Tăng trưởng thiếu chất dẫn dòng
Sức ép 6,7% và câu hỏi mở | |
Chính sách lãi suất nào có lợi cho tăng trưởng kinh tế | |
Nhiều yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm |
Huy động vốn trái phiếu Chính phủ nhiều khả năng sẽ tiếp tục cán đích sớm trong năm 2017, thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ đã duy trì hiệu quả trong việc huy động vốn đầu tư phát triển cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, giải ngân vốn đầu tư công chưa có nhiều cải thiện lại đang làm phí hoài các nỗ lực này, hơn nữa giải ngân chậm còn là nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế không thể bật lên.
1 lần chậm, 3 lần lãng phí
Theo báo cáo mới nhất của Kho bạc Nhà nước (KBNN), lũy kế đến ngày 25/7/2017, cơ quan này đã huy động trái phiếu Chính phủ (TPCP) đạt 75,6% kế hoạch năm. Đặc biệt lãi suất phát hành TPCP trong 6 tháng đầu năm đã giảm trong biên độ 0,25%-1,04% với các kỳ hạn dài, là điểm tích cực hỗ trợ cho công tác huy động vốn phục vụ đầu tư phát triển của Chính phủ. Huy động vốn suôn sẻ với mức lãi suất giảm đã giúp cơ cấu lại nguồn vốn, đẩy mạnh vốn trung dài hạn và kéo giãn thời gian trả nợ.
Giải ngân chậm làm uổng phí các nỗ lực huy động vốn |
Tuy nhiên, trái ngược với tình hình huy động thành công, giải ngân vốn đầu tư đang rất chậm chạp, lặp lại tình trạng của năm 2016. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trong tháng 7/2017 đã cao hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước, song nhìn chung tiến độ thực hiện nguồn vốn này trong 7 tháng năm nay còn chậm. Tính chung 7 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước mới bằng 47,2% kế hoạch năm.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng nêu rõ, 6 tháng đầu năm 2017 tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách Nhà nước mới đạt 29,5%. Nếu tính cả nguồn từ năm 2016 chuyển sang thì hiện có tới 300.00 tỷ đồng vốn đầu tư công đang tồn đọng. Tình trạng ách tắc trong quá trình giải ngân đang trở thành điểm nghẽn đối với tăng trưởng, nguy cơ gây ra một loạt bất ổn vĩ mô trong dài hạn nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Tại buổi làm việc với 13 bộ, cơ quan, địa phương có số vốn đầu tư công giải ngân chậm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ khẳng định nguyên nhân chậm trễ trước hết thuộc về lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, trong đó có nguyên nhân thủ trưởng đơn vị chỉ đạo không quyết liệt; đơn vị thi công, vướng mắc về thủ tục, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, năng lực của đơn vị thi công chưa đáp ứng yêu cầu. Có đơn vị có tiền nhưng không tiêu được do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, do thủ tục. Thậm chí, còn có hiện tượng sử dụng “mẹo” đẩy tiến độ giải ngân lên, ứng vốn xong gửi NH, tăng tỷ lệ giải ngân nhưng tiền đó không vào đầu tư phát triển.
“Việc chậm giải ngân sẽ khiến lãng phí tăng lên gấp 3 lần. Một là lãng phí từ việc công trình chậm đưa vào sử dụng. Hai là tiền để đó, Nhà nước phải trả lãi. Ba là nhà thầu phải đi vay ngoài”, Bộ trưởng lưu ý.
Khả năng hấp thụ đã tới hạn?
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phân tích, tình trạng chậm giải ngân do vướng mắc về quy trình, thủ tục đã kéo dài từ năm 2016 tới nay, cho thấy công tác điều hành nội bộ tại nhiều cơ quan chưa hiệu quả. Vì vậy mới dẫn tới tình trạng để giải ngân, các cơ quan phải hỏi đi hỏi lại lẫn nhau, điều chỉnh từng chi tiết, điều khoản thì mới phê duyệt được dự án.
Điểm thứ 2 mà ông Kiên lưu ý là giải ngân chậm kéo dài cho thấy nhu cầu đầu tư công của nền kinh tế đang có vấn đề. “Chúng ta cần đặt câu hỏi phải chăng giải ngân chậm cho thấy với cơ cấu nền kinh tế như hiện nay thì khả năng hấp thụ vốn đầu tư công chỉ đạt bằng đó thôi, còn vượt quá nữa là lãng phí, không hiệu quả”, ông Kiên lưu ý. Như vậy khi khả năng hấp thụ của nền kinh tế với nguồn vốn đầu tư công tiếp tục tình trạng trì trệ như hiện nay thì yêu cầu về tái cơ cấu nền kinh tế phải được đặt lên hàng đầu. Nếu không tái cơ cấu được nền kinh tế thì công tác giải ngân vốn đầu tư công sẽ bị lặp lại theo kịch bản mấy năm vừa qua, đó là đầu năm ách tắc, giữa năm họp bàn các biện pháp rồi cuối năm tốc độ giải ngân tăng lên vù vù nhưng chất lượng công trình bị xem nhẹ.
So sánh với tốc độ giải ngân vốn FDI trong mấy năm gần đây, các chuyên gia cũng cho rằng, tốc độ giải ngân FDI đã giữ nhịp độ ổn định, năm sau cao hơn năm trước, khoảng cách giữa vốn huy động và vốn giải ngân tiếp tục được kéo gần lại, cho thấy NĐT nước ngoài đang tận dụng cơ hội tốt hơn để mở rộng đầu tư tại Việt Nam. “Tốc độ giải ngân của các NĐT nước ngoài hay khối tư nhân là rất tốt, vì họ không bị bệnh của đầu tư công. Như vậy cơ cấu lại nền kinh tế phải làm sao để chúng ta đầu tư công có hiệu quả như đầu tư tư nhân”, TS. Nguyễn Đức Kiên khuyến cáo.
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cũng đặc biệt lo ngại giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng trong ngắn hạn và các cân đối vĩ mô trong dài hạn. Theo ông Ánh, sau 6 tháng tổng vốn đầu tư toàn xã hội xấp xỉ 33% GDP, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Trong tổng vốn đầu tư đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, kể cả nguồn vốn đi vay, vốn của DNNN vẫn đóng vai trò quan trọng trực tiếp vào tăng trưởng.
Ông Ánh cũng nhắc lại, xét về chính sách tiền tệ và tài khoá, cơ quan điều hành đã phải rất nỗ lực dùng các biện pháp khác nhau để huy động vốn cho ngân sách nhà nước nói chung cũng như cho đầu tư nói riêng. Tuy nhiên hàng trăm ngàn tỷ đồng vẫn tồn đọng tại NH, trong khi lãi vẫn phải trả, nợ gốc cũng đang đến hạn. Gắn với đó quy mô nợ công đã áp sát trần, do đó khả năng huy động thêm vốn thông qua vay nợ công đã rất hạn chế. Như vậy giải ngân chậm trước mắt tác động đến tăng trưởng, đằng sau đó là hiệu quả nguồn lực, an ninh tài chính liên quan tới nợ công, cũng như luân chuyển dòng vốn…
Hết năm 2017, nợ công sẽ tăng lên mức 65% GDP, chạm trần mức 65% Quốc hội đề ra. Các chuyên gia khuyến cáo, khi nợ công chạm trần, Chính phủ sẽ phải tính đến vay nợ trong nước. Để vay nợ, bù đắp bội chi, các công cụ điều hành vĩ mô như lãi suất, tỷ giá... sẽ phải được sử dụng. Điều này sẽ gây áp lực lên lạm phát và toàn bộ nền kinh tế.