Tăng sức chống chịu để đối phó với các cú sốc
Kinh tế chuyển biến tích cực, tạo nền tảng cho năm 2018 | |
Tiêu dùng tăng khá hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế | |
Hỗ trợ kinh tế tư nhân, tạo động lực tăng trưởng |
Kinh tế Việt Nam có thêm một năm khởi sắc với tăng trưởng cao. Việt Nam đã duy trì được sự ổn định trong suốt những năm qua và đã có đà tăng trưởng, khả năng chống chịu tốt hơn. Đây là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo "Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế gần đây ở Việt Nam”. Nhưng ở bản báo cáo này, WB cũng đưa ra thông điệp: Việt Nam cần xây dựng vị thế sẵn sàng để tận dụng được cơ hội tốt hơn và để đối phó với các cú sốc có thể xảy ra.
WB vừa đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,7% trong năm 2017 (tăng 0,4% so với mức 6,3% đưa ra hồi tháng 7). Dự báo này đưa ra khi WB nhận thấy sức cầu trong nước mạnh hơn, các ngành chế tạo và chế biến định hướng xuất khẩu đạt kết quả tốt, ngành nông nghiệp đang từng bước phục hồi, trong khi lĩnh vực dịch vụ tiếp tục đà cải thiện tích cực. WB cũng dự báo lạm phát có thể chỉ ở mức 3,5% trong năm nay, trước khi có thể tăng nhẹ lên mức 4% trong các năm 2018 và 2019.
Dự báo một số chỉ số kinh tế chính theo WB |
Một điểm đáng chú ý mà ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho biết chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của NHNN đã giúp cho tỷ giá hối đoái trong thời gian qua khá ổn định và giúp Việt Nam có vị thế cán cân thanh toán thuận lợi.
WB ghi nhận trong ba năm qua, số lượng việc làm trong ngành công nghiệp chế tạo tiếp tục tăng với 1,6 triệu việc làm mới được tạo ra và 700 nghìn việc làm mới được bổ sung ở các ngành xây dựng, bán lẻ và dịch vụ… qua đó góp phần tăng tổng năng suất lao động và tăng thu nhập.
"Nhờ thu nhập tăng lên và tỷ lệ nghèo giảm xuống nên nền kinh tế có thêm một năm khởi sắc với tăng trưởng cao và KTVM nhìn chung ổn định”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam bình luận. Nhìn về trung hạn, WB dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ ổn định ở mức khoảng 6,5% cho các năm 2018 và 2019 vì “đà tăng trưởng đang tăng lên”.
Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật về kinh tế Việt Nam 2017, WB khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng đà tăng trưởng tốt hiện nay để tăng cường khả năng chống chịu về KTVM. Trả lời câu hỏi của báo giới về việc tại sao WB lại chuyển từ thông điệp khuyến nghị ổn định KTVM - vốn thường xuyên được nêu ra trong hầu hết các báo cáo trước đây của WB - sang tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, ông Sebastian Eckardt cho biết, sự chuyển dịch này là do KTVM của Việt Nam đã được duy trì ổn định trong suốt thời gian vừa qua trong khi vẫn còn những rủi ro liên quan đến tài khoản vốn, tài khoản vãng lai, lạm phát…
“Và để đối mặt được với những cú sốc cả bên trong và bên ngoài thì phải xây dựng những vùng đệm về chính sách, nâng chất lượng tài sản của các NH, các định chế tài chính cũng như củng cố về tài khóa để giảm nợ công, từ đó Chính phủ có dư địa tốt hơn trong hỗ trợ cho nền kinh tế”, chuyên gia này cho biết. Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Sudhir Shetty, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB cho biết thêm, không chỉ Việt Nam cần tăng cường khả năng chống chịu đó mà điều này cũng đúng với các quốc gia khác ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới.
“Kinh tế toàn cầu đang phục hồi tốt hơn rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều rủi ro. Việt Nam đang dựa vào xuất khẩu, thương mại, đầu tư để tăng trưởng nên dễ bị tác động bởi các rủi ro bên ngoài… Vì vậy các nhà hoạch định chính sách trong nước cần phải chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó”, theo ông Sudhir Shetty. Sự chuẩn bị sẵn sàng này còn để Việt Nam tranh thủ được cơ hội từ đà phục hồi của kinh tế thế giới. Nếu chuẩn bị tốt các vùng đệm như vậy, thậm chí tăng trưởng trong trung hạn của Việt Nam sẽ còn cao hơn mức kịch bản tăng trưởng cơ sở 6,5% mà WB dự báo cho các năm 2018 và 2019. Nhưng ngược lại thì có thể sẽ không đạt được theo các mức dự báo trên.
Chuyên gia Sebastian Eckardt nhận định trong ngắn hạn, thách thức là làm sao để tận dụng được triệt để từ mô hình tăng trưởng hiện nay, đặc biệt là tận dụng từ việc Việt Nam đang hưởng lợi rất nhiều từ dòng FDI chảy vào. “Theo các đánh giá của chúng tôi, dòng vốn FDI tiếp tục là động lực tăng trưởng cho Việt Nam ít nhất là trong 5 năm tới. Vấn đề đặt ra ở đây là Việt Nam sẽ tận dụng hiệu quả nguồn vốn này như thế nào, làm sao mang lại khả năng kết nối tốt hơn, đóng góp vào tăng trưởng đầu ra, tăng trưởng năng suất để có được tác động lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế và đặc biệt là đối với những DNNVV trong nước”, chuyên gia này cho biết.
Việt Nam cần tiếp tục tiến hành các cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sân chơi công bằng cho mọi thành phần DN, tạo thuận lợi để khu vực tư nhân đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu hạ tầng đang tăng nhanh. Đồng thời tăng cường chiều sâu và đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa DNNN, tiếp tục tái cơ cấu hệ thống NH cũng như tăng cường đầu tư cho con người và năng lực đổi mới sáng tạo… Những cải cải cách cơ cấu như vậy sẽ giúp Việt Nam tăng năng suất, sức cạnh tranh và nâng cao mức tăng trưởng tiềm năng.