Tăng trưởng năm 2017 trong tầm tay?
Xuất khẩu giảm tốc qua một năm chật vật | |
Việt Nam - nền kinh tế nổi bật ở châu Á | |
Tín dụng 2017: Chọn số lượng hay chất lượng? |
Trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường diễn biến phức tạp, thì con số mà Tổng Cục Thống kê vừa đưa ra: tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tính tăng 6,21% so với năm 2015, dù không đạt mục tiêu đề ra (6,7%) vẫn là một thành công.
Năm 2017, Quốc hội và Chính phủ kiên trì mục tiêu tăng trưởng 6,7%, tiếp tục được xem là nhiệm vụ không kém phần cam go so với năm 2016. Các chuyên gia đánh giá như thế nào về khả năng đạt được mức tăng trưởng này?
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:
Nhiều khó khăn, thách thức
Ông Nguyễn Bích Lâm |
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 đặt ra 6,7%, là khá cao trong bối cảnh kinh tế thế giới có phục hồi nhưng còn chậm. Tất cả các tổ chức kinh tế, tài chính đều đánh giá tình hình kinh tế năm 2017 sẽ không sáng như năm 2016. Với kinh tế Việt Nam cũng vậy, cả ADB và WB đều dự báo năm 2017 tăng trưởng sẽ thấp hơn năm 2016, do kinh tế thế giới phục hồi chậm.
Bên cạnh đó, rất nhiều người chưa thể dự đoán tới đây Tổng thống Mỹ sẽ điều hành nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới này như thế nào. Cùng lúc đó, chủ nghĩa dân tuý ở các nước đang nảy nở, phần lớn bảo hộ kinh tế trong nước. Trong bối cảnh như vậy, kinh tế Việt Nam có độ mở cao sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể. Và như chúng ta thấy, cán cân thương mại năm vừa rồi dù xuất siêu nhưng toàn bộ hàng hoá dịch vụ lại nhập siêu và làm giảm GDP trên 2 điểm %.
Ở trong nước, chưa khi nào biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như năm vừa qua. Đặc biệt xâm nhập mặn đã vào lõi của Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa của nền kinh tế. Đây là thách thức của nền nông nghiệp vốn vẫn là khu vực đóng góp mạnh cho nền kinh tế. Đối với ngành khai khoáng, dầu thô và than đá là 2 ngành góp tỷ trọng lớn trong sản xuất nông nghiệp, sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2017…
Vì vậy để GDP đạt mức 6,7% thì Chính phủ và các bộ ngành cần tập trung một số giải pháp như tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, giúp người dân đầu tư sản xuất, thành lập DN mới sẽ tạo động lực phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ điều hành linh hoạt, chủ động sẽ tạo thuận lợi mở rộng tín dụng, phát triển sản xuất. Cùng với đó là các giải pháp thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách và kỷ luật tài khoá, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách, tăng cường các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, nợ đọng thuế…
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia:
Những điểm sáng để bật lên
Ông Hà Quang Tuyến |
Dù nền kinh tế trong năm 2017 đối diện nhiều khó khăn và thách thức cả từ bên trong và bên ngoài, tuy nhiên trong bức tranh chung vẫn có những điểm sáng. Đó là nền kinh tế tiếp tục có tăng trưởng và nó thể hiện ở chỗ quý sau cao hơn quý trước và có sự bứt phá ở quý III, quý IV/2016. Hầu hết các ngành kinh tế cấp 1 của Việt Nam trong năm 2016 đều có mức tăng cao hơn so với năm 2015 với 15/21 ngành, trong khi đó năm 2015 chỉ có 7 ngành tăng cao hơn so với năm 2014.
Đáng lưu ý là lần đầu tiên tăng trưởng đạt mức cao mà không phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đây là dẫn chứng cho thấy nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng đã bước đầu có thành công. Xuất siêu hàng hoá đã quay trở lại, trong khi năm 2015 nhập siêu tới 3,6 tỷ USD. Điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá có tích cực và ổn định nên dự trữ ngoại hối được đánh giá có mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua. Lạm phát được kiểm soát tốt trong điều kiện chúng ta điều chỉnh tăng học phí và phí dịch vụ y tế cũng như thường xuyên điều chỉnh giá xăng dầu cho phù hợp giá cả thế giới.
Đây là năm đầu tiên chúng ta phát triển DN đạt mức cao kỷ lục với hơn 100.000 DN thành lập mới. Phát triển DN tăng ngoạn mục so với nhiều năm qua cả về số lượng, quy mô DN, vốn đầu tư… Trong đó công nghiệp chế biến chế tạo có số lượng DN tăng gần 9% và vốn đăng ký trên 6%. Đây là tín hiệu tốt cho ngành này nói riêng và ngành công nghiệp nói chung, cũng như toàn nền kinh tế trong quý I sắp tới. Cùng lúc đó, các chỉ số về dự báo xu hướng kinh doanh quý I/2017 vẫn tăng trưởng tốt, các DN dự báo hoạt động của mình tăng trưởng cao và ổn định đạt hơn 81%.
Một tín hiệu tích cực khác là chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng dần qua các tháng. Đây là tín hiệu tốt, khuyến khích DN bỏ vốn đầu tư, người dân tăng tiêu dùng, sẽ làm tăng phía cầu của nền kinh tế, cũng là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng của năm 2017.
Ông Lê Thanh Vân, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội:
Tăng thu ngân sách để đầu tư phát triển
Ông Lê Thanh Vân |
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2016 ước tính bằng 93% dự toán năm, trong đó giảm mạnh nhất là thu từ dầu thô, đạt 69,2% dự toán; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu bằng 90,8% dự toán. Điều này cho thấy thu ngân sách trong năm tiếp theo sẽ tiếp tục đối diện nhiều khó khăn do các loại thuế giảm theo cam kết hội nhập. Trong bối cảnh đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng thu ngân sách, đảm bảo nhu cầu đầu tư để đạt tăng trưởng trong năm 2017.
Hiện nay việc tăng thu ngân sách còn lệ thuộc cơ bản vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước nói chung và địa phương nói riêng. Thu ngân sách lệ thuộc tăng trưởng địa phương thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, vì vậy các ngành kinh tế phải khởi sắc hơn, hoạt động hiệu quả hơn để có nguồn thu. Đó là yếu tố căn bản nhất. Để phát triển kinh tế, vừa qua Quốc hội đã có Nghị quyết cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đưa ra hàng loạt giải pháp. Cụ thể cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, NHTM và đầu tư công, đi liền đó là các giải pháp khác như hỗ trợ DNNVV, tập trung ưu tiên cho những lĩnh vực then chốt, cắt giảm chi tiêu. Quan trọng nữa là rà soát lại các khoản nợ đọng, nợ xây dựng cơ bản, siết chặt kỷ luật thuế, tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế, khai man thuế…
Bên cạnh đó, cần khai thác các lợi thế tiềm năng của từng địa phương. Hiện nay nhiều khoản nhà nước chưa kiểm soát được trong thu ngân sách, đó là khoản phí, lệ phí… đang còn để cho các địa phương tự chủ trong ban hành các mức thu phí ở các công trình văn hoá, công trình kinh tế… Các khoản này cũng được kiểm soát và phân chia hợp lý hơn giữa ngân sách trung ương và địa phương trong thời gian tới.
Tiết kiệm chi cũng làm tăng ngân sách. Muốn vậy phải thực hiện một loạt giải pháp tinh giản bộ máy, thực hành tiết kiệm chi tiêu công, đẩy mạnh các biện pháp mua lại, thuê ngoài đối với các dịch vụ công. Cái gì nhà nước thấy có thể thuê khoán bên ngoài, dịch vụ ngoài xã hội làm tốt hơn thì nên để cho xã hội thực hiện để giảm bớt bộ máy quản lý.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương:
Khéo léo điều hành, quyết liệt cải cách
TS. Võ Trí Thành |
Khái quát lại chúng ta đều thấy tình hình hiện nay cả trong và ngoài nước còn có khó khăn không nhỏ, có điểm nghẽn, có tia sáng, nhưng quyết định nhất để có cơ hội là Việt Nam phải đủ tự tin, linh hoạt, quyết liệt trong cải cách.
Kinh tế thế giới hiện nay đang nổi lên 3 đặc điểm đặc trưng: hồi phục gập ghềnh và khó khăn; thương mại toàn cầu suy giảm; rủi ro và bất định gia tăng. Điều này thể hiện trên cả 4 góc độ địa chính trị; tài chính-tiền tệ; giá cả hàng hoá cơ bản; chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tinh thần chống lại tự do hoá thương mại bắt đầu nổi lên. Nhưng bối cảnh này vừa là thách thức cũng vừa là lúc để cơ hội xuất hiện, qua 2 yếu tố gần đây chúng ta nói nhiều là sáng tạo công nghệ, và sự phát triển nhanh của thương mại dịch vụ.
Nhìn tổng thể, năm tới nông nghiệp tuy không phải động lực nhưng khả năng sẽ tốt hơn. Bất động sản năm 2017, tuy chưa phải thời kỳ có thể đi vào bong bóng nhưng cần cẩn trọng hơn, cho nên độ hứng khởi với bất động sản có lẽ khó được như năm 2015-2016. Từ phía cầu, tiêu dùng của Việt Nam vẫn là điểm sáng dù năm nay tăng trưởng tiêu dùng thấp hơn so với mức tăng của năm 2015.
Với tất cả các yếu tố này thì các dự báo gần đây kể cả trong nước và nước ngoài đều đặt ra tăng trưởng khoảng 6,7% ở mức cao và thấp là 6%, để thấy chúng ta vẫn có cơ hội đan xen trong khó khăn. Vì vậy chúng ta phải khéo léo trong điều hành và quyết liệt trong cải cách để đạt được kết quả cao và hiệu quả nhất.