Tăng trưởng 6,7%: Khó nhưng không phải là bất khả thi
4 tháng đầu năm 2017: Tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 8,69 triệu tấn, vượt 6,2% so với kế hoạch 4 tháng và bằng 36,5% kế hoạch năm. Trong ảnh: Mỏ Đại Hùng - Ảnh PVN |
Tăng trưởng có nhiều ý nghĩa
Chia sẻ tại buổi trao đổi hẹp với một số nhà báo cuối tuần qua về triển vọng và giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng của năm nay, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết “đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% là khó nhưng không phải là nhiệm vụ bất khả thi, không thể thực hiện được. Tôi tin nếu chúng ta có giải pháp đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương và sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được”.
Trong khi nhiều tổ chức dự báo sẽ không thể đạt được mức này, Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Bộ trưởng Dững cho biết, tăng trưởng có nhiều ý nghĩa như tạo nguồn lực cho phát triển, tăng chi tiêu an sinh xã hội, đầu tư, trả nợ, đảm bảo việc làm, ổn định xã hội… Bên cạnh đó, tăng trưởng cao sẽ giúp Việt Nam đuổi kịp trình độ phát triển của các nước trong khu vực. Trong khi năm 2017 là năm bản lề của kế hoạch phát triển 5 năm, trong năm 2016 chúng ta đã không đạt được mục tiêu, nếu năm 2017 tiếp tục không đạt, sẽ ảnh hưởng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm. Điều này ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển của Việt Nam.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng khẳng định: Quan điểm của Chính phủ là tăng trưởng cao không có nghĩa là tăng trưởng bằng mọi giá. Ổn định vĩ mô vẫn là nhiệm vụ hàng đầu. Chính phủ luôn duy trì quan điểm không đánh đổi môi trường để tăng trưởng. Tăng trưởng phải đảm bảo yếu tố bền vững, đảm bảo môi trường và an sinh xã hội.
"So với điều kiện của các năm trước, các điều kiện cho phát triển các ngành năm nay là tốt, Việt Nam có đủ cơ sở để tự tin phấn đấu với mục tiêu tăng trưởng đã định", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Và để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017, theo ông, có hai nhóm giải pháp được đưa ra: Về dài hạn, cần cải cách cơ chế chính sách, nâng cao năng suất lao động, mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng thị trường trong nước; Trong ngắn hạn, cấp bách tháo gỡ khó khăn cho DN về chi phí, cơ chế chính sách để họ có niềm tin bỏ tiền ra kinh doanh, đầu tư.
“Chúng ta có nhiều nguồn vốn nhưng điều kiện hấp thụ vốn chưa thuận lợi như hạ tầng, thể chế, cơ chế, năng lượng và nhân lực.. yếu kém. Vấn đề giảm chi phí cho DN hiện nay được Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và quyết liệt chỉ đạo mọi nơi phải làm sao để DN có môi trường, hệ sinh thái tốt nhất đủ sức cạnh tranh và hội nhập”, theo Bộ trưởng.
Một giải pháp nữa để đạt mục tiêu tăng trưởng là giải ngân nhanh các nguồn vốn. Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực giao sớm các nguồn vốn, trong đó có vốn trung hạn 2017, nhưng các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực, triển khai giải ngân hiệu quả hơn.
Cứ khai thác 1 triệu tấn dầu, sẽ đóng góp 0,25% tăng trưởng
Giải thích về đề xuất mà Chính phủ vừa trình Quốc hội về việc hút thêm 1 triệu tấn dầu thô để cứu tăng trưởng, Bộ trưởng Dũng nói, trên lý thuyết cứ khai thác 1 triệu tấn dầu, sẽ đóng góp 0,25% tăng trưởng. Năm 2016, Việt Nam khai thác sản lượng dầu thô là 16 triệu tấn. Kế hoạch khai thác dầu thô năm 2017 được xây dựng chỉ 12,28 triệu tấn, giảm đi hơn 3 triệu tấn so với sản lượng khai thác 2016 vì căn cứ trên cơ sở do giá dầu thô thế giới giảm mạnh từ những năm trước và yêu cầu giảm phụ thuộc tăng trưởng dựa vào khai thác dầu thô.
“Khi chưa thúc đẩy được các kịch bản mong muốn, dầu mỏ vẫn là phương thức đóng góp cho tăng trưởng nhưng không phải bằng mọi giá trông vào đó. Trong trường hợp cần thiết, nếu có thể khai thác được thì cũng mạnh dạn khai thác thêm để thúc đẩy tăng trưởng”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Đến nay, giá dầu thô thế giới đang nhích tăng, đây là cơ hội giúp Việt Nam bổ sung việc khai thác dầu thô vào các giải pháp để giúp giữ vững mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, cho dù đây là cơ hội tốt nhưng vẫn phụ thuộc vào diễn biến giá dầu thế giới và chỉ là một trong các giải pháp đề xuất, còn khai thác thêm bao nhiêu, thế nào là phù hợp thì còn tùy thuộc vào tình hình thực tế.
“Tái cơ cấu nền kinh tế là mục tiêu quan trọng của Chính phủ, đó mới là gốc vấn đề”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Thực tế cùng với nỗ lực tăng trưởng, Chính phủ vẫn đang nỗ lực thực hiện chủ trương chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng vào chất lượng tăng trưởng chứ không phải chỉ chạy theo con số tăng trưởng. Chính phủ đã có chương trình hành động, các nghị quyết đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực trong toàn nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt yêu cầu các Bộ trưởng các bộ, các tư lệnh ngành cam kết và chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp đề ra. Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược của Chính phủ cam kết, quyết tâm và phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp, hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo đó, ngay trong tháng 6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức các đoàn công tác đến các khu vực kinh tế trọng điểm, đến các dự án đầu tư trọng điểm để nắm bắt tình hình, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp, nếu vượt thẩm quyền, Bộ sẽ tổng hợp báo cáo kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những quyết định cụ thể.