Muốn tăng trưởng phải biết tiết kiệm
Tìm động lực cho cải cách | |
Động lực tăng trưởng mới | |
Viễn cảnh phục hồi tích cực trong trung hạn |
Gia tăng tiết kiệm tư nhân
Tiết kiệm - Đầu tư - Tiêu dùng luân chuyển thành vòng khép kín, nếu được vận động, phát triển tương đối cân bằng sẽ tạo lực đẩy cho cả nền kinh tế vận hành và phát triển. Muốn vậy phải có giải pháp để đáp ứng được các mục tiêu: tăng tiết kiệm, đầu tư hiệu quả, và tiêu dùng “thông minh”. Giải bài toán này thật không đơn giản. Song nhiều chuyên gia cùng chung quan điểm là hãy bắt đầu từ việc làm thế nào để tăng tiết kiệm, nhất là tiết kiệm tư nhân.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam cơ bản dựa vào tiêu dùng cuối cùng và đầu tư |
TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết: Tiết kiệm tư nhân cùng với tiết kiệm Chính phủ là hai thành phần tạo nên tiết kiệm quốc gia, đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, trong đó tiết kiệm tư nhân chiếm tỷ trọng chi phối. Nếu tiết kiệm tư nhân không đủ bù đắp cho thâm hụt tiết kiệm của Chính phủ, buộc chúng ta phải vay thêm từ bên ngoài. Do đó, một trong các giải pháp để tái cân bằng tiết kiệm và đầu tư của nền kinh tế có thể xuất phát từ gia tăng tiết kiệm tư nhân.
Vậy làm thế nào để tăng tiết kiệm tư nhân? Về vấn đề này, ThS. Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết: Chính phủ các nước thường đưa ra một số đề án tiết kiệm và đầu tư được miễn thuế để thúc đẩy việc thực hành tiết kiệm trong nước. Bằng cách đầu tư vào các chương trình tiết kiệm như vậy, các cá nhân có thể tiết kiệm một số tiền đáng kể, trong khi chính phủ lại có vốn đầu tư cho các dự án phát triển khác nhau của đất nước, góp phần xây dựng một nền kinh tế tốt hơn.
Thực tiễn kinh nghiệm các nước cho thấy, tiết kiệm tư nhân có thể được khuyến khích thông qua các chính sách tài khóa (thuế), chính sách tiền tệ (lãi suất), các chương trình cải cách hưu trí và chính sách tự do hóa tài chính. Tuy nhiên, sự tác động của các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ (qua sử dụng công cụ lãi suất) tới tiết kiệm tư nhân nói riêng và tới tổng tiết kiệm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, do đó có thể hiệu quả không được như mong đợi. Và vấn đề quan trọng hơn: sử dụng nguồn lực tiết kiệm này thế nào cho hiệu quả?
Hiệu quả của tiết kiệm và đầu tư
Câu trả lời có thể đến từ thực tế sau: Giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ tiết kiệm toàn xã hội của Việt Nam liên tục ở mức thấp, bình quân đạt 26,52% GDP/năm. Trong khi đó, đầu tư luôn duy trì ở mức khá cao, bình quân đạt 33,73% GDP/năm, vượt khả năng tiết kiệm của nền kinh tế. Đầu tư lớn, tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này của Việt Nam trung bình đạt 7,01% - là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh trong khu vực và trên thế giới, chỉ thấp hơn Trung Quốc.
Theo ThS. Vũ Thị Khánh Hiền (Trung tâm Nghiên cứu BIDV): Khi xem xét tăng trưởng từ giác độ các cấu thành tổng cầu gồm các yếu tố tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu ròng, có thể thấy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2006-2010 về cơ bản dựa vào hai yếu tố là tiêu dùng cuối cùng và đầu tư. Nhưng hệ quả là tiết kiệm của quốc gia thấp và đặc biệt là trạng thái cân đối tiết kiệm - đầu tư luôn bị mất cân bằng. Đầu tư vượt quá khả năng tiết kiệm của nền kinh tế đã dẫn đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn lực bên ngoài, kinh tế vĩ mô bất ổn.
Giai đoạn 2011-2015, ngoại trừ năm 2011 đang nối tiếp xu hướng của giai đoạn trước với đầu tư cao thì từ năm 2012-2015 nền kinh tế chuyển sang một giai đoạn mới, cân bằng giữa tiết kiệm và đầu tư hơn. Tỷ lệ tiết kiệm/GDP gia tăng, bình quân đạt 31,26%, trong khi đầu tư được thắt chặt hơn với tỷ lệ đầu tư/GDP bình quân đạt 31,04%. Giai đoạn 2012-2015, nguồn lực tiết kiệm trong nước đã đủ để tài trợ cho hoạt động đầu tư và kéo theo hệ quả là cán cân thương mại cũng đã thặng dư (ngoại trừ năm 2015 có mức thâm hụt nhẹ 1,7% GDP). Do đó, kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, bền vững hơn.
Những con số trên cho thấy để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững thì việc cân đối hợp lý giữa tiết kiệm và đầu tư của nền kinh tế là cần thiết. Tiêu dùng cuối cùng của khu vực nhà nước và tư nhân càng tiết kiệm thì nguồn lực dành cho đầu tư càng lớn, cơ hội tăng trưởng kinh tế càng cao. Song, vấn đề mấu chốt vẫn là đầu tư phải có hiệu quả, nếu không sẽ gây ra tình trạng lãng phí, kém hiệu quả hơn là dành nguồn lực đó cho tiêu dùng cuối cùng. Vậy thực tế chúng ta đã đầu tư, tiêu dùng thế nào?
Theo số liệu tổng hợp của ThS. Vũ Thị Khánh Hiền, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm 2011-2015 theo giá hiện hành đạt 5.617,1 nghìn tỷ đồng, bằng 32% GDP (5 năm 2006-2010 bằng 33,73%), tăng trưởng bình quân 10%/năm đã góp phần giảm bớt tình trạng mất cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện rõ nét. Hiệu quả đầu tư thể hiện qua hệ số ICOR của Việt Nam trung bình giai đoạn 2011-2015 là 6,92 lần, gấp đôi so với các nước trong khu vực và so với tiêu chuẩn WB đối với nước đang phát triển (ICOR chỉ 3-4 lần).
Vai trò của khu vực tư nhân ngày càng được tăng cường. Đầu tư của khu vực này tăng trưởng bình quân 12%/năm trong giai đoạn 2011-2015, chiếm 38% tổng vốn đầu tư xã hội, cao hơn mức 37% trong giai đoạn 2006-2010. Hệ thống thể chế pháp luật về kinh doanh, đầu tư được hoàn thiện hơn với Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đấu thầu, Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)... cùng với chính sách cải cách hành chính tích cực đã khuyến khích mở rộng đầu tư của khu vực tư nhân.
Vậy, giải pháp nào duy trì sự vận động, phát triển cân bằng giữa Tiết kiệm - Đầu tư - Tiêu dùng để phát triển kinh tế bền vững gắn liền với ổn định vĩ mô, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội? Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, trước hết cần có chính sách hạn chế tiêu dùng hàng xa xỉ trong dân cư nhằm nâng cao nguồn lực tiết kiệm trong dân chúng. NHNN nên tiếp tục có cơ chế phối hợp với Bộ Công Thương để đưa ra hàng rào về tài chính, kỹ thuật để giảm bớt lượng hàng nhập khẩu xa xỉ. Tiết kiệm tăng, nhưng đầu tư phải hiệu quả.
Một trong những giải pháp được đưa ra từ lâu nhưng chúng ta thực hiện chưa triệt để là kiểm soát kỷ luật ngân sách, đầu tư công, nhằm giảm dần mức nợ công và thâm hụt ngân sách; đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư tư nhân với những chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, tăng vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và triển khai của ngành Ngân hàng thời gian qua cũng được các chuyên gia đánh giá cao. Và sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến nguồn lực của vốn đầu tư nước ngoài. Tận dụng và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư nước ngoài cũng sẽ góp phần hỗ trợ đắc lực cho tăng trưởng kinh tế…