Ghế nóng và áp lực ở “siêu Ủy ban”
Sẽ ban hành Nghị quyết về chức năng của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trong quý 2 | |
Ông Nguyễn Hoàng Anh là Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN |
Thời điểm quan trọng cho “ghế nóng” ở Ủy ban
Điểm khác biệt rất rõ của Ủy ban so với các đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện hữu khác là sự tách bạch chức năng chủ sở hữu ra khỏi các bộ, chấm dứt tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi, tạo môi trường kinh doanh công bằng, nhưng cũng là bước chủ sở hữu nhà nước thực sự tuân thủ theo đúng nguyên tắc quản lý và theo kinh tế thị trường.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất |
Không chỉ là quản lý sẽ quyết định việc giám sát và sử dụng nguồn vốn lớn nhất trong nền kinh tế, lên tới 5 triệu tỷ đồng (tương đương 250 tỷ USD) vốn nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty và DN nhà nước (DNNN), mà Ủy ban này còn phải giải quyết những vấn đề tồn tại phức tạp nghiêm trọng của DNNN (đơn cử như 12 DN dự án thua lỗ đang phải xử lý). Đây chính là đòi hỏi, là áp lực với Ủy ban. Theo ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì Ủy ban cần một bộ máy nhân sự đủ và tài.
Còn TS.Nguyễn Đình Cung Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nói rằng “Với trách nhiệm là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN, Ủy ban không chỉ có nhiệm vụ bảo toàn vốn, mà phải đảm bảo lượng tài sản nhà nước trong các DN hiệu quả, đúng mục tiêu. Nên các ghế tại Ủy ban là ghế nóng, ghế làm việc vất vả, chứ không phải ghế bổng lộc, ghế quyền lực…”.
“Sự thành công hay thất bại mà nhiều ý kiến đang bàn luận xung quanh mô hình cơ quan sẽ “có” trong tay 5 triệu tỷ đồng phụ thuộc rất lớn vào thời điểm này - thời điểm quyết định chọn nhân sự”, Viện trưởng Cung nói. CIEM là đơn vị được giao trách nhiệm dự thảo văn bản nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban. Điều này cũng đặt yêu cầu giám sát quá trình tuyển dụng nhân sự của cơ quan này phải thực sự chặt chẽ, nghiêm khắc.
Không thể ồ ạt nhưng không thể để lâu
Dĩ nhiên sự thành công của Ủy ban phụ thuộc vào nhân sự, nhưng tốc độ cổ phần hóa cũng chi phối khả năng thành công của Ủy ban. Điểm mấu chốt của Ủy ban là phải thúc đẩy bảo đảm cho DNNN vận hành để cả nền kinh tế hiệu quả, làm sao để nguồn lực nhà nước được phân bổ và sử dụng hiệu quả. Ủy ban phải xử lý vốn Nhà nước theo tinh thần CPH mạnh, chỗ nào Nhà nước không cần nắm giữ phải chuyển giao mạnh cho tư nhân để nguồn lực quốc gia được phân bổ đúng chỗ, đúng lúc và hiệu quả.
“Nhưng quá trình diễn ra cho thấy không dễ. Việc CPH kéo dài ở Tập đoàn Cao su là một điển hình, không CPH bằng mọi giá và ồ ạt nhưng để lâu, kéo dài cũng không hay, vậy làm sao để CPH phải hiệu quả cả về thời gian và tài sản nhà nước”, theo Viện trưởng Thiên. Với thực trạng DNNN và 30 tập đoàn tổng công ty hiện nay, không chỉ quy mô vốn lớn mà những DN này đang đầu tư nhiều, tham gia vào nhiều lĩnh vực và cả những lĩnh vực “không đúng chức năng”. Quản lý những lĩnh vực không đúng chức năng thì rất phức tạp và không dễ gì.
Vì vậy phải đẩy nhanh tốc độ CPH, thu gọn quy mô DNNN và DNNN chỉ tập trung vào lĩnh vực chính yếu, những lĩnh vực mà tư nhân không đảm đương được, như vậy Ủy ban sẽ hoạt động hiệu quả và thành công. Còn nếu cứ lan man dàn trải phức tạp và vẫn còn găm giữ lợi ích như hiện nay thì “người nào theo cho đủ”. Đơn cử như việc chuyển giao tài sản Nhà nước từ DN lên Ủy ban cũng không dễ tý nào vì về thao tác kỹ thuật đã khó rồi, vấn đề tài chính lại khó hơn nữa chưa kể vấn đề lợi ích…
Đã vậy trong 30 tập đoàn, tổng công ty sẽ do Ủy ban quản lý thì 3 tập đoàn đang có những vấn đề nghiêm trọng. Vậy Ủy ban không chỉ “vất vả” trong quản lý vốn nhà nước, quản trị DN mà còn phải đương đầu xử lý những vấn đề nghiêm trọng này. Như vậy đòi hỏi phải có một bộ máy nhân sự tương thích và chất lượng cao.
Để quản lý tốt và hiệu quả đồng vốn nhà nước tại DN, với thực trạng DNNN hiện nay đang trải ra nhiều lĩnh vực, trước hết Ủy ban phải đủ người, như vậy sẽ phải có một bộ máy lớn với những con người giỏi. “Tôi hình dung để đảm đương nhiệm vụ, với thực trạng DNNN hiện nay, Ủy ban này sẽ là một bộ máy khá lớn”, ông Thiên nói và nhấn mạnh việc tuyển dụng nhân sự cho Ủy ban rất quan trọng. Điều này cho thấy tốc độ CPH ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động của Ủy ban.
Hiện tại, theo dự thảo lần 1 nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban, ngoài chức danh Phó chủ tịch Ủy ban được quy định không quá 4 người, Ủy ban có thể có 10 đơn vị trực thuộc. Nếu mỗi vụ ở Ủy ban có 10 người, thì tổng số nhân sự mà Ủy ban đang cần tuyển dụng có thể lên tới 150 người. Sự thành công của Ủy ban sẽ phụ thuộc phần lớn vào 150 con người đầu tiên này. Nhưng đây là cơ quan mới, nên ông tin là có thể thực hiện được những đòi hỏi, yêu cầu mới trong công tác cán bộ.
Trong ngày trao Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban, Thủ tướng đã nhấn mạnh về nhân sự và việc lựa chọn người tốt, bố trí đúng người, đúng việc, không để kẽ hở cho việc tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt, không đưa vào Ủy ban những cán bộ không đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, chính trị...
“Để đảm bảo được yêu cầu này, việc giám sát quá trình tuyển dụng nhân sự phải được đặt ra ngay lập tức. Các tiêu chí tuyển dụng phải được công khai, minh bạch. Danh sách các cán bộ sau khi tuyển dụng cũng phải được công khai kèm với bảng thành tích được lượng hóa. Các cán bộ được tuyển dụng về Ủy ban không thể vì có thâm niên công tác hay có bằng cấp cao, mà phải là đã thực sự làm được trong lĩnh vực chuyên môn mà Ủy ban đang tuyển dụng”, ông Cung nói.
Và khi thực hiện quản lý theo kết quả kinh doanh của DN, thì cánh cửa của Ủy ban sẽ phải mở rộng, đón những người có kinh nghiệm thực sự trong đầu tư, quản lý DN, có tham vọng đưa khối tài sản lớn trong các DN hiện tại đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước... Vậy hãy thí điểm ở ngay Ủy ban được thành lập mới”.