiến, ngày 10/4 tới, dự thảo Báo cáo giám sát chuyên đề việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 – 2016 sẽ được trình UBTVQH thảo luận và cho ý kiến. Sau đó, Đoàn giám sát sẽ hoàn chỉnh báo cáo và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, khai mạc vào tháng 5 tới.
Đây không phải là lần đầu tiên Quốc hội có giám sát tổng thể về DNNN mà ngược lại, lĩnh vực này thường lọt vào “tầm ngắm” của Quốc hội nhiều hơn hẳn các lĩnh vực khác vì tình hình phát triển của doanh nghiệp đòi hỏi phải được liên tục giám sát để giảm thiểu thất thoát tiền thuế của người dân.
Được biết trong vòng 13 năm qua, từ 2004 đến 2017, liên quan đến DNNN, đã có 4 cuộc giám sát, trong đó, UBTVQH đã tiến hành 2 cuộc giám sát về việc thực hiện cổ phần hoá DNNN (năm 2006) và việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý vấn đề đất đai, mua bán cổ phiếu trong thực hiện cổ phần hóa DNNN (năm 2008). Quốc hội cũng đã giám sát 2 cuộc về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (năm 2009); và việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 (năm 2014).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải, các văn bản quy phạm pháp luật ban hành kịp thời trong giai đoạn 2011-2016 đã khắc phục bất cập của giai đoạn trước. Nhiều bộ, địa phương và DNNN đã làm tốt việc xác định cổ đông chiến lược cho DNNN, cổ phần hoá thành công nhiều DNNN, từng bước khắc phục các lỗ hổng trong xác định giá trị doanh nghiệp. Nhưng vẫn còn nhiều yếu kém ở khu vực này như tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và nợ quá hạn của DNNN còn cao, nhiều khoản đầu tư chưa mang lại hiệu quả. Nguyên nhân là kiểm soát nội bộ yếu và kiểm soát từ bên ngoài còn chưa theo kịp yêu cầu. Số lượng DNNN cổ phần hoá cao nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước bán ra lại thấp...
Mặc dù giai đoạn 2011 - 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 23 Nghị định, Quyết định về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN. Các bộ, ngành cũng đã ban hành 23 thông tư hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách này. Nhưng hiện, vẫn có nhiều ý kiến đề xuất xây dựng luật về cổ phần hóa để có thể xử lý triệt để và toàn diện các thách thức trong cổ phần hóa.
Một số ý kiến đề nghị, cần có luật về cổ phần hóa DNNN, không nên để như lâu nay quy định mới chỉ ở tầm nghị định, thông tư, nhất là khi khối tài sản của DNNN là rất lớn. Trên thực tế, trong nhiều nhiệm kỳ Quốc hội qua luôn đặt ra vấn đề xây dựng luật về cổ phần hóa vì có nhiều nội dung thuộc tầm của luật như ngân sách, đất đai. Nhưng Chính phủ thường giải thích rằng quá trình cổ phần hóa còn mới mẻ, nhiều khó khăn, trước mắt ban hành Nghị định điều chỉnh rồi dần dần tổng kết, nâng lên thành luật.